Tiếng Việt | English

24/05/2022 - 07:35

Cuộc đời của mẹ - Câu chuyện về người phụ nữ kiên trung

Vở cải lương Cuộc đời của mẹ của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An được công chiếu trực tiếp trở lại đã lấy không ít nước mắt của các khán giả mộ điệu. Vở cải lương được đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, NSƯT Hồ Ngọc Trinh và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dàn dựng, tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018, đoạt Huy chương Vàng.

Đây là tác phẩm dựa trên cuộc đời có thật của người con ưu tú quê hương Cần Giuộc - một phụ nữ “bất khuất, trung hậu, đảm đang”, dù bị địch bắt cầm tù, tra tấn vẫn một lòng kiên trung, luôn giữ vẹn lời thề sắt son với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc. Tác phẩm được khán giả nhận định có sự đầu tư nghiêm túc từ nội dung kịch bản, hình ảnh, thiết kế sân khấu cùng nhiệt huyết của hàng chục nghệ sĩ được huy động toàn lực để “cháy” hết mình cùng nhân vật.

Vở cải lương Cuộc đời của mẹ dựa trên câu chuyện có thật của người con ưu tú quê hương Cần Giuộc - một người phụ nữ “bất khuất, trung hậu, đảm đang”

Không như những vở cải lương khác có cốt truyện, tình tiết cụ thể, Cuộc đời của mẹ kể lại với khán giả qua những ký ức của nhân vật chính. Vở diễn là xâu chuỗi được sắp xếp một cách khéo léo những ký ức của nhân vật chính.

Vào vai Nguyễn Thị Út (Nguyễn Thị Một), NSƯT Hồ Ngọc Trinh khá thành công khi chuyển tải hết ý nghĩa về cuộc đời của nữ chiến sĩ một lòng sắt son với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân. Nhân vật của chị trong tác phẩm trải dài từ thời niên thiếu đến tuổi già. Khắc họa nhân vật dưới dạng hồi ký nên để chuyển tải hết thông điệp, tránh sự rời rạc, chị cùng tác giả, đạo diễn, đồng nghiệp Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tìm hiểu, nắm thật kỹ nội dung của hồi ký; đồng thời, chắt lọc, lựa chọn những chi tiết đắt, bổ ích, gây ấn tượng đối với khán giả. Có lẽ vì sự chỉn chu, tận tâm với nghề, chị hóa thân vào nhân vật Nguyễn Thị Út rất có “hồn”.

Một cảnh xúc động trong vở diễn khi bà Một bị tra tấn tàn bạo trong nhà tù Côn Đảo

Với mỗi giai đoạn của lịch sử, từng mẩu chuyện dẫn dắt khán giả đi từ nhân vật chị Út lúc hồn nhiên, ngây thơ thuở thiếu thời nhưng đã sớm có lòng yêu nước đến tình yêu đôi lứa, rồi người vợ, người mẹ,... Nhất là những đoạn đau thương, mất mát khi chứng kiến người thân, người chồng của mình bị địch bắt,... Đến cảnh chia lìa, lúc chị bị tra tấn, hành hạ hết sức tàn bạo ở nhà tù Côn Đảo nhưng người phụ nữ ấy vẫn kiên cường chịu đựng và vượt qua... khiến khán giả không khỏi xúc động.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết, vở cải lương Cuộc đời của mẹ là tác phẩm sân khấu, kịch bản được tác giả Hoàng Song Việt, NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể từ hồi ký Cuộc đời của mẹ - Gia tài của con, nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Một - người phụ nữ tiêu biểu của đất Nam bộ. Dù bị địch bắt cầm tù, tra tấn 15 năm (từ năm 1959 - 1974), đồng chí vẫn một lòng kiên trung với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.

Sau 15 năm bị địch bắt cầm tù, bà Một đoàn tụ gia đình

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Một là tấm gương sáng tiêu biểu về truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa. Từ cảm xúc chân thật về cuộc đời của đồng chí Nguyễn Thị Một, vở cải lương Cuộc đời của mẹ mang thông điệp về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã được khán giả mộ điệu, nhất là thế hệ trẻ đón nhận, đánh giá cao.

Những trang hồi ký của bà Nguyễn Thị Một là một gia tài lớn bởi không chỉ nói về cuộc đời mà bà là chứng nhân, người nhập cuộc của gần một thế kỷ - những ngày đầu tiên Đảng mới thành lập, những ngày cách mạng tiến và thoái trào, cho đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An vừa cảm thấy áp lực nhưng cũng không khỏi tự hào khi chỉ trong 2 giờ ngắn ngủi, ê-kíp đã khắc họa nhân vật một cách trọn vẹn. Đây là một nỗ lực rất lớn. Vở diễn giúp khán giả hình dung được bà Nguyễn Thị Một đã nhập cuộc và chứng kiến với vai trò một quần chúng đứng ngoài Đảng, rồi là người đảng viên mới 15 tuổi, sớm hòa nhập vào dòng thác cách mạng; đồng thời là người mẹ, người vợ, người đồng chí, những ngày đấu tranh trong nhà tù Mỹ - ngụy, vượt qua muôn vàn cực khổ, những thử thách nghiệt ngã,... Nhưng trên hết, người phụ nữ với vẻ ngoài bình hường, đôn hậu ấy đã vượt qua, đứng vững với sức mạnh phi thường./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết