Tiếng Việt | English

26/09/2015 - 09:38

Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp “bất đồng ngôn ngữ“?

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp như hai chiến tuyến khác nhau, nói hai ngôn ngữ khác nhau.

Đánh giá về 6 tháng triển khai Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, có sự không đều trong thực thi Nghị quyết 19 giữa các bộ ngành, cũng như giữa các địa phương với nhau. Đặc biệt, còn có tình trạng “giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp như hai chiến tuyến khác nhau, nói hai ngôn ngữ khác nhau. Cơ quan nhà nước nói doanh nghiệp không hiểu và ngược lại”- TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Nhiều chỉ tiêu vẫn giẫm chân tại chỗ

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), Nghị quyết 19 ra đời nhằm giảm bớt các rào cản đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương, ở những lĩnh vực mà các doanh nghiệp thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất.


Nhiều chỉ tiêu đặt ra để cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/2015 vẫn chưa đạt (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, đến thời điểm 23/9/2015, nhiều chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trong đó, đối với cải cách hành chính về bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm.

Dù thời gian qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, như: cắt giảm 50 tiêu thức trên các biểu mẫu, tờ khai; bãi bỏ 16 thành phần hồ sơ trong các thủ tục; giảm từ 115 thủ tục xuống còn 43 thủ tục… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thời gian nộp bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu của Nghị quyết.

Cũng tương tự với cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu, mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hải quan, áp dụng hải quan điện tử, song các thủ tục này chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa.

Đối với việc tiếp cận điện năng, mục tiêu của Nghị quyết19 nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng còn 70 ngày, trong đó 36 ngày thuộc trách nhiệm của EVN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Mặc dù EVN đã có nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này, song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, thời gian doanh nghiệp thuê thiết kế và thực hiện công trình ở Việt Nam là 63 ngày.

Liên quan đến việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại xuống còn tối đa 200 ngày, bà Thảo cũng cho biết, tính đến nay chưa có thông tin cụ thể về mức độ cải thiện đối với chỉ số này.

“Song có thể khẳng định, thời gian chưa rút ngắn được như yêu cầu của Nghị quyết”, bà Thảo nói.

Đối với việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, Nghị quyết 19 đạt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 30 tháng (đến hết 2015) và 24 tháng (đến hết 2016).

Bổ sung thêm cho phát biểu của bà Thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, “chúng ta mới chỉ nhấn mạnh đến cải cách hành pháp, mà quên hoặc không để ý rằng, ngành tư pháp cũng có những vấn đề cần phải cải cách”.

Do đó, theo ông Cung, Chính phủ cần có sự phối hợp nhiều hơn với Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện các chỉ số thuộc tư pháp. Nếu không, Nghị quyết 19 sẽ chưa tác động đến được những chỉ số này.

Nhiều bộ chưa hiểu Nghị quyết 19

Theo Nghị quyết 19/2015, định kỳ hằng quý, các bộ, cơ quan, địa phương phải gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Nghị quyết này là trọng tâm trong điều hành của Chính phủ trong năm nay với kỳ vọng sẽ thu hẹp xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sao cho ngang bằng với các quốc gia ASEAN 6, và ASEAN 4. Tuy nhiên, cho đến ngày 23/9/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ nhận được báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của 4 bộ, 3 địa phương.

Bà Thảo cho biết, sau lần hội thảo trước, thấy rằng nhiều bộ, địa phương chưa thực sự biết và hiểu về Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 07 hội thảo tập huấn (phân theo khu vực địa lý) để hỗ trợ cho tất cả các bộ, cơ quan và 63 địa phương hiểu rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra.

Bình luận về việc mới chỉ có 2 bộ nghiêm túc gửi báo cáo, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trung tâm Trọng tài quốc tế cho rằng: “Đây là một bước thụt lùi. Lý do gì một nghị quyết của Chính phủ đề lần đầu tiên đưa Việt Nam tham gia cuộc chơi với thế giới, mà các thành viên Chính phủ lại không làm, không báo cáo? Tôi cho rằng phải lý giải điều này, nếu không thì tình hình (môi trường kinh doanh) có thể sẽ xấu hơn”.

TS. Nguyễn Đình Cung thì cho biết thêm thực trạng không sáng sủa rằng, triển khai Nghị quyết 19 và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị loại bỏ 3.300 điều kiện kinh doanh từ ngày 01/07/2015. Tuy nhiên, hiện nay, các bộ, ngành và địa phương vẫn tiếp tục ban hành nhiều thông tư, văn bản với hàng loạt điều kiện kinh doanh mới.

“Các điều kiện kinh doanh này chủ yếu là ở các thông tư, tức là nằm ở các bộ. Do quy trình làm thông tư không được như luật và nghị định, nên rất khó kiểm soát chất lượng, lợi ích của nó hướng tới”- ông Cung nhấn mạnh. Và, “những mục tiêu liên quan đế một bộ thì triển khai có vẻ thuận lợi, chỉ tiêu liên quan đến nhiều bộ, nhiều cơ quan, theo tôi thấy, giờ vẫn gần như giậm chân tại chỗ”, ông Cung thẳng thắn.

Qua khảo sát thực tế, ông Cung đánh giá: “Giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp như hai chiến tuyến khác nhau, nói hai ngôn ngữ khác nhau. Cơ quan nhà nước nói doanh nghiệp không hiểu và ngược lại. Nếu tình hình này không thay đổi, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khó trở thành đối tác của nhau”./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết