Tiếng Việt | English

29/11/2021 - 19:50

Chủ tịch nước làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc WIPO đề xuất khả năng hợp tác cùng Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo sở hữu trí tuệ cho thanh niên, doanh nhân khởi nghiệp; thiết lập mạng lưới doanh nhân khởi nghiệp toàn cầu...

Sáng 29/11, theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm trụ sở Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và làm việc với Tổng giám đốc WIPO.


Chủ tịch nước thăm trụ sở Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và làm việc với Tổng giám đốc WIPO

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước hoan nghênh nỗ lực của WIPO và cá nhân Tổng Giám đốc trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia đổi mới, nâng cao năng suất lao động; cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của WIPO trong nhiều thập kỷ qua giúp Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoàn thiện thể chế pháp lý, xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ và cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Chủ tịch nước đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch hành động trung hạn 2022 – 2026 của WIPO về thúc đẩy sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo vì tiến bộ của nhân loại, phát huy thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chủ tịch đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và Luật Sở hữu trí tuệ, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ năng lực khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế, đóng góp vào sự phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để các cán bộ Việt Nam được tham gia các khóa đào tạo, thực tập và cơ hội làm việc tại WIPO.

Chủ tịch nước nhất trí với các đề xuất hợp tác của WIPO và cũng đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy, nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khẳng định Việt Nam sẵn sàng là đầu mối hợp tác của WIPO trong khu vực; quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng được bộ chỉ số đo lường hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong thời gian tới. 

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang bày tỏ vui mừng và vinh dự được tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đánh giá cao các nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia những năm gần đây, đưa đến những kết quả vượt bậc trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng đầu trong nhóm 34 nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

WIPO đặc biệt đánh giá cao vai trò thành viên và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia các hoạt động của WIPO, đồng thời cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực và kỹ thuật, giúp nâng cấp hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nền công nghiệp văn hóa, các chỉ dẫn địa lý quốc tế và quốc gia.

Tổng giám đốc WIPO đề xuất khả năng hợp tác cùng Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo sở hữu trí tuệ cho thanh niên, doanh nhân khởi nghiệp; thiết lập mạng lưới doanh nhân khởi nghiệp toàn cầu; tăng cường đào tạo năng lực về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ ngoại giao, chuyên gia đàm phán.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Daren Tang và nhóm các nhà sáng chế trẻ mũ Vihelm (mũ chống COVID-19). 

Nhân dịp thăm và làm việc tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ công bố trao danh hiệu “Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ” của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cho nhóm các nhà sáng chế trẻ của Việt Nam vì đã sáng chế và phát triển thành công sản phẩm mũ Vihelm. Nhóm học sinh gồm: Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, hiện đang học tại Montverde Academy, Florida, Hoa Kỳ); Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh lớp 10 trường Dewey Schools, Hà Nội); Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh lớp 9 Trường quốc tế Pháp Lfay, Hà Nội).

Sản phẩm độc đáo của ba học sinh này là sáng chế ra chiếc mũ bảo hộ chống dịch Covid-19 mang tên Vihelm, có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lên tới 99,9%, trong đó "Vi" là Việt Nam còn "Helm" là mũ, tức "mũ chống dịch của Việt Nam". Hiện nay, Vihelm đã được giới thiệu tại nhiều nơi như: Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, Bệnh viện Vinmec... Mũ cũng đang được nhóm sáng chế tiếp tục bổ sung những công nghệ mới tích hợp các chức năng thông minh để có thể trở thành một sản phẩm hoàn hảo nhất cho người sử dụng./.

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết