Tiếng Việt | English

17/07/2020 - 10:18

Câu hỏi của dòng sông


Chiếc xuồng cui sau một năm ngủ im lìm dưới sàn nhà, được đem ra khi tờ lịch vừa sang tháng bảy. Ông bà xưa tích góp kinh nghiệm rất hay, một câu nói thôi mà truyền dạy con cháu hàng trăm đời vẫn thuộc làu làu: “Tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Ông già vừa quét bụi trên bụng chiếc xuồng, vừa hào hứng như đang mong chờ, đón người bạn thân đang trên xe về gần đến cửa nhà “chờ con nước về, là tôi lại được trở về những ngày ấu thơ tươi đẹp”.

Ông đem chiếc xuồng ra sân, cứ hư chỗ nào, ông lại vá chỗ nấy nên đã nhiều năm tuổi, xuồng cũng hơn chục chỗ vá nhưng vẫn còn đi lại tốt. Ông pha dầu chay, trét lại từng đường viền cũ, đục khoét mấy chỗ mục, rồi đắp ván sao vào. Kỹ thuật chắp vá không thua gì vá ruột xe hơi.

Bởi, chỉ cần nước có chỗ rò vào thì ắt xuồng sẽ không đi xa được. Mà nghề hạ bạc của ông là phải đi xa, có khi hơn chục cây số mới quay về, với một xuồng đầy cá linh, cá chốt; có những con còn nhảy xoi xói. Một vài con may mắn nhảy một cú chính xác ngoạn mục ra khỏi chiếc xuồng, rơi tõm về sông. Ông nói, tụi nó mạng còn lớn, kể như số trời đã định nó chưa chết thì mình cũng không chống lại ý trời làm gì.

Vậy là ông không đóng nắp đậy lườn xuồng làm gì, cứ để trống vậy. Kéo mẻ lưới cá lên, ông cho vào bụng xuồng, con nào nhảy mạnh, may mắn thoát ra được thì coi như sống. Còn lại thì ông sẽ đem về, con nào còn sống thì thả vào cái ao bên nhà, con nào chết rồi thì thôi, đem kho một ơ cá hủn hỉn để ăn với cháo trắng.

Đó là hồi mấy mươi năm trước, cá, tôm còn nhiều. Ông nhớ lại, chỉ cần quăng một chài ngay con nước chảy là có thể ngồi gỡ cá cả tiếng đồng hồ. Ông kể rằng: “Nếu quăng chài ngay dòng cá chốt có gai, thì cầu là đi về luôn, chứ ngồi đó mà gỡ lưới chắc tới tối”. Ông nhớ cái hồi ấy, mẹ sông còn bao dung, đất đai còn hiền hòa ban cho con người nhiều, rất nhiều tôm cá. Và con người cũng rất đỗi bao dung, cá nhỏ thì thả lại sông, bắt vừa đủ một buổi “kiếm cơm” là trở về. Người xưa hiền hòa hay người xưa chưa biết đến việc giăng điện vào lưới, bẫy thuốc nổ trên sông… Họ còn kiêng nể nhiều bậc thánh thần như Hà Bá, Thủy Thần hay Bà Cậu… nên mỗi khi làm việc sái quấy với thiên nhiên, đêm nằm mơ thấy các vị thánh thần về quở phạt, có người mua cả ghe cá sống để thả, có người cạo đầu, có người bỏ nghề hạ bạc… Vậy nên, Ông Nược (cá heo nước ngọt) còn bầy đàn múa hát trên sông, ung dung đùa giỡn với trẻ con; cá con, cá nhỏ, cá quá to, cá lạ đều được thả về sông. Nếu cá chết ngạt thì đem chôn tử tế chứ không ăn. Người miền Tây thuở sông mẹ hiền hòa, họ cũng hiền hòa theo; thuở thiên nhiên bao dung, họ cũng rất đỗi hào sảng…

Nhưng vì lẽ do sông hay do người mà thiên nhiên ngày một khan hiếm sự bao dung tôm, cá. Ông Nược chỉ còn bơi loanh quanh ký ức của những người lớn tuổi; cá linh, cá chốt,… và những loại cá tự nhiên không nuôi được trong môi trường nhân tạo đột ngột trở nên sốt giá. Và người ta ồ ạt đón chờ, ồ ạt chuẩn bị sẵn mọi phương thức để có thể đánh bắt được nhiều nhất, bất kể nhỏ, to, lớn, bé, bất kể cá ông, cá cha, cá mẹ hay cá thiếu niên, cá sơ sinh…

Ông già giăng câu kể rằng, hồi nhỏ mỗi lần nấu ăn, má ông lựa cá lớn để nấu, bà giải thích, ăn ít sinh mạng, để ít mang tội với đất trời. Bữa cơm nào cũng vậy, hễ ăn xong, má ông lại chắp tay xá ba xá, như cảm ơn thiên thiên, vái lạy sinh mạng cá, tôm đã cho bà bữa cơm này. Bởi vậy mà lòng người xưa có nhiều ràng buộc, họ không nỡ (dám) giết nhiều sinh mạng, kể cả con cá, con tôm.

Bây giờ, mỗi lần nhìn cháu con xòe tiền ra mua bầy ròng ròng đỏ hỏn về kho tiêu đãi bạn, gọi là đặc sản miền Tây, món ăn hoài niệm của người xưa, lòng ông già lại thấy buồn buồn. Lôi chiếc xuồng cui ra giặm vá lại mấy chỗ, phơi tấm lưới trước sân, biết là nhớ nghề nhưng con cá, con tôm có còn về kịp đến đoạn sông này, để cho ông giăng một hai mẻ lưới thôi mà nhớ về ngày xưa cũ. Rồi trên đường về, ông lại thả những con cá về sông, nuôi hy vọng rằng, tụi nó có thể vào đồng sinh sôi rồi kéo nhau về Biển Hồ, hẹn với miền Tây rằng, năm sau chúng sẽ kéo bầy đàn cháu con xuống thăm lại cố hương, và lại sinh sôi…

Ông không chắc được, chiếc xuồng cui đã vá xong hơn tháng nay rồi, vẫn nằm lim dim dưới con sông nước ròng tới chân chiếc cầu ván nhỏ trước nhà. Lục bình trôi lờ đờ như mặc kệ con nước có về hay không. Những khe đất hở như vết dao, mòn mỏi chờ phù sa về may vá, ủi an không kịp nên buông tay thả trôi vào dòng nước. Ông già hỏi chúng tôi: “Lũ không về, sông không xoáy cuộn mà sao đất lở dữ vậy bây?”, nghe xốn xang như có hạt cát từ phía sông bay vào khóe mắt.

Những đập nước dằn lên từng khúc bụng mẹ sông, những cái vòi thủy quái vơ vét cát giữa dòng, những chiếc ghe mang đôi mắt lườm lườm chở đầy lưới điện, những loài cá, tôm từ lâu mất tích ngay trên con sông quê bao đời hiền hòa… Lòng người hay lòng sông? Ai trở mặt với ai mà mùa nước về ngày một lạnh lùng, kiệt quệ?./.

Lê Quang Trạng

 

Chia sẻ bài viết