Tiếng Việt | English

31/12/2022 - 19:20

Công bố 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022 

Tổng thư ký Quốc hội vừa công bố 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.

Đây là các sự kiện do Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tổ chức bình chọn.

10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022

Dưới đây là danh sách 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2022:

1. Hoàn thiện khung khổ pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng phát huy dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị, ban hành Nội quy Kỳ họp sửa đổi và Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là hai văn bản quan trọng ban hành trong năm 2022 nhằm tạo khung khổ pháp lý quan trọng để vận hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông suốt, hiệu quả hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 21 và 22 về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, cùng với Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội góp phần củng cố vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

2. Tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng quốc gia.

Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.

Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 đạt trên 8%, thu ngân sách tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động tăng mạnh, một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã phục hồi trở lại như du lịch, lữ hành, dịch vụ…

3. Hoạt động ngoại giao nghị viện sôi nổi, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; lần đầu tiên thiết lập cơ chế hợp tác quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, song hành với quan hệ trên kênh Đảng và Chính phủ.

Năm 2022, sau khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh, ngoại giao nghị viện song phương và đa phương của Quốc hội đã diễn ra trực tiếp, sôi nổi với các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Trọng tâm và nổi bật trong hoạt động đối ngoại song phương là các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức 7 nước, gồm các nước láng giềng, các đối tác quan trọng ở trong khu vực và trên thế giới, tham dự Đại hội đồng AIPA43.

Đáng chú ý, sự kiện ngoại giao nghị viện tiêu biểu năm 2022 là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Lào ký Tuyên bố chung thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) và thông qua Quy trình thủ tục của Hội nghị, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình hợp tác của chính phủ 3 nước.

4. Công tác dân nguyện trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày càng đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, nhân dân

Thay vì báo cáo công tác dân nguyện tại kỳ họp Quốc hội cuối năm như trước đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện tổng hợp, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại các phiên họp hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở báo cáo và thảo luận, xem xét báo cáo công tác dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thường xuyên nắm tình hình, giám sát và chỉ đạo, kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề nóng, có tính thời sự và các vụ việc cụ thể.

Qua đó, nhiều kiến nghị của cử tri và nhân dân, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được các cơ quan giải quyết dứt điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, bước đầu đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

5. Khởi dựng các diễn đàn thường niên về kinh tế - xã hội và văn hóa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng, củng cố cơ sở khoa học để triển khai nhiệm vụ trung tâm về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” và Hội thảo Văn hóa năm 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” đã thu hút sự quan tâm của hệ thống chính trị, giới chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước.

2022 nhìn lại: GDP cao kỷ lục và điểm sáng kinh tế Việt Nam

6. Lần đầu tiên ban hành bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam và bộ nhận diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Việc xây dựng bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự hiện diện của Quốc hội với cử tri và nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị và hợp tác nghị viện các nước trên thế giới.

Bộ nhận diện Quốc hội với hình ảnh chủ đạo là Nhà Quốc hội Việt Nam - công trình trọng điểm quốc gia, có kiến trúc biểu trưng tiêu biểu cho triết lý văn hoá dân gian của Việt Nam về quan niệm âm - dương “trời tròn, đất vuông” (dài 102 m, rộng 102 m, cao 39 m), trở thành công trình “độc nhất vô nhị” của nghị viện các nước trên thế giới.

Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có hình ảnh, biểu trưng chính thức dùng chung cho tất cả các hoạt động, sự kiện liên quan đến Quốc hội.

7. Thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỉ đồng

Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỉ đồng gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án đường cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP.HCM và một số nghị quyết quan trọng khác về cơ chế đặc thù phát triển các địa phương.

8. Dự án luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được xem xét, thảo luận trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về Dự án luật Đất đai (sửa đổi)

Để chuẩn bị, xây dựng dự thảo đầu tiên của dự án luật Đất đai (sửa đổi) - nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Bộ TN-MT đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa trong quán triệt các chủ trương của Đảng về đổi mới chính sách đất đai, kế thừa các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn để tiếp thu, xây dựng dự thảo, trình Quốc hội thảo luận lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), tiến hành từ ngày 3.1.2023 đến hết ngày 15.3.2023.

9. Đổi mới hoạt động giám sát ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, nhân dân

Năm 2022, thể chế giám sát của Quốc hội không ngừng được hoàn thiện, cách thức tổ chức thực hiện ngày càng được cải tiến, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Việc tổ chức giám sát được thực hiện bài bản, có sự đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn.

10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường kết nối, hướng dẫn và giám sát hoạt động HĐND các cấp

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ngoài ra, nhằm tăng cường kết nối giữa Quốc hội với HĐND các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai một số hoạt động như: tổ chức mời lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tham gia dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội hoặc tham dự một số kỳ họp Quốc hội nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động của HĐND; Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực triển khai hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích