Tiếng Việt | English

13/11/2020 - 09:40

Đánh thức tiềm năng du lịch từ các di tích, di sản còn gặp khó

Long An là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử (DTLS) cùng những di sản văn hóa độc đáo nhưng hành trình khai thác, đánh thức tiềm năng để phát triển du lịch từ những di tích, di sản ấy còn lắm khó khăn.

Nhọc nhằn giữ gìn di sản văn hóa

Bà Trần Thị Năm (ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) làm nghề dệt chiếu không rõ đã bao nhiêu năm nhưng đến tuổi thất thập cổ lai hi vẫn miệt mài bên khung dệt. Đôi chiếu đó bà dệt 1 ngày, bán được 50.000 đồng, trừ chi phí vật liệu, còn lãi được khoảng 20.000 đồng… Đã nhiều lần, các con khuyên bỏ nghề dệt chiếu, nghỉ ngơi cho khỏe nhưng bà vẫn không bỏ được. Bà kể: “Con thương, sợ tôi cực khổ nên không cho dệt nhưng mà không làm thì buồn chân, buồn tay lắm!”.

Ở Long Cang có không ít người như bà Trần Thị Năm (ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước), theo nghề chiếu cho “đỡ buồn” lúc tuổi xế chiều

Ở Long Cang có không ít người như bà Năm, theo nghề dệt chiếu cho “đỡ buồn” lúc tuổi xế chiều. Bà Phạm Thị Thanh Phượng - Tổ trưởng làng nghề dệt chiếu Long Cang, cho biết, toàn xã còn khoảng 100 hộ làm nghề. Người dệt thủ công đa số là người lớn tuổi, muốn cải thiện thu nhập khi tuổi cao, sức yếu. Còn lại là dệt chiếu bằng máy.

Chiếu dệt máy dập sát, đẹp, năng suất cao gấp nhiều lần so với chiếu dệt tay. Nhưng dệt máy chỉ có thể dệt được những loại chiếu bình thường theo mẫu. Về Long Cang, tìm người lãi chiếu bây giờ thì không còn nữa. Bà Phượng nói: “Người biết lãi chiếu có thể tạo ra bất kỳ loại hoa văn nào theo yêu cầu của khách hàng nhưng giờ không còn ai làm được nữa. Người dệt chiếu tay cũng chỉ dệt những loại chiếu thương phẩm thường thấy thôi”.

Cơ sở dệt chiếu của anh Bảy (ấp 1, xã Long Cang) có 4 máy dệt chiếu nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động

Bà Phượng đưa chúng tôi đến cơ sở dệt chiếu của anh Bảy (ấp 1, xã Long Cang). Cơ sở của anh có 4 máy dệt chiếu nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động. Anh Bảy bận bịu việc thu hoạch khoai môn. Bà Phượng giải thích, nghề chiếu hiện nay không còn là kinh tế chính trong gia đình, muốn khá hơn phải làm thêm việc khác.

Nghề dệt chiếu ở Long Cang đã trở thành nghề truyền thống, người làm nghề đều là cha truyền con nối. Dẫu nghề dệt chiếu ngày một khó khăn nhưng người Long Cang khó lòng bỏ được, chỉ là làng nghề dệt chiếu sẽ dần thay đổi. Máy dệt thay người thợ ngồi chùi sợi, dập khung. Chiếu thương phẩm thay chiếu thủ công, chiếu lãi tay một thời dành cho “danh gia vọng tộc”.

Nghề dệt chiếu tại Long Cang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, người dệt chiếu dù gặp khó khăn cũng cố gắng vượt qua, làng nghề dệt chiếu vì thế vẫn tồn tại. Xu thế cuộc sống đổi thay, người dệt chiếu cũng tự thích nghi cho phù hợp. Họ chưa nhận được và cũng chưa nghe đề cập đến chuyện được hỗ trợ để bảo tồn nghề dệt chiếu của cha ông cũng như bảo tồn một di sản.

Còn gian nan trong khai thác làm du lịch

Rời làng nghề dệt chiếu Long Cang, huyện Cần Đước, chúng tôi đến thăm đình Tân Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành - nơi có di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Làm Chay. Đình Tân Xuân vừa được xây mới với nguồn kinh phí khoảng 6 tỉ đồng. Vậy nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì đình đã không chịu được những cơn mưa lớn, nước nhỏ giọt từ mái xuống, đọng trên bàn thờ Tổ và ướt cả nền nhà.

Đình Tân Xuân được xây dựng mới cách đây không lâu đã bị dột

Ông Nguyễn Kim Tuấn (Trưởng ban Hậu cần Ban Quản trị đình Tân Xuân) kể: “Đình bị dột đã hai mùa mưa kể từ khi khánh thành. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần với chính quyền thị trấn Tầm Vu, đơn vị thi công có đến khắc phục vài lần nhưng không thấy tiến triển. Tất cả kèo, cột đều là gỗ quý, nếu cứ mưa dột thế này thì chẳng bao lâu sẽ hư hỏng hết”.

Ông Bùi Văn Biết (Thủ quỹ Ban Quản lý đình Tân Xuân) trầm ngâm: “Đình Tân Xuân đối với người dân rất quan trọng về mặt tâm linh. Đình mới xây mà dột nhiều như vậy, chúng tôi rất xót. Người dân và Ban Quản trị đình chỉ mong chính quyền, đơn vị thiết kế, thi công tìm cách khắc phục để mùa mưa sau đình không bị dột nữa. Ngày đình khánh thành, chúng tôi vui bao nhiêu thì bây giờ lại buồn bấy nhiêu”.

Hiện tại, tỉnh có 21 di tích quốc gia, 93 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia, 5 di sản phi vật thể được đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, tỉnh còn có nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện, hầu hết các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo. Trong đó, một số khu di tích được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn và có định hướng sẽ khai thác du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, giá trị. Từ năm 2018, theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khu DTLS Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ) nằm trong danh mục kêu gọi xã hội hóa và đã có một số nhà đầu tư quan tâm muốn đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự kiến vẫn còn là dự kiến. Khu DTLS Cách mạng tỉnh mặc dù được đầu tư quy mô với nhiều công trình và số vốn lớn nhưng đến nay chỉ phát huy hiệu quả trong việc đón khách đoàn đến tìm hiểu truyền thống lịch sử, còn lượng khách đến tham quan còn hạn chế.

Đến nay, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ) chỉ phát huy hiệu quả trong việc đón khách đoàn đến tìm hiểu lịch sử trong tỉnh, lượng khách đến tham quan còn hạn chế (Ảnh tư liệu)

Theo nhận định từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Huệ, nguyên nhân chính khiến Khu DTLS Cách mạng tỉnh chưa thu hút được khách đến tham quan là vì các dịch vụ đi kèm chưa phát triển. Du khách khi đến khu di tích chỉ có thể tham quan tìm hiểu về lịch sử. Các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí hầu như không có. Đoàn khách muốn ăn uống đều phải đặt trước. Điều đó khiến việc thu hút khách du lịch trở nên khó khăn.

Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - Kháng chiến Nam bộ (huyện Tân Thạnh) cũng đang gặp khó khăn tương tự. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì cho biết: “Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - Kháng chiến Nam bộ đã được đầu tư khang trang, tuy nhiên để phát triển du lịch và bảo quản tốt thì cần tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện thu hút khách tham quan”.

Đối với các khu DTLS, nếu chỉ hướng đến khách địa phương thì sẽ không có được nguồn khách tham quan thường xuyên. Chỉ có kết nối du lịch mới tạo được nguồn khách thường xuyên. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư thêm các dịch vụ phụ trợ tại các khu DTLS - văn hóa sẽ góp phần giúp du khách hứng thú hơn với các địa điểm du lịch mang tính tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra, nguồn thu từ hoạt động trên sẽ góp phần vào việc bảo trì, trùng tu, bảo dưỡng các khu DTLS - văn hóa.

Đối với di sản văn hóa, ông Nguyễn Văn Thiện cho rằng, di sản thường gắn bó mật thiết với hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo khách tham quan,... Vì thế, các di sản này trở thành nguồn tài nguyên về du lịch, giúp du khách hiểu thêm về truyền thống, văn hóa vùng đất và người dân địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các DTLS - văn hóa, di sản trong tỉnh (trừ một số lễ hội) dường như vẫn còn lắm gian nan trong quá trình “làm du lịch”. Vẫn còn đó những khu di tích chưa được đầu tư tôn tạo, những khu di tích đã đầu tư và im lìm chờ từng lượt khách, thiếu kinh phí bảo dưỡng hàng năm, có cả những di sản văn hóa mà người dân phải nhọc nhằn bảo tồn, chưa được quan tâm hỗ trợ./.

Bất cập lớn nhất tại địa phương về bảo tồn di tích lịch sử là kinh phí duy tu, bảo dưỡng, hỗ trợ cho người trực tiếp phục vụ tại khu di tích chưa có. Các loại kinh phí nhỏ: Điện, nhang đèn, phí chăm sóc, quét dọn,... đều phải xã hội hóa. Tuy nhiên, về lâu dài, việc xã hội hóa là không hiệu quả, cần có kinh phí bảo dưỡng, chăm sóc các khu di tích để phục vụ người đến tham quan”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì

Tỉnh đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc triển khai quy hoạch phát triển KT-XH ở nhiều huyện, thành phố. Đây là thời cơ cũng là thách thức của việc bảo tồn di sản văn hóa. Nếu chúng ta không nhận thức đúng về tiềm năng và vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển thì nguy cơ xóa sổ các di sản văn hóa trong các quy hoạch, dự án phát triển là không thể tránh khỏi. Ngược lại, nếu biết nắm bắt, quy hoạch phù hợp thì di sản văn hóa sẽ được bảo tồn và trở thành động lực cho sự phát triển KT-XH ngay trong những quy hoạch và dự án ấy”.

Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện

Gia đình tôi có truyền thống cúng Việc lề từ thời ông nội và được lưu giữ đến nay. Từ khi các con còn nhỏ, tôi đã chỉ bảo các cháu cách sắp xếp mâm cúng, trình tự lễ cúng để sau này sẽ duy trì truyền thống gia đình”.

Ông Lê Văn Thật, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết