Liên hoan lần này, xuất hiện nhiều gương mặt trẻ là tín hiệu vui cho việc bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ
Tôn vinh “báu vật” phương Nam
Có một loại hình âm nhạc truyền thống gắn với đời sống cư dân Nam bộ, được xem là “báu vật” phương Nam - đó là nghệ thuật ĐCTT. Nghệ thuật này sẽ mãi lan tỏa, bay cao trên bầu trời âm nhạc truyền thống khi được tôn vinh, quảng bá qua Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ 2 - Bình Dương năm 2017. Trong đó, việc quảng bá, tôn vinh nghệ thuật ĐCTT được thể hiện với nhiều hoạt động: Không gian ĐCTT, tôn vinh các nghệ nhân ưu tú và phần thi diễn ĐCTT của 21 tỉnh, thành phố miền Đông, Tây Nam bộ.
Qua festival, quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật ĐCTT được tái hiện trọn vẹn trong phần thi diễn của các tỉnh, thành phố. Với chủ đề “Hồn đờn Phương Nam”, chương trình thi diễn của Ban ĐCTT tỉnh Tiền Giang đưa người xem quay ngược thời gian, trở về những ngày ĐCTT bắt đầu hình thành ở miệt vườn, sông nước.
Đó là hơn 300 năm trước, theo gió nồm, chiếc ghe bầu đưa những lưu dân miền Trung xuôi phương Nam. Trong những ngày khai hoang, khẩn đất, họ không quên trau chuốt một cung đờn vốn mang nặng tình quê, để rồi, tiếng đờn ấy gắn với đời sống mà bài Lưu bình kim Đờn về phương Nam thể hiện rõ nét. Ban ngày mưu sinh, tối đến, tiếng độc tấu đờn kìm Hoài cố hương réo rắt, khắc khoải trong đêm như tiếng lòng, nỗi nhớ, niềm thương về miền cố thổ.
Ngày qua ngày, tiếng đờn nhớ cố hương như một phần máu thịt không thể thiếu của người phương Nam. Và, điệu hò, sự, xang, xê, cống cũng hóa tâm hồn! Tất cả hòa vào nhau thành Cung đờn nhớ thương về miền quê cũ mà tài tử Ngọc Hiền - Ban ĐCTT tỉnh Tiền Giang thể hiện bằng câu vọng cổ nhịp 8.
Cuộc sống phát triển, người trẻ dần quay lưng với tiếng đờn xưa, xa dần câu tài tử, quên cung bậc tình ca “hòa mình” vào dòng nhạc ngoại lai. Kỷ vật thời cha ông - cây đờn kìm không đủ sức hấp dẫn với người trẻ nhưng qua việc truyền dạy nên thế hệ con cháu hôm nay hiểu và gìn giữ điệu đờn, lời ca ấy. Bài Phú lục (lớp 1, 2, 3 - ca ra bộ) mang tựa đề Cung đờn để lại do tài tử Minh Cường, Bích Luyến biểu diễn nói lên điều này. Và ngày nay, tiếng đờn kìm vẫn còn sức sống. Nó không là cung thương, cung oán như thuở xưa mà réo rắt điệu Nam xuân trên quê hương đang xây dựng nông thôn mới.
Với chương trình thi diễn đủ đầy các hơi Nam, Bắc, Oán, Ban ĐCTT tỉnh Tiền Giang để lại nhiều ấn tượng. Anh Nguyễn Thái Hợp, ngụ TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Qua chương trình của tỉnh Tiền Giang, tôi hiểu quá trình hình thành ĐCTT và biết rằng, đó là di sản mà cha ông chắt chiu nên con cháu phải gìn giữ, phát huy. Tôi tin rằng, khi còn người nghe ĐCTT thì loại hình nghệ thuật này vẫn sống mãi”.
Ngoài ra, tiếng đờn hòa lời ca của Ban ĐCTT các tỉnh, thành phố tấu lên âm điệu ngợi ca, tôn vinh ĐCTT như viên ngọc của Nam bộ luôn tỏa sáng cùng thời gian mà chương trình “Ngọc đời Phương Nam” của Ban ĐCTT tỉnh Long An thể hiện rõ qua các bài: Tiểu khúc Niệm khúc tri ân; Nam xuân - Đảo ngũ cung Ngọc đời Phương Nam, vọng cổ nhịp 16 Công đức tiền nhân và ca ra bộ Trọn niềm đam mê,...
Tài tử Hoàng Oanh - Ban ĐCTT tỉnh Long An tâm sự: “Nhiều lần tham gia hội thi, hội diễn ĐCTT nhưng mỗi lần, em đều học hỏi nhiều kỹ năng để rèn giọng. Qua đây, em cũng hiểu hơn giá trị nghệ thuật ĐCTT và thêm đam mê, quyết tâm gìn giữ, bảo tồn di sản mà cha ông dày công khai sáng”.
Phần thi diễn của Ban Đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang tái hiện nguồn gốc hình thành, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
"Các hoạt động trong khuôn khổ festival tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức, tích cực hành động của toàn xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đối với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Tôi hy vọng rằng, festival lần này để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế bằng những điệu nhạc, lời ca và tình người da diết mà bao thế hệ nghệ nhân gửi lòng mình vào đó. Nó tiếp tục lan tỏa sâu rộng, sâu lắng hơn trong lòng người dân Việt Nam để luôn yêu thích nghệ thuật ĐCTT Nam bộ." Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Lễ khai mạc Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ 2 - Bình Dương năm 2017. |
Bảo tồn và phát triển
Tôn vinh, quảng bá cũng nhằm hướng đến bảo tồn và phát triển. Điều này trước tiên cần sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Theo nghệ nhân Kim Phượng - Ban ĐCTT tỉnh Đồng Tháp, đến với festival, chúng tôi muốn gửi bức thông điệp giữ gìn, phát huy loại hình âm nhạc vừa dân gian, vừa bác học, là đặc trưng của Nam bộ. Phần thi diễn, giao lưu không gian ĐCTT trong festival tiếp thêm “lửa” đam mê với người chơi và người nghe ĐCTT. Để rồi, niềm đam mê ấy ngày càng lan tỏa trong xã hội.
Lan tỏa vẫn chưa đủ, ĐCTT cần có đội ngũ trẻ kế thừa khi những nghệ nhân, người chơi loại hình nghệ thuật này dần lớn tuổi. Tại festival, đội ngũ trẻ xuất hiện trong hội thi ĐCTT khá nhiều, đây là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và phát triển. Đó là Nguyễn Huỳnh Bảo An, 6 tuổi, đến từ tỉnh Kiên Giang. Ở nhà, nghe ông ngoại hát, Bảo An thích nên học theo và biết hát ĐCTT lúc 5 tuổi. Khi lên sân khấu hát bài Nam xuân 8 câu và Nam đảo 12 câu tựa đề Anh hùng Nguyễn Trung Trực, tuy chưa tròn chữ nhưng em tự tin, thể hiện hết tình yêu dành cho loại hình này.
Không gian đờn ca tài tử trong khuôn khổ festival làm sống lại không gian diễn xướng gắn với đời sống miệt vườn, sông nước của người dân Nam bộ
Hay như Quốc Khánh - Ban ĐCTT tỉnh Đồng Tháp, mới 14 tuổi nhưng hát khá tốt bài Liên Nam (Nam xuân, Nam đảo) Tự hào Đồng Tháp quê em. Quốc Khánh cho biết: “Em hát ĐCTT lúc 6 tuổi. Trong nhà không có ai chơi ĐCTT nhưng một lần nghe qua đài, thích âm điệu nhẹ nhàng, từ ngữ mộc mạc của loại hình này nên em tìm học. Hàng tuần, ngoài thời gian học tập, em tham gia sinh hoạt đều đặn tại Câu lạc bộ ĐCTT nhí huyện Lai Vung để rèn luyện lời ca ngày thêm vững vàng”.
Với chất giọng và nhịp trường canh khá tốt, năng khiếu về ĐCTT của Quốc Khánh được phát hiện trong lần thi văn nghệ học đường. Những người trẻ yêu thích ĐCTT như Quốc Khánh rất ít nên khi có niềm đam mê, các nghệ nhân, tài tử đi trước sẵn sàng hướng dẫn, rèn giũa để thế hệ trẻ phát huy và âm nhạc truyền thống có đội ngũ kế thừa.
Còn tài tử Huyền Trang, 12 tuổi của Ban ĐCTT tỉnh Long An, tuy lần đầu tham gia festival nhưng thể hiện tròn trịa bài ca ra bộ. Đây là gương mặt sáng trong phong trào ĐCTT của tỉnh, sẽ nối tiếp thế hệ đi trước gìn giữ, bảo tồn âm nhạc truyền thống. Huyền Trang bộc bạch: “Mới hát ĐCTT được vài năm nên em chỉ biết vài bài bản. Qua festival, được gặp gỡ nhiều nghệ nhân, xem nhiều tài tử trình diễn, em học hỏi được nhiều điều để tiếp tục theo đuổi đam mê ĐCTT”. Đam mê sẽ là sức mạnh để tình yêu với ĐCTT Nam bộ của Huyền Trang bền bỉ theo thời gian.
Ngoài tài tử ca nhí, ngón đờn trẻ cũng xuất hiện tại festival. Đó là tài tử Nguyễn Nghiệp, 22 tuổi của Ban ĐCTT tỉnh Kiên Giang. Khi Nguyễn Nghiệp độc tấu đờn kìm bài Bình bán chấn (22 câu), khán giả trầm trồ khen ngợi vì tuổi trẻ nhưng tiếng đờn chín chắn và trau chuốt. Nguyễn Nghiệp cho biết: “Em đang theo học khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM. Dù chơi được nhiều nhạc cụ: Đờn tranh, guitar nhưng em vẫn chơi chính đờn kìm. Ngày trước, ba là nghệ nhân Út Nhỏ hay chơi đờn kìm tại nhà, em nghe và thích nên theo học. Âm điệu đờn kìm réo rắt, êm tai, dễ đi vào lòng người và tạo niềm say mê”.
Festival khép lại, âm điệu du dương, bổng trầm, khi khoan, khi nhặt của điệu đờn, lời ca còn đọng lại. Để rồi, “Ai về Nam bộ mà nghe tiếng đờn” sẽ thêm yêu, thêm mến nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - một loại hình đi sâu vào đời sống, được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương, để bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - nghệ thuật ĐCTT Nam bộ của tỉnh”; tham mưu xây dựng quy trình đãi ngộ, khen thưởng nghệ nhân, người thực hành, truyền dạy, học viên theo học ĐCTT; phối hợp ngành liên quan đưa vào tiết học ngoại khóa và huy động mọi nguồn lực xã hội chung tay với Nhà nước bảo đảm đủ nguồn vốn cho công tác bảo tồn cũng như hoạt động ĐCTT ở các địa phương tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả./. |
Khánh Ly