Tiếng Việt | English

18/05/2021 - 09:11

Định hướng thông tin trên mạng xã hội - Một hướng đi tất yếu!

Bài 2: Con dao hai lưỡi mang tên Mạng xã hội

Với những lợi ích thiết thực, MXH nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, môi trường Interet nói chung và MXH nói riêng cũng có những mặt trái nhất định đến từ việc người dùng cố ý sử dụng MXH vào những mục đích không trong sáng, gây ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, xã hội và thậm chí là lợi ích quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An - Huỳnh Cao Chánh nhận định: “MXH không có lỗi, đó là công cụ để con người sử dụng, tùy thuộc vào mục đích của người dùng. Đối với người dùng không đúng mục đích, thông tin trên MXH được ví như con dao hai lưỡi ẩn chứa nhiều vấn đề, rủi ro và hiểm họa khó lường”.

Cuối năm 2020, thông tin facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331, Bộ luật hình sự 2015, đã gây xôn xao dư luận trong tỉnh (Ảnh tư liệu)

Công cụ của các thế lực thù địch

Với đặc điểm nổi bật là ẩn danh, MXH dễ dàng bị các thế lực thù địch lợi dụng vào mục đích xấu. Thông tin xấu, độc trên MXH là những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng - sai, thật - giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu. Đó đều là những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục, kích động, đồi trụy, bạo lực,... Các thế lực thù địch còn thông qua MXH truyền bá thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Cuối năm 2020, thông tin facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã gây xôn xao dư luận trong tỉnh. Facebooker Trương Châu Hữu Danh có nhà riêng tại TP.Tân An, từng hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Vài năm trở lại đây, Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng trên MXH. Nhiều bài viết của người này trên MXH được cho là có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Các trang cá nhân, fanpage do người này lập ra thu hút rất đông người theo dõi trên Facebook, một trong những MXH phổ biến tại Việt Nam.

Dễ khiến lòng tin bị "xói mòn" 

Một nhân vật “nổi tiếng” khác trên YouTube cũng bị bắt vào cuối năm 2019 là Khá Bảnh. “Giang hồ mạng” Khá Bảnh nổi lên như thần tượng của một bộ phận giới trẻ trên MXH. Các clip của Khá Bảnh trên YouTube luôn có lượt xem và lượt thích cao mặc dù hầu hết đó đều là những clip cổ xúy hành vi bạo lực, nói tục, chửi thề, mang dao kiếm,... Được biết, Khá Bảnh có nhân thân xấu, từng bị đưa vào trường giáo dưỡng, bị xử phạt hành chính cũng như phạt tù. Cuối năm 2019, Khá Bảnh bị bắt, bị tuyên án tù về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Khá Bảnh được khá nhiều người trẻ tung hô, xem là thần tượng. Điều đó gióng lên hồi chuông về việc kiểm soát, chọn lọc các thông tin trên MXH và thước đo giá trị của các bạn trẻ trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nhận định về điều này, ông Huỳnh Cao Chánh khẳng định: “Tình trạng thông tin xấu, độc phát tán tràn lan trên MXH gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, các mối quan hệ tốt đẹp, lòng tin của con người dần bị xói mòn, sự gắn kết, cố kết xã hội bị rạn nứt và phá vỡ. Tuy nhiên, có thể thấy, các nội dung thông tin xấu, độc chỉ tập trung ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và các MXH do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới chủ yếu là Facebook và YouTube”.

MXH, đặc biệt là do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới, là nơi thông tin được chia sẻ một cách nhanh chóng, tự do nhưng cũng là nơi thông tin không được kiểm duyệt, định hướng. Với lợi thế tạo tài khoản một cách dễ dàng, kết nối được với nhiều người, MXH bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để cung cấp, lan truyền những thông tin không đúng sự thật.

Năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã rà soát, phát hiện 16 vụ việc cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên Facebook. Cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ với tổng số tiền 110 triệu đồng, nhắc nhở 3 vụ và chuyển hồ sơ 3 vụ đến các cơ quan nơi đối tượng sinh sống để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Báo Long An để phản bác các thông tin sai sự thật nêu trên.

Luật An ninh mạng ra đời góp phần giúp cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý những vi phạm trên môi trường mạng nói chung và MXH nói riêng, từng bước xây dựng môi trường MXH trong sạch, lành mạnh. Với những biện pháp chế tài cụ thể được quy định rõ ràng, những đối tượng có ý định sử dụng MXH vào mục đích không chính đáng phải cân nhắc kỹ.

Có thể thấy, MXH có khối lượng thông tin khổng lồ, ngoài những mặt tích cực, thông tin hữu ích, người dùng cũng có thể dễ dàng gặp phải những thông tin không chính xác, thậm chí bịa đặt, lệch chuẩn. Nếu không chọn lọc thông tin một cách cẩn trọng, những thông tin xấu sẽ gây ảnh hưởng đến quan điểm, suy nghĩ của người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ đang ở độ tuổi muốn khẳng định cái tôi và tìm kiếm sự khác biệt./.

Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả.

Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình.

Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm.

Các nhà xã hội học cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng dẫn đến "cô lập với xã hội thực tại", "xao nhãng các quan hệ đời thực", "tin vào đó mà không dành thời gian cho các quan sát, trải nghiệm và tương tác thực tế để đưa ra các quyết định đúng đắn", thậm chí lệch lạc về nhận thức, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt với giới trẻ.

(Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - Võ Văn Thưởng. Bài viết đăng tải trên Báo Tuổi trẻ online, ngày 17/6/2019)

(còn tiếp)

Bài 3: Khi chính quyền tham gia mạng xã hội

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết