Tiếng Việt | English

11/02/2017 - 18:46

Chớ xem thường đau mỏi vai gáy

Ngày nay, đau mỏi vai gáy là bệnh rất thường gặp nhất là đối với dân văn phòng. Đây là bệnh về cơ xương khớp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, đặc biệt là với những người thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động.

Bệnh gây ra những cơn đau nhức ở vùng vai, gáy, lan dần xuống bả vai, tê mỏi cánh tay… làm cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, đau vai gáy còn tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm khác về xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, dính khớp, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm. Đó là sự rối loạn các thành phần của đường cảm giác ở tủy sống cổ, do quá trình bị thương tổn, bị kích thích, đồng thời có ảnh hưởng tới tâm lý…

Tùy theo mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên, với mức độ đau từ ít đến nhiều và có ảnh hưởng tới tư thế đầu-cổ, cơn đau cũng có thể từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên, có trường hợp cơn đau ở bả vai, cánh tay của một bên, sau một thời gian người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau, đây là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Có những trường hợp đau lan sang hai bên.

Điều trị khỏi đau mỏi vai gáy là mong muốn của người bệnh, nhưng do chưa có phương pháp điều trị đúng đắn, kịp thời nên bệnh ngày càng nặng hơn.

Bệnh đau mỏi vai gáy biểu biện rõ nhất là vùng vai gáy bị nhức mỏi, đau và cơn đau mỏi thường có những đặc điểm sau:

Những cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm lúc ngủ dậy hoặc sau khi lao động nặng nhọc hoặc bị nhiễm lạnh.

Đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ, khi thời tiết thay đổi và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau có thể nhanh chóng chấm dứt và không tái lại nhưng nó cũng có thể kéo dài vài ngày, vài tháng.

Cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên khiến nó bị tê mỏi, cảm giác nặng nề và khó khăn trong vận động. Cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt, uống nước sặc, nghẹn, đồng thời có thể xảy ra rối loạn chức năng. Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém, khó ngủ, dễ xúc động…

Đau mỏi vai gáy thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Do cơ học: Tư thế ngồi, nằm, thói quen gối đầu cao khi ngủ, nằm ngủ tựa đầu lên ghế, nằm nghiêng, ngồi trước quạt, dầm mưa lâu, tắm gội buổi tối sẽ làm giảm cung cấp ô-xy, giảm tưới máu dẫn đến đau nhức, cứng cổ, vai, gáy, người mệt mỏi, không thực hiện được các động tác như vận động xoay cổ, vặn tay, lưng…

- Do tuổi tác: Từ tuổi trung niên bắt đầu quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, hệ mạch máu giảm tính dẻo dai, đàn hồi, nên việc lưu thông máu và trao đổi ô-xy trong cơ thể suy giảm, từ đó gây ra những biểu hiện như hoa mắt, nhức đầu, mỏi cổ, quay cổ nghe lắc rắc… Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ người đau mỏi vai gáy đang có xu hướng trẻ hóa. Nhân viên văn phòng ngồi làm việc nhiều trước máy vi tính, lái xe đường dài… là những đối tượng dễ mắc phải căn bệnh xương khớp này.

- Do bệnh lý khác: Đau mỏi vai gáy không đơn thuần là một bệnh, nó còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý về xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, dính khớp bả vai, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, loãng xương…

Ngoài ra, thời tiết cũng là một trong những yếu tố khiến bệnh đau mỏi vai gáy trầm trọng hơn. Khi thời tiết trở lạnh, cơ thể yếu có thể bị nhiễm lạnh đột ngột, khí huyết ứ trệ, lượng ô-xy cung cấp cho máu bị giảm sút gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến đau nhức.

Tuỳ theo từng nguyên nhân gây bệnh sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau, nếu không do chèn ép, tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường và kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay.

Với những người có hoạt động cúi nhiều, ảnh hưởng đến cổ vai gáy như diễn viên xiếc, nông dân, công nhân thì nên có những bài tập thể dục dành riêng cho các bộ phận này vào buổi sáng và tối để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh sau một ngày làm việc, còn với những người sử dụng máy tính, làm việc văn phòng, ngồi một chỗ ít vận động, nếu phát hiện có dấu hiệu đau thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám, xác định bệnh và có chỉ định điều trị phù hợp, tránh vặn kéo mạnh có thể gây tổn thương nặng thêm các dây thần kinh./.

Bs Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích