Tiếng Việt | English

06/03/2021 - 08:50

Bàn tay mẹ

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Nắng nóng. Cái nóng lên đến 39°C dễ khiến người ta cực đoan khi giải quyết xung đột. Nhất là khi nóng giận của con người được ví như ngọn lửa "tam muội" không có chỉ số đo lường lại bùng lên trong cái khí hậu này. Cuộc họp mặt các cựu thanh niên xung phong vừa bế mạc thì bà Bảy từ chối lời mời dùng cơm của đồng đội xưa để về lại quê nhà.

Vừa bước vào nhà, bà nghe tiếng con trai quát:

- Chừng nào cái áo này lành lại thì mới nói chuyện vợ chồng. Tôi nói cho cô biết...

Bà đằng hắng. Tiếng con trai dứt ngang. Hai Tân đang cầm cái áo giũ giũ trước cửa buồng. Hai Tân luống cuống cuộn cái áo trong tay, khẽ chào:

- Mẹ mới về. - Hai Tân treo cái áo lên giá áo, tiếp: - Con đi đằng này một tí.

Bà gật đầu. Bà hiểu tính con trai. Nó không muốn vợ chồng cãi nhau trước mặt mẹ. Thôi thì cứ để nó đi đâu đó cho hạ hỏa.

Bà nghe trong buồng có tiếng khóc rưng rức của con dâu. Tiếng khóc đánh động tâm can bà. Là phụ nữ, bà hiểu khi nào thì nước mắt người đàn bà lại chảy. Cứ để cho nó khóc, nỗi lòng sẽ vơi. Chủ động hỏi chuyện bây giờ sẽ làm nó tìm thấy chỗ dựa để tiếp diễn những lần sau.

Bà Bảy lấy cái áo Hai Tân vừa mắc lên móc. Áo của con trai bà. Cái áo bị rách một đường từ bâu đến cổ. Đường rách tưa chỉ là do xé. Phải một sức mạnh khi tức giận ghê gớm mới đủ lực xé rách loại vải chắc thế này. Con trai hay con dâu bà xé? Bà không biết. Có là đứa nào thì cái áo của con bà bị xé cũng như lòng bà bị xé. Chuyện của bà, cuộc đời của bà, bà không thể vá nhưng bà sẽ vá lại chuyện của chúng nó như bà đã từng vá cuộc đời chúng nó. Bà lấy kim chỉ ngồi vá áo cho con.

*

*     *

Chiến tranh đi qua. Chị đã gửi tuổi xuân và một phần thân thể lại chiến trường. Thời gian cứ vô tình trôi qua mà khát khao làm vợ, làm mẹ mãi vẫn là sự khao khát trong bản thân người cựu thanh niên xung phong ngoài ba mươi tuổi. Mỗi độ thu về để chiếc lá vàng nghiêng rơi trong ngọn may se lạnh hay tiết xuân ấm áp đánh thức vạn vật sinh sôi thì chị càng ngấm sâu hơn nỗi cô đơn. Và rồi một đứa con chào đời với khai sinh chỉ có tên người mẹ.

Hai Tân lớn lên trong tình thương bao la của mẹ. Lời giải đáp về nhân thân của cha chỉ là sự im lặng của mẹ. Và như người ta nói, những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt thường mang tính khí đặc biệt. Hai Tân cũng thế. Sau vài lần nhận sự im lặng của mẹ, cậu không còn hỏi về cha nữa. Cậu nghĩ mẹ có nỗi khổ riêng. Nếu mẹ muốn cho biết thì tự mẹ sẽ nói.

Với người phụ nữ đi qua chiến tranh, gánh chịu thương tật, có được đứa con khỏe mạnh, hiếu thảo tưởng là hạnh phúc lớn của đời người. Cưới vợ cho con, rồi lần đầu tiên bế cháu nội trên tay, giọt nước mắt lăn vào khóe môi vẫn mặn như bao lần nhưng là vị mặn mãn nguyện. Duy chỉ một góc khuất xa xăm đã đong đầy nước mắt thì không còn khoảng trống để nhận thêm giọt nước mắt mừng vui. Cái góc khuất vẫn luôn hiện hữu để hôm nay chị thấy nợ cháu nội một lời giải đáp trong tương lai.

Trong cuộc sống, đôi khi cả trong giấc mơ, con người vắt cạn trí lực để mưu cầu hạnh phúc. Vậy mà nỗi đau luôn rình rập còn hạnh phúc thật mong manh. Cháu nội chị vừa đến tuổi đi mẫu giáo thì con dâu chị bỏ chồng con đi về một bến bờ xa lắc... Đôi cánh tay đã mất đi một bàn tay của người mẹ lại phải giúp con trai đứng vững trong những tháng ngày hụt hẫng. Để thêm một minh chứng trong cuộc đời rằng với tất cả nỗi đau, tình mẹ luôn là điểm tựa của đời người. Bàn tay mẹ có khả năng xoa dịu mọi vết thương lòng.

Dù buồn đau thì con người cũng phải tiếp tục sống, sống cho tròn bổn phận đời người. Có thiếp có chàng gian nan nào sá. Chị âm thầm tìm mối cho con. Với gợi ý của mẹ, mưa dầm thấm đất, Hai Tân gá nghĩa với người phụ nữ cùng hoàn cảnh. Bàn tay của chị lại vá hai mảnh đời bất hạnh lại với nhau cho nên sự.

*

*     *

Hai Thu đứng ở cửa buồng nhìn mẹ chồng vá áo. Dùng mỏm tay cụt dằn hai mép vải lên đầu gối, mẹ dùng ngón út bàn tay lành kéo căng mép vải để ngón cái và ngón trỏ cầm kim khâu. Nỗi ân hận dâng đầy làm chị xốn xang. Thà mẹ la mắng, thậm chí đánh chửi, chị cũng sẵn lòng gánh chịu. Chứ mẹ cứ ngồi lặng thinh vá từng mũi kim lên lỗi lầm của chị, chị không thể chịu được. Chị đến bên mẹ, ngồi xuống, hai tay đặt lên tấm áo trên đầu gối mẹ, giọng khẩn thiết:

- Mẹ... mẹ tha lỗi cho con. Con xin mẹ cho con được vá cái áo lại cho ảnh.

Bà Bảy ngừng tay kim chỉ, nhìn con dâu. Bà hỏi:

- Có thật sự là con thấy có lỗi?

Hai Thu cúi đầu, đáp:

- Con biết lỗi, mẹ ạ. Chỉ vì con giận quá mụ cả người đi.

Bà Bảy cắm mũi kim vào vải, đặt bàn tay lên đầu con dâu, nhè nhẹ vuốt mái tóc Hai Thu. Dù nguyên do thế nào thì nó cũng đã biết lỗi. Chỉ có tình thương thật sự mới cảm hóa được con người.

- Con ạ. Trong cuộc sống vợ chồng có cả ngàn lý do để nóng giận và cũng ngần ấy lý do để nhường nhịn, yêu thương nhau. Cả hai đứa đều đã đi qua một lần dang dở, các con phải hiểu được cái giá trị hạnh phúc các con đang gây tạo quý giá thế nào. Là phụ nữ, đã làm mẹ, chắc con hiểu tình mẹ thương con. Áo con trai mẹ bị xé rách là lòng mẹ bị xé rách, con hiểu không? Mẹ không la mắng con vì mẹ cũng là phụ nữ, mẹ hiểu không phải vô cớ mà con hành động như vậy. Nhưng nếu người vợ thả trôi sự nóng giận thì mái nhà không còn là mái ấm cho người chồng tìm về, con có hiểu không?

Giọng mẹ nhỏ nhẹ, lời mẹ dịu dàng và bàn tay mẹ nhè nhẹ vuốt mái đầu làm chị nhớ đến mẹ đẻ. Khi xưa, mỗi khi hờn tủi điều gì, đến bên mẹ, mẹ đều vuốt nhẹ trên đầu chị. Bàn tay mẹ như có phép màu xua tan đau buồn. Bây giờ ngồi đây nhận lời khuyên dạy và vuốt ve của bàn tay mẹ chồng, Hai Thu xúc động. Cái lý lẽ đúng và sai để tranh nhau của chị với chồng vừa qua hóa tầm thường, nhỏ nhặt như cọng rơm cái kiến trong ý thức của chị. Nỗi buồn chợt tan như chưa từng có. Chị ngẩng mặt nhìn mẹ chồng, nói:

- Con cảm ơn mẹ. Con sẽ nghe theo mẹ dạy.

Bà Bảy nhìn sâu vào mắt Hai Thu. Bà tin con dâu bà nói thật lòng. Bà gật nhẹ:

- Mẹ tin con. - Bà rút cây kim ra khỏi vải - Bây giờ con hãy thực hiện bổn phận của người vợ trong gia đình. Hãy để cho chồng con khi trở về thấy cảnh ấm cúng của gia đình như chưa từng xảy ra xung đột để nó biết mắc cỡ với lỗi lầm mà sửa chữa. Con nhớ, lý lẽ và cương cường sẽ không chế ngự được người đàn ông, con ạ. Chỉ có sự dịu dàng trong tình yêu thương mới khuất phục được họ. Còn cái áo rách này, mẹ sẽ tiếp tục vá cho nguyên lại, vì con biết không, mẹ không còn sống được bao ngày để vá vết rách của hai con.

- M... ẹ...!

Hai Thu không dằn được xúc động khi nghe lời nói sau cùng của mẹ. Chị gục đầu lên đầu gối mẹ. Những giọt nước mắt trào ra nóng hổi. Bà Bảy để yên cho con dâu khóc. Lòng bà cũng đang dào dạt...

Hai Thu đi nấu cơm. Có tiếng xe Hai Tân về ngoài ngõ. Bà Bảy ngẫm nghĩ lời sẽ nói với con trai. Và có thể cho nó biết sự thật về cha nó nếu xét cần phải nói. Bàn tay bà vẫn chậm rãi khâu từng mũi kim qua hai mép vải.

Văng vẳng đâu xa đưa lại lời hát ru: "Mẹ ngồi xỏ chỉ luồn kim. Bàn tay mẹ vá cho nên sự đời"./.

Phụng Tú

Chia sẻ bài viết