Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự Hội nghị. Ảnh: Văn Cường.
Chỉ rõ ưu, khuyết điểm của hoạt động báo chí
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016 (báo cáo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam cùng phối hợp xây dựng).
Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2015 có nhiều ưu điểm như: Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước, tình hình quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Đặc biệt, đã tích cực tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII.
Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước.
Báo chí cũng đã quảng bá tốt hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016. Ảnh: Văn Cường.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí trong năm qua cũng vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế. Cụ thể: Tình trạng thông tin sai sự thật tiếp tục diễn ra, gây tác động xấu trong xã hội. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm được khắc phục. Nhiều bài viết phản ánh về cái xấu, cái tiêu cực nhưng vô hình chung lại tuyên truyền cho cái xấu, cái tiêu cực. Nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.
Vi phạm về quảng cáo trên báo chí tiếp tục diễn ra. Tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí tiếp tục gia tăng, nhất là đối với báo điện tử.
Tính chung 5 năm qua, Bộ TT&TT đã xử lý 242 lượt cơ quan báo chí vi phạm, trong đó, cảnh cáo 11 lượt cơ quan báo chí, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng; tước quyền sử dụng 1 tháng và thu hồi 2 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet đối với 2 cơ quan báo chí, tịch thu 1 tên miền “.vn”. Đình bản và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí đối với 14 trường hợp, trong đó, đình bản tạm thời hoạt động 8 trường hợp, thu hồi giấy phép 4 trường hợp; thu hồi 2 Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet; thu hồi 121 thẻ nhà báo, trong đó 95 trường hợp thu hồi do cơ quan báo chí dừng hoạt động, do nhà báo chuyển công tác; 26 trường hợp bị thu hồi do vi phạm. |
Việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu, vụ lợi đối với tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp vẫn diễn ra. Một số phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật, bị xử lý.
Về tình hình tài chính của các cơ quan báo chí, hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Khối cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Báo của các Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Riêng lĩnh vực phát thanh, truyền hình, nhờ có sự đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết, nên nguồn thu của nhiều đài phát thanh, truyền hình cơ bản tăng hơn so với các năm trước. Tổng doanh thu 2015 (trước thuế) tính đến ngày 30/11/2015 của toàn ngành phát thanh, truyền hình là 11,1 nghìn tỷ đồng (năm 2014 là 10,3 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là 9,9 nghìn tỷ đồng, năm 2012 là 8,5 nghìn tỷ đồng).
Hướng tới 2016
Hướng tới năm 2016, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trong tình hình mới, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai.
Thứ nhất, báo chí cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu ở trên, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với tuyên truyền Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ hai, báo chí tuyên truyền về thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiến tới bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng, toàn dân và trong toàn xã hội; tập trung tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thứ ba, báo chí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội; chính sách, pháp luật và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tập trung phản ánh một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và phát triển kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tích cực đấu tranh chống tham nhũng.
Thứ tư, tuyên truyền đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Chủ động, tích cực đấu tranh, phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống.
Hiện cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35 nghìn người (tăng trên 3 nghìn người so với năm 2011). Phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 2011, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 88% và trên đại học là 5%. Đến năm 2015, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 94% và trên đại học là 5,5%. Số liệu trên cho thấy chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang có những chuyển biến tích cực. |
Thứ năm, triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ sáu, hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí để Quốc hội thông qua; đồng thời có kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, phổ biến nội dung của Luật Báo chí khi được Quốc hội thông qua.
Thứ bảy, thực hiện nghiêm những chỉ đạo, định hướng tuyên truyền các vấn đề phức tạp, nhạy cảm theo Quy định 157 của Ban Bí thư (khóa X). Tuyên truyền có hiệu quả các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, về quan hệ quốc tế, bảo đảm độc lập chủ quyền Tổ quốc, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Thứ tám, bám sát nội dung chỉ đạo, định hướng thông tin; chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2016 theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ chín, chủ động, tích cực trong tuyên truyền về nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn giao thông; phòng chống dịch bệnh...
Thứ mười, tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và nhà báo. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển bảo chí trong tình hình mới.
Thứ mười một, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, khen thưởng kịp thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong hoạt động báo chí./.
Bình Minh/infonet.vn