Người chăn nuôi cần chú ý phòng bệnh trên đàn heo trong giai đoạn chuyển mùa
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 109.000 con heo (tăng 11,6% so cùng kỳ); đàn GC có trên 8,3 triệu con (giảm 14,2% so cùng kỳ). Giá một số sản phẩm chăn nuôi đang trên đà phục hồi. Cụ thể, giá heo hơi trong tháng 9/2022 dao động từ 56.000-62.000 đồng/kg, giá trứng GC ở mức từ 2.150-2.850 đồng/trứng.
Ông Nguyễn Văn Lai (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “May mắn là từ đầu năm nay, khi chuyển đổi từ nuôi heo sang nuôi GC, sản phẩm bán ra được giá khá cao nên tôi cũng có thêm động lực để phát triển đàn vật nuôi, cải thiện kinh tế gia đình”.
Dù vậy, giá thức ăn chăn nuôi hiện nay vẫn ở mức khá cao. Qua rà soát của đơn vị chuyên môn, nếu tính từ cuối năm 2021 đến nay, các công ty đã 4-5 lần điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi, mỗi lần điều chỉnh tăng trung bình từ 10.000-12.000 đồng/bao. Đây là áp lực lớn cho người chăn nuôi trong thời gian dài.
Chị Nguyễn Thị Ngàn (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Sau những lần thức ăn chăn nuôi tăng giá, tôi vẫn duy trì nuôi heo nhưng giảm số lượng khoảng 50%. Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi trong thời gian này, thay vì cho heo ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, tôi nấu tấm, cám cho ăn độn thêm. Mặt khác, tôi cũng nuôi thêm 4 con heo nái để vừa bán con giống, vừa có nguồn giống để tái đàn cho đợt Tết Nguyên đán sắp tới. Dù giá heo hơi hiện nay có tăng nhưng vẫn chưa có lời do chi phí thức ăn vẫn ở mức cao”.
Mặt khác, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, bởi trên địa bàn tỉnh, đa số người dân vẫn chăn nuôi theo kiểu nông hộ, chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học một cách triệt để. Vào cao điểm mùa mưa, nhiệt độ thay đổi thường xuyên nên sức đề kháng của vật nuôi phần nào bị ảnh hưởng. Do vậy, đòi hỏi người chăn nuôi phải áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ đàn GS, GC. Khâu tiêm vắc-xin phòng bệnh và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại được khuyến cáo thực hiện thường xuyên giúp phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tới (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Tôi nuôi gần 500 con gà, số lượng khá nhiều nên làm chuồng nuôi nhốt và tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Vào mùa này, nắng, mưa đan xen, tôi thường xuyên sát trùng, khử khuẩn, rải vôi bột quanh khu vực nuôi nhốt. Nhờ chăm sóc kỹ, cộng với tiêm phòng vắc-xin đủ liều, đúng bệnh nên hạn chế được dịch bệnh”.
Người chăn nuôi cần chủ động
Phòng, chống dịch bệnh cho GS, GC, nhất là trong mùa mưa cần thực hiện đồng bộ từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến công tác thú y để bảo đảm an toàn cho vật nuôi. Do đó, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn GS, GC theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi; vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ mỗi ngày; kiểm tra đàn GS, GC thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi; cách ly kịp thời và liên hệ với thú y địa phương để được hướng dẫn khi vật nuôi có những biểu hiện khác thường, nghi mắc bệnh truyền nhiễm.
Tiêm vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho đàn vật nuôi
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, trong chăn nuôi, khâu phòng, chống dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu. Ngoài yếu tố về con giống, thức ăn, cần phải tiêm đầy đủ, đúng liều vắc-xin phòng bệnh trên các đối tượng vật nuôi. Sau mỗi đợt nuôi, người chăn nuôi cần tiến hành vệ sinh, tiêu độc, bỏ trống chuồng nuôi từ 10-15 ngày để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mầm bệnh tại khu vực chuồng trại. Hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ và những trại nuôi lớn phải chấp hành nghiêm các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn cần khai báo với thú y cơ sở để được hướng dẫn cụ thể, giúp bảo đảm quá trình chăn nuôi được an toàn, hiệu quả.
“Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, tuy nhiên tín hiệu đáng mừng là từ tháng 6-2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã ngừng tăng. Thời gian tới, khi bước vào đợt chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm, người dân cần cân nhắc kỹ về yếu tố kinh tế trước khi quyết định tái đàn, tăng đàn. Song song đó, cần tăng cường sử dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn cho vật nuôi, kéo giảm chi phí chăn nuôi. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo Quyết định 29/QĐ-UBND, ngày 07-6-2022 của UBND tỉnh” - bà Phượng cho biết./.
Minh Tuệ