Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định, việc đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng là vấn đề mang tính cấp bách. Nghị quyết cũng vạch rõ một “lỗ hổng” trong xây dựng Đảng là: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ,...
Chính vì thế, Đảng có chủ trương chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Một trong những yêu cầu đặt ra là báo chí phải làm tốt hơn việc nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt-việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực, nhân rộng những tấm gương tốt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”,...
Những cá nhân điển hình trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Bằng
Có thể khẳng định, tuyên truyền gương người tốt-việc tốt nhằm nhân rộng, cổ vũ, làm cho nó có sức lan tỏa trong xã hội, tạo thành phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương, phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Điển hình tiên tiến, người tốt-việc tốt không chỉ là cá nhân, tập thể có đóng góp cho sự nghiệp chung, đạo đức trong sáng, có tâm, có tầm mà còn hiểu biết khoa học-kỹ thuật, biết làm giàu cho bản thân, cộng đồng với tình cảm “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Đó là những nông dân có thể trình độ học vấn chưa cao, nhưng bằng trí sáng tạo đã thiết kế các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, trở thành “kỹ sư nông dân”, được xã hội tôn vinh,... Khai thác, tuyên truyền gương người tốt-việc tốt, điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực đối với báo chí để tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, góp phần phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh-quốc phòng của đất nước.
Trước đây, điển hình tiên tiến, gương người tốt-việc tốt nổi lên khá rõ, khá thuyết phục với đầy đủ những tiêu chí, phẩm chất được kiểm nghiệm trong thực tế chiến đấu, lao động. Ngày nay, những điển hình hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường nhiều tích cực nhưng cũng không ít phức tạp. Điều này cho thấy, việc sàng lọc, phân tích, so sánh, đánh giá để tìm ra chất điển hình thật sự được xã hội công nhận nhằm duy trì, phát huy hiệu quả lâu dài không phải đơn giản. Nhiều khi, giữa cái tốt và cái xấu chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Ở đây, rất cần cái nhìn sắc sảo và tinh tường, nhạy bén của nhà báo cũng như tinh thần trách nhiệm của cơ quan báo chí.
Để phân biệt thật - giả, đúng - sai, đòi hỏi nhà báo phải đi sâu, đi sát, tìm hiểu và nắm bắt thực tiễn sinh động từ nhiều nguồn, nhiều góc độ và nhất thiết phải có cái tâm trong sáng. Không có tâm trong sáng thì sự thật sẽ bị bẻ cong, động cơ xấu sẽ lấn lướt, sẽ được che đậy bằng thành tích ảo,... chỉ để phục vụ vài cá nhân. Người viết luôn phải có “độ” tỉnh táo, không bị chi phối bởi những “yếu tố tế nhị” mới có thể tìm ra sự thật.
Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cho thấy, lượng bài viết về các điển hình, gương người tốt-việc tốt còn những hạn chế, thể hiện ở khía cạnh chưa có những bài viết sâu, phân tích, lý giải đầy đủ những tính chất điển hình trong hoạt động văn hóa, xã hội hay trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế thị trường, có nhiều vấn đề đang đặt ra cả trong hoạch định và thực thi chính sách nhưng chưa được báo chí chú ý tiếp cận, khai thác.
Báo chí luôn chủ động phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đấu tranh với những sai trái, tiêu cực
Tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, đặc biệt là nêu gương cán bộ, đảng viên tốt có vai trò vô cùng quan trọng. Song đáng tiếc, lâu nay, việc này chưa được quan tâm đúng mức. Nhân dân ít được thông tin về cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có những việc làm ích nước, lợi dân, trong khi không ít đài, báo thông tin quá nhiều sự việc cán bộ có những hành vi tiêu cực. Đây là điều hết sức nguy hại, làm nhân dân phai nhạt niềm tin vào đội ngũ cán bộ của Đảng. Hình thức thể hiện các bài viết điển hình tiên tiến chưa phong phú, sinh động, lôi cuốn người đọc, do vậy, sức lan tỏa chưa lớn, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Vì vậy, một trong những sứ mệnh của báo chí là nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng, mang đến cho công chúng thông điệp tốt đẹp từ chính những tấm gương cá nhân, tập thể nỗ lực học tập, công tác tốt, tự nguyện cống hiến, hy sinh vì mục tiêu cao cả của cộng đồng, xã hội và đất nước.Trên thực tế, tự thân những tấm gương người tốt-việc tốt, điển hình tiên tiến đã có giá trị. Nhưng giá trị ấy sẽ có cơ hội phát huy, tỏa sáng khi được cấp trên và các cơ quan báo chí, nhà báo động viên, khích lệ kịp thời, đúng lúc. Qua đó, còn tạo sức lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng.
Để khẳng định vai trò, thế mạnh của việc tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt-việc tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thì Đảng, Nhà nước, mà trước hết là các cơ quan chủ quản báo chí cần chỉ đạo các báo, đài tăng cường phản ánh những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt-việc tốt, nhất là gương cán bộ tốt, trách nhiệm, tận tụy với công việc, biết đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; duy trì đều đặn chuyên mục “Người tốt-việc tốt” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần có nhiều hình thức khuyến khích hoạt động sáng tạo trong giới báo chí để có nhiều tác phẩm hay, phản ánh chân thực, sinh động, giàu sức thuyết phục về những gương tốt của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên các lĩnh vực.
Khắc phục khuynh hướng viết bài khen một chiều, thổi phồng thành tích hoặc ngược lại, chỉ thấy cái tiêu cực mà không chú ý những mặt tích cực trong xã hội. Do vậy, việc báo chí thường xuyên quan tâm, coi trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt-việc tốt, điển hình tiên tiến không những góp phần làm cho "cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân” như Bác Hồ hằng mong ước mà còn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội mỗi ngày thêm lành mạnh, văn minh./.
Huỳnh Thị Thu Năm