Tiếng Việt | English

02/02/2019 - 07:06

Bước đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh Long An

Năm 2018, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ nhân dân, công tác CCHC được tỉnh hết sức coi trọng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích tốt trong thực hiện cải cách hành chính năm 2017

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích tốt trong thực hiện cải cách hành chính năm 2017. Ảnh: Phong Nhã

Theo đó, Long An đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg, ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Qua thời gian thực hiện, công tác CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển KT-XH của đất nước, trong đó chuyển biến quan trọng nhất là việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy. Tỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đối với 18 cơ quan chuyên môn và tương đương của tỉnh; hoàn thành theo nội dung và lộ trình thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy; hoàn thành việc sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND của 15 UBND cấp huyện. Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, toàn tỉnh giảm được đầu mối 95 đơn vị trực thuộc (cấp tỉnh: 80, cấp huyện: 15), giảm 49 cấp trưởng (cấp tỉnh: 34, cấp huyện: 15), giảm 35 cấp phó (cấp tỉnh: 18, cấp huyện: 17), giảm 40 biên chế so với năm 2017. 

Đồng thời, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành tỉnh cơ bản hoàn thành theo đúng lộ trình; sáp nhập được 53 trường, vượt 5 trường so với chỉ tiêu của Đề án số 02-ĐA/TU; giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên của 14 huyện, thị xã, thành phố (huyện Mộc Hóa không có); hợp nhất Đài Truyền thanh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Nhà thiếu nhi cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh; hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện… Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm 192 đầu mối, trong đó cấp tỉnh giảm 114 đơn vị (giảm 19 đơn vị sự nghiệp khác thuộc sở, ngành tỉnh, 34 đơn vị sự nghiệp y tế, 61 đơn vị thuộc ngành nông nghiệp); cấp huyện giảm 78 đơn vị (trong đó đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo giảm 49, đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp giảm 14, đơn vị sự nghiệp văn hóa, thông tin giảm 15), giảm 128 cấp trưởng (cấp tỉnh: 52, cấp huyện: 76), giảm 47 cấp phó (cấp tỉnh: 26, cấp huyện: 21); giảm 592 biên chế so với năm 2017. 

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Ảnh: Phong Nhã

Việc bố trí kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách cấp xã, trung bình chung của tỉnh giảm 42,77% (tương ứng giảm 1.661 người). Đối với ấp, khu phố, bố trí chức danh ở ấp, khu phố giảm 30,89% (tương ứng giảm 1.701 người). 

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư trang bị hiện đại, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 15/15 Trung tâm hành chính công cấp huyện, 192/192 Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã vào hoạt động, thực hiện việc tiếp nhận đầu mối hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo sự thuận tiện, giảm chi phí, thời gian đi lại, phát huy hiệu quả rõ nét, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử... từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần nâng cao xếp hạng trên cả nước năm 2017 về các chỉ số: CCHC (12/63), chỉ số PCI (04/63) và chỉ số PAPI (11/63). 

Bên cạnh sự nỗ lực và những kết quả tích cực đạt được, công tác CCHC thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như công tác chỉ đạo, điều hành CCHC một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của một số cơ quan trong thực hiện CCHC chưa cao, chưa quyết liệt trong triển khai CCHC; việc triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC hàng năm chưa hiệu quả cao; việc chấp hành và thực thi các nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng quá hạn, xin kéo dài thời gian hoàn thành; công tác cải cách thủ tục hành chính còn những hạn chế, bất cập, công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa kịp thời; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính còn trễ hẹn; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ,…

Năm 2019, để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC của cơ quan, đơn vị mình, thể hiện thông qua kết quả điểm đạt được của từng tiêu chí, lĩnh vực cải cách. Từ đó, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC để đề ra những biện pháp cụ thể khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ CCHC được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản. Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Ba là, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ; quán triệt thực hiện đầy đủ tinh thần, nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP, ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC với nội dung trọng tâm là: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Đồng thời, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ, công chức là công bộc của dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tạo sự thuận tiện cho  người dân đến làm hồ sơ, thủ tục hành chính

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tạo sự thuận tiện cho người dân đến làm hồ sơ, thủ tục hành chính. Ảnh: Phong Nhã

Năm là, đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng chữ ký số, văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá CCHC, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai CCHC tại các cơ quan trong hệ thống nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội công bằng cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi tiếp cận cơ quan hành chính nhà nước./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần

Chia sẻ bài viết