Từ nhiều năm nay, việc treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ, tết, sự kiện chính trị quan trọng đã được nhân dân trong cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng thực hiện khá tốt, trở thành một nét đẹp văn hóa rất đáng được trân trọng. Trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 01/5 vừa qua, khắp các ngả đường, ngõ phố, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị, người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành treo cờ Tổ quốc, góp phần làm tăng thêm ý nghĩa của các sự kiện trên.
Tuy nhiên, tại một số nơi, việc treo cờ Tổ quốc vẫn chưa đúng quy định, chưa bảo đảm sự trang nghiêm cũng như vẻ mỹ quan; một số ít hộ dân, nhất là những nhà ở trong hẻm, những vùng sâu, khu vực nông thôn chưa thực hiện nghiêm quy định treo cờ Tổ quốc; một số nơi còn treo những lá cờ bạc màu, thậm chí bị rách hoặc may không đúng kích thước, quy cách;... Những điều này phần nào đã làm mất đi sự thiêng liêng của nghi thức treo cờ Tổ quốc.
Quốc kỳ Việt Nam với nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội chính thức công nhận trong bản Hiến pháp thông qua ngày 09/11/1946: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”. Quốc kỳ là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, “tinh thần hy sinh chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam”; ngôi sao màu vàng tượng trưng “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng”, nó còn là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Việc Chính phủ ban hành Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ và được Quốc hội thông qua thể hiện tính thống nhất về mặt pháp lý đối với việc sử dụng Quốc kỳ, quy định cũng như xác nhận đối với nhân dân và quốc tế về biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Quốc kỳ được sử dụng trang trọng trong tất cả các nghi lễ, các sự kiện quan trọng của Nhà nước, trở thành biểu tượng thiêng liêng, đại diện cho sức mạnh tinh thần của dân tộc, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, của đất nước, mỗi giai đoạn, lá cờ được chỉnh sửa về hình thức để đẹp hơn và những quy định về sử dụng cũng có những điều chỉnh. Ngày 02/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao. Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao.
Hướng dẫn số 3420 cũng nêu rõ: “... Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng. Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc, theo thông báo của Trung ương và chính quyền địa phương. Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức míttinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng...”.
Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ, tết, sự kiện chính trị quan trọng chính là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; thể hiện tinh thần quyết thắng, đoàn kết, chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Việc treo cờ Tổ quốc cho đúng cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của người dân với đất nước, với biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Nhận thức và hành động đúng về việc treo cờ Tổ quốc cũng là trách nhiệm của mỗi người dân. Bên cạnh đó, để bảo đảm vẻ mỹ quan, ý nghĩa cùng sự trang nghiêm, thiết nghĩ cần có quy định mang tính thống nhất, đồng bộ về việc treo cờ Tổ quốc cho tất cả các địa phương./.
Hoàng Trà