Tiếng Việt | English

27/01/2020 - 16:25

Về Cần Đước nghe tiếng đờn tài tử

Cần Đước (tỉnh Long An)vốn được xem là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử. Nơi đây từng nổi danh với câu: Tiếng đàn Cần Đước xuân xanh/ Giai kìm, Quýnh gáo, Quế Tranh, Lòng cò. Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp về Cần Đước để được nghe tiếng đờn dìu dặt của hậu duệ những danh cầm ngày trước.

Chúng tôi theo tiếng tăm người tài tử tìm về Cần Đước. Mới tới chợ Đào, hỏi nhà nghệ nhân Tám Toàn hầu như ai cũng biết. Men theo những cánh đồng lúa Nàng Thơm, chúng tôi đến nhà Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Tám Toàn (Võ An Toàn), một tài tử nông dân “chính hiệu”. 

 1. Bên hiên nhà, NNƯT Tám Toàn và NNƯT Út Bù (Nguyễn Văn Út, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) đang cùng hòa một bản đờn. Tiếng đờn dìu dặt, ngọt ngào, say đắm. Đúng là không hổ danh NNƯT, con “nhà nòi” về đờn ca tài tử. Cả NNƯT Út Bù và NNƯT Tám Toàn đều xuất thân từ gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử. Nếu nghệ nhân Út Bù là con trai út của một trong tứ đại danh cầm - nhạc sư Bảy Quế, học trò lớp thứ 2 của thầy Ba Đợi và là thầy dạy của nhạc sư Ba Tu thì nghệ nhân Tám Toàn là con trai của danh cầm Tư Bền nức tiếng một thời, người từng đứng ra tổ chức gánh hát vang danh vùng Cần Đước năm xưa. 

Không cần hội hè, tiệc tùng, chỉ là lúc thanh nhàn, cao hứng, tài tử đem đờn ra độc tấu hoặc mời bạn đờn, bạn hát cùng hòa đờn, ca vài bài bản để thưởng thức thú vui tao nhã miệt vườn (Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Út Bù hòa đờn cùng Nghệ nhân ưu tú Tám Toàn) 

Đờn ca tài tử như đã “ăn vào máu” những nghệ nhân này. Họ sinh ra, lớn lên trong tiếng đờn, câu hát nên cả cuộc đời không thể nào buông bỏ được đờn ca. Là con “nhà nòi” nên cả 2 nghệ nhân đều mang trong mình tài năng thiên phú với ngón đờn điêu luyện ít ai bì kịp. Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử chính là sự sáng tạo vô chừng của người đờn. Cùng lòng bản nhưng mỗi thầy đờn, tùy tâm trạng và sự sáng tạo của mình mà sắp xếp chữ đờn. Tài hoa của thầy đờn cũng từ đó mà bộc lộ. Biết chơi cả guitar phím lõm và đờn tranh nhưng “tuyệt chiêu” của NNƯT Tám Toàn lại là đờn kìm. Ông là một trong những học trò của nhạc sư Ba Tu. NNƯT Út Bù là con của danh cầm đờn tranh nhưng thế mạnh của ông lại là guitar tay trái. Đó là nét riêng của ông, không nhầm vào đâu được. 

Cũng gánh nặng cơm áo gạo tiền như bao người khác, nhưng có sẵn trong tim “máu” chơi tài tử nên trông 2 nghệ nhân vô cùng thong dong. NNƯT Út Bù từng đúc kết: “Tâm tính cũng liên quan đến “tâm đờn”. Người có tính hiền hòa, đôn hậu thì điệu đờn cũng nhẹ nhàng, chín chắn”. Sự trầm tĩnh, hiền lành ấy giúp tiếng đờn thanh thoát và phóng khoáng hơn. Nghệ nhân Tám Toàn khẳng định: “Muốn đờn tài tử được thì phải tập trung, tâm trí chỉ nghĩ đến chuyện đờn, không lăn tăn chuyện khác. Không có cảm hứng, bận lòng suy nghĩ thì ôm đờn cả ngày cũng không đờn được”.

 2. Đờn ca tài tử là một thú chơi tao nhã và tài tử nên người chơi phải có nghề riêng để nuôi sống đam mê. Nhưng dù vất vả, bận bịu cỡ nào, cứ đôi bữa không đờn là nghệ nhân Tám Toàn thấy nhớ. Còn nghệ nhân Út Bù, biết mình có “máu” đờn ca, không xa được cây đờn nên ông chọn theo nhạc lễ, vừa giúp “nuôi” tài tử, vừa thỏa được đam mê. Đờn ca tài tử đòi hỏi người chơi tâm huyết phải học suốt đời, bởi ngón đờn lâu ngày không dợt sẽ không còn điêu luyện, sự sáng tạo trong sắp xếp chữ đờn cũng sẽ không linh hoạt như mình mong muốn. 40 năm theo đuổi đờn ca tài tử, NNƯT Tám Toàn và Út Bù chưa khi nào ngơi nghỉ.

Gần tết, tiệc tùng, lễ hội nhiều hơn, đất Cần Đước lại vang vọng tiếng đờn ca tài tử. Những bậc thầy đờn ca tài tử như NNƯT Út Bù, Tám Toàn được mời liên tục. Nghệ nhân Út Bù chia sẻ: “Từ khi đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, phong trào đờn ca tài tử ở vùng đất này phát triển mạnh hơn. Các câu lạc bộ, nhóm đờn ca sinh hoạt nhiều hơn, tiệc tùng, hội hè cũng hay chơi đờn ca tài tử”. 

Đờn ca tài tử là thú chơi dân dã, tùy theo hoàn cảnh, địa điểm, người chơi đờn, ca theo ngẫu hứng. Không cần hội hè, tiệc tùng, chỉ là lúc thanh nhàn, cao hứng tài tử đem đờn ra độc tấu hoặc mời bạn đờn, bạn hát cùng hòa đờn, ca vài bài bản để thưởng thức thú vui tao nhã miệt vườn. Nhờ vậy, đờn ca tài tử âm thầm sống mãi trong lòng người dân Nam bộ. 

Cũng vì thú chơi tùy cảm hứng nên số lượng người chơi tuy nhiều nhưng người thực sự đam mê, đào sâu nghiên cứu đúng theo bài bản còn giới hạn. Học trò tìm đến học đờn, học ca với 2 nghệ nhân không hề ít nhưng hầu hết dừng lại ở ngưỡng vui chơi, làm kinh tế. Tuy nhiên, 2 ông vẫn tin rằng, trong lớp trẻ chơi tài tử sau này, sẽ có người đủ duyên, đủ giỏi, đam mê để tiếp tục nối dài sợi dây nghệ thuật đờn ca tài tử. 

Cần Đước dịp gần xuân như rộn ràng hơn hẳn. Vườn hoa tết vươn mình đón nắng. Lát đủ màu phơi dọc khắp các con đường vào xóm chiếu. Đồng lúa nàng thơm nứt tiếng như níu kéo lòng người. Và đâu đó gần xa là tiếng đờn ca tài tử./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết