Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 11:00

Cỗ máy giết người SEAL Team 6

Đội đặc nhiệm SEAL Team 6 của hải quân Mỹ - nổi tiếng với chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden - bị tố cáo là một cỗ máy do thám toàn cầu và giết chóc.


Đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ ở Afghanistan - Ảnh: US Navy

Đội đặc nhiệm SEAL Team 6 của hải quân Mỹ là một trong những tổ chức quân sự bí mật nhất, bị đồn thổi nhiều nhất tại nước Mỹ. Ngay cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không chính thức công nhận cái tên này.

Hồi năm 2011, cái tên đặc nhiệm SEAL Team 6 nổi như cồn sau khi tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden trong chiến dịch tại Pakistan. Cuối tuần qua, báo New York Times đăng bài phóng sự điều tra công phu vén màn bí mật của nhóm đặc nhiệm này.

New York Times đã nghiên cứu các tài liệu chính phủ, phỏng vấn hàng chục thành viên đã và đang phục vụ đặc nhiệm SEAL Team 6 và các quan chức quân đội Mỹ để thực hiện phóng sự này. Và những gì phóng sự mô tả là một bức tranh đầy u ám.

Trong một thập kỷ, đặc nhiệm SEAL Team 6 từ một nhóm binh sĩ nhỏ đã phình ra thành lực lượng săn lùng, tiêu diệt hàng loạt nghi can khủng bố và phiến quân Hồi giáo, dẫn đến những cuộc tắm máu.

Chiến tranh không phải là thứ gì đẹp đẽ như người Mỹ tưởng tượng. Việc giết chóc người khác trong một thời gian dài là điều gây chấn động mạnh. Nó lột trần những gì xấu xa nhất trong con người bạn
Cựu thành viên SEAL Team 6 Britt Slabinski

Thiếu sự giám sát

SEAL Team 6 có tên chính thức là Nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt hải quân Mỹ (DEVGRU), trực thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt chung (JSOC), được thành lập từ tháng 11-1980 sau cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979.

Kể từ vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, Chính phủ Mỹ đầu tư mạnh vào SEAL Team 6. Một cựu quan chức quân đội Mỹ tiết lộ SEAL Team 6 hoạt động rất tự do và hầu như không bị giám sát.

JSOC chịu trách nhiệm quản lý SEAL Team 6 và từng thực hiện nhiều cuộc điều tra nhóm đặc nhiệm này nhưng không bao giờ trình báo kết quả điều tra lên hải quân Mỹ. Thậm chí Quốc hội Mỹ cũng phớt lờ để SEAL Team 6 muốn làm gì thì làm.

“Đó là lĩnh vực mà Quốc hội hoàn toàn không muốn biết quá nhiều” - ông Harold Koh, cựu cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, kể. Ông là người tư vấn cho chính quyền Tổng thống Barack Obama về chiến tranh bí mật.

Sau vụ 11-9, đặc nhiệm SEAL Team 6 được đưa đến Afghanistan để tiêu diệt các thủ lĩnh Al-Qaeda và Taliban. Nhưng sau một chiến dịch chống khủng bố hồi tháng 3-2002 ở Afghanistan, SEAL Team 6 bị cấm xâm nhập nước này nhằm săn lùng các tay súng Taliban và cũng không được truy đuổi khủng bố Al-Qaeda ở Pakistan.

Phần lớn lực lượng SEAL Team 6 phải đóng ở căn cứ không quân Bagram bên ngoài Kabul. Tuy nhiên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) không phải chịu những hạn chế này.

SEAL Team 6 bắt đầu hợp tác với CIA để mở rộng quyền chiến đấu. Với Chương trình Omega của CIA, đặc nhiệm SEAL Team 6 được quyền tổ chức các chiến dịch mật nhằm tiêu diệt Taliban tại Pakistan.

Chương trình Omega được lập ra theo mô hình của Chiến dịch Phượng Hoàng mà CIA từng thực hiện trong chiến tranh Việt Nam để lùng giết các chiến sĩ cộng sản. Từ năm 2006, JSOC ra lệnh cho SEAL Team 6 tầm diệt Taliban đang trỗi dậy trở lại ở Afghanistan.

Những cuộc tắm máu

Kể từ đó, đêm nào SEAL Team 6 cũng tổ chức các trận càn. Một số thành viên SEAL Team 6 tiết lộ từ năm 2006 - 2008 có những đêm đội đặc nhiệm này giết hàng chục người.

“Tốc độ giết chóc khiến mọi người trở nên sắt đá. Những cuộc tàn sát trở thành chuyện thường ngày” - một cựu thành viên SEAL Team 6 thừa nhận. Trong bất kỳ chiến dịch nào, các đặc nhiệm SEAL Team 6 cũng nổ súng với mục tiêu giết người.

Trong cuốn hồi ký No hero (Không phải anh hùng), cựu thành viên SEAL Team 6 Matt Bissonnette viết: “Tôi lẩn vào nhà người ta khi họ ngủ. Nếu họ có súng, tôi lập tức giết họ”.

Một quy định mà các đặc nhiệm SEAL Team 6 luôn thực hiện là bắn những kẻ đã ngã xuống để đảm bảo họ chết hẳn.

Trong một chiến dịch giải cứu con tin ngoài khơi châu Phi năm 2011, một đặc nhiệm SEAL Team 6 đã đâm một tên cướp biển 91 nhát dao. Chỉ huy SEAL Team 6 khẳng định: “Nếu cảm thấy nguy hiểm, các anh hãy cứ nổ súng”.

Đầu năm 2008, một nhóm đặc nhiệm SEAL Team 6 bị cáo buộc tàn sát thường dân một ngôi làng ở tỉnh Helmand tại Afghanistan. Các nhân chứng khẳng định nhóm đặc nhiệm này đã hành quyết các thường dân dù họ không có súng.

Thậm chí một đặc nhiệm trẻ còn mổ thi thể một nạn nhân. Các chỉ huy SEAL Team 6 cũng bày tỏ lo ngại một số thành viên “hành động vượt ngoài tầm kiểm soát”. Dù JSOC mở cuộc điều tra nhưng không ai bị kỷ luật.

Tháng 12-2009, một nhóm đặc nhiệm SEAL Team 6 xâm nhập làng Ghazi ở tỉnh Kunar và khi họ rời đi, 10 dân làng bị giết. Mục tiêu của chiến dịch là truy nã một thủ lĩnh Taliban nhưng hắn không hề có mặt tại đó.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan cáo buộc đặc nhiệm Mỹ đã sát hại tàn nhẫn các học sinh nhỏ tuổi trong làng. Những cáo buộc tương tự đã khiến lực lượng Mỹ tại Afghanistan phải hạn chế các chiến dịch đặc biệt ban đêm.

Lực lượng do thám 
toàn cầu

Không chỉ là một tổ chức quân sự, SEAL Team 6 còn hoạt động như một cơ quan tình báo. Từ các căn cứ ở Afghanistan, SEAL Team 6 thường xuyên cử điệp viên người địa phương tới các khu vực làng bản gần biên giới Pakistan để thu thập thông tin tình báo.

Những chiếc xe tải của SEAL Team 6 trở thành các trạm do thám di động với những thiết bị nghe lén cực kỳ hiện đại. Bên ngoài Afghanistan và Pakistan, các thành viên SEAL Team 6 còn được triển khai thực hiện những chiến dịch tình báo trên phạm vi toàn cầu.

“Đội áo đen” của SEAL Team 6 được giao nhiệm vụ “tổ chức các chiến dịch tiền trạm”, có nghĩa là thu thập thông tin tình báo để chuẩn bị cho các chiến dịch đặc biệt. Tướng Stanley McChrystal, từng giữ chức tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan, ra lệnh cho SEAL Team 6 đảm nhận vai trò do thám toàn cầu.

Các thành viên của “đội áo đen” SEAL Team 6 được triển khai đến đại sứ quán Mỹ ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin nhằm thực hiện nhiệm vụ do thám.

SEAL Team 6 dùng ảnh hưởng của mình để trang bị vũ khí hiện đại cho các đặc nhiệm tình báo “áo đen” hoạt động ở nước ngoài.

Tại Afghanistan, đặc nhiệm “áo đen” mặc trang phục giống người dân địa phương, lẻn vào các bản làng, gắn máy quay và máy ghi âm trong nhà các mục tiêu, nói chuyện để moi thông tin từ người dân địa phương vài ngày hoặc vài tuần trước mỗi chiến dịch càn quét ban đêm. SEAL Team 6 còn lập ra các công ty bình phong để giúp các đặc nhiệm “áo đen” hoạt động dễ dàng tại Trung Đông.

SEAL Team 6 triển khai các trạm do thám nổi đội lốt tàu thương mại bên ngoài bờ biển Somalia và Yemen. Các thành viên “áo đen” của SEAL Team 6 ở Đại sứ quán Mỹ tại Yemen đóng vai trò quan trọng trong cuộc săn lùng Anwar al-Awlaki, một thủ lĩnh Al-Qaeda tại Yemen bị máy bay CIA tiêu diệt hồi năm 2011.

“Đội áo đen” của SEAL Team 6 tuyển mộ nhiều nữ đặc nhiệm, chuyên làm việc ở nước ngoài để thu thập tin tình báo. Thông thường, một cặp đặc nhiệm nam và nữ của SEAL Team 6 đóng giả cặp đôi để hoạt động do thám tại nước ngoài.

Lực lượng hùng hậu

Hiện lực lượng SEAL Team 6 bao gồm 300 lính đặc nhiệm và 1.500 nhân viên hỗ trợ. Kể từ năm 2011, SEAL Team 6 đã tham gia “hàng chục nghìn sứ mệnh và chiến dịch”.

Các thành viên SEAL Team 6 sử dụng súng máy do Đức sản xuất, được trang bị ống giảm thanh và ống ngắm laser, lựu đạn đặc biệt có thể đánh đổ các tòa nhà và loại rìu cực sắc do nhà chế tạo dao nổi tiếng Daniel Winkler sản xuất.

 

Hiếu Trung/ Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết