Vừa mới ra đời ngày 3/2/1930, Đảng ta đã trở thành người lãnh đạo, người tổ chức của cách mạng Việt Nam. Suốt 92 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc ta và nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách, gian lao, biến động của lịch sử, đấu tranh gian khổ lâu dài, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, hy sinh xương máu giành độc lập, tự do, làm nên những kỳ tích anh hùng, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, luôn trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, đại diện trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế của thời đại và thực tiễn của đất nước, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đảng và dân kết thành một khối vững chắc. Dân tin Đảng, nguyện đi theo Đảng, coi sự tồn tại và phát triển của Đảng là lẽ sống của chính mình.
Chính tấm gương đạo đức của những lãnh tụ hàng đầu như V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với toàn thể loài người. Do ngưỡng mộ những nhân cách vĩ đại như vậy, đã có biết bao lớp người trẻ tuổi tình nguyện đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản, hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội. Theo gương của Bác Hồ vĩ đại, đã có biết bao cán bộ, đảng viên và chiến sĩ ta sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi về vật chất để theo đuổi những giá trị tinh thần như liêm khiết, thanh cao, công bằng, chính trực,... Chính những tấm gương cộng sản mẫu mực ấy, Người đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, bởi Đảng đã trọn vẹn tấm lòng thủy chung vì dân tộc, vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân mà hành động nhất quán trong suốt những chặng đường cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại”(1). Những ngôn từ giản dị mà bộc lộ tư chất vĩ đại của Bác, để mỗi đảng viên đều nhận thức và thấm nhuần bản chất đó nhằm rèn luyện và giữ gìn phẩm chất của chính mình, xây dựng nên một Đảng ta là đạo đức, là văn minh - một luận điểm hết sức sâu sắc, kết tinh những giá trị đặc sắc của Người vừa phản ánh mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vừa thể hiện những phẩm chất cao đẹp của một Đảng đầy bản lĩnh, trí tuệ, danh dự và lương tâm.
Đảng là đạo đức, là văn minh, bởi nền tảng tinh thần của Đảng là đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Đảng biết vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, biết đặt mình trong sinh mệnh của nhân dân, gắn bó với lợi ích quốc gia, hết lòng vì dân, vì nước. Đó là một Đảng biết nêu cao trách nhiệm, từ nghĩ suy, lo toan đến hành động chỉ một mực lo cho dân, “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến; đồng thời, lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”(2).
Sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, đất nước ta vượt qua nhiều thách thức, khó khăn và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước và con người Việt Nam, tạo ra thế mới, lực mới của dân tộc là không thể phủ nhận, nhằm thực hiện mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - đây cũng chính là tâm nguyện cuối cùng của Bác Hồ viết trong Di chúc thiêng liêng 53 năm qua “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3).
Tuy nhiên, truyền thống đó hiện nay bị thách thức nghiêm trọng. Những vấn đề đạo đức xã hội thường nổi cộm lên ở những lúc cách mạng chuyển giai đoạn: Từ chiến tranh sang hòa bình, từ nông thôn vào thành thị, từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường,... Những thay đổi trong đời sống KT-XH tác động vào nhận thức, tư tưởng của con người, gây nên những biến động nhất định về quan điểm giá trị, trong đó có giá trị về đạo đức. Nghiêm trọng hơn là thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu không đủ sức phòng tránh và quyết tâm đẩy lùi tình trạng suy thoái nêu trên, hiểm họa và hậu quả sẽ khôn lường.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật, Ðảng luôn nêu cao quyết tâm xây dựng Ðảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu để Ðảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, mãi xứng đáng với vai trò là Ðảng cầm quyền, là đạo đức, là văn minh.
Song, dù giá trị đạo đức của xã hội có biến động như thế nào thì lý tưởng chính trị và đạo đức của người đảng viên cộng sản vẫn không hề thay đổi. Đó là kết hợp thống nhất việc nước, việc nhà, ích nước lợi nhà, làm giàu cho Tổ quốc, làm giàu cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Thách thức và thời cơ đan xen, đòi hỏi Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh” theo quan điểm Hồ Chí Minh mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình. Chèo lái con thuyền kinh tế đất nước ra biển lớn hội nhập vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phải là những cán bộ, đảng viên có đủ đức, đủ tài, mà trước tiên phải có đạo đức cách mạng trong sáng, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân là một trong những nguyên tắc sống còn - cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng. Do vậy, bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào, Đảng phải luôn ở trong dân, không đứng trên dân, “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(4).
Đây là phương sách tốt nhất để tạo sự đồng thuận giữa Đảng với nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để hai tiếng “Đảng ta” với niềm tự hào, lòng biết ơn, kính trọng của nhân dân mãi mãi trường tồn với dân tộc Việt Nam./.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng
--------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 400
(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 2, tr. 402
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 12, tr. 516
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 4, tr. 51