Bảy giờ kém mười lăm phút, chiếc ôtô màu trắng chạy đến đón tôi tại khách sạn. Tôi nói với sư cô Nhuận Ân rằng, chuyến đi này nằm ngoài tưởng tượng của tôi. Tôi cứ nghĩ mình sẽ độc hành như bao chuyến đi khác, một mình về vùng đất lửa Quảng Trị để cảm nhận âm vang hào hùng của lịch sử còn đọng lại. Trong lúc ngồi trên thuyền rồng đi dạo sông Hương, tôi bắt chuyện với sư cô Nhuận Ân, nói rằng khi kết thúc công việc ở Huế, tôi sẽ đi thẳng ra Quảng Trị - vùng đất của lịch sử qua lời kể của ông nội tôi.
Thành cổ Quảng Trị Ảnh: INTERNET
- Bây giờ chúng ta sẽ rời Huế và đi thẳng về thị xã Quảng Trị, đầu tiên dừng lại chùa Bồ Đề, sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị. Đây đều là những địa điểm nổi tiếng, khi xưa, trong chiến tranh từng diễn ra những trận đánh ác liệt, quân và dân hy sinh rất nhiều...
Ngồi sau tôi, sư cô nói bằng giọng điềm nhiên và đầy cảm xúc. Tôi ngoái lại, sư cô Nhuận Ân nhìn tôi, cười.
Chúng tôi thắp hương trước Trường Bồ Đề - nay chỉ còn là phế tích. Năm 1972, cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại chiến dịch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị của Quân đội Việt Nam Cộng hòa diễn ra vô cùng ác liệt. Trường trở thành một trong những chốt chiến đấu của quân ta đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. Đứng trước chứng tích của sự hủy diệt ấy, chị Tiểu Ngọc của tôi - một cô gái nhạy cảm, đã không kìm được nước mắt.
Mỗi lần về quê, nhắc lại chuyện thời chiến đấu hào hùng, ông nội tôi đều nói:
- Giá còn sức khỏe, thế nào tao cũng đi Quảng Trị một chuyến.
Tôi phì cười (vì khi ấy tôi chưa tìm hiểu về vùng đất Quảng Trị cũng như chưa từng đặt chân đến Quảng Trị):
- Sao ông không ước đi Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,... Quảng Trị có phải là vùng đất nổi tiếng về du lịch đâu?
Ông lặng đi một lúc, trìu mến bảo:
- Nhưng nơi đó là thành đồng đất thép, nơi in sâu những dấu ấn của lịch sử, nơi bao người đã hy sinh, trong đó có đồng đội của ông.
Tự dưng tôi thấy mắt mình cay cay, thấy mình “lơ là” với lịch sử. Sau lần đó, tôi thiết tha với lịch sử hơn.
Nơi mà ông tôi muốn đến (nhưng rất khó để đưa ông đến được vì tuổi ông tôi đã cao, sức đã yếu) cũng là nơi tôi đang hiện diện - dòng sông Thạch Hãn. Sư cô Nhuận Ân đốt hương, chúng tôi lần lượt dâng hương và thả những nhành hoa cúc trắng thơm xuống dòng sông từng là “cối xay thịt” trong suốt 81 ngày đêm quân Giải phóng chiến đấu anh dũng với quân lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
- Đăng, đọc gì đó đi - sư cô Nhuận Ân ngỏ ý, khi thấy không khí quá trầm lắng, đến nỗi tôi nghe được tiếng sụt sùi của chị Tiểu Ngọc.
Tôi chưa kịp đọc, vì phút này, mấy bài thơ bất chợt biến tan trong tôi, để lại khoảnh khắc linh thiêng: Khoảnh khắc tôi đối diện với lịch sử dân tộc. Bỗng nghe chị Tiểu Ngọc khẽ khàng:
- “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...”.
Tôi tiếp lời chị:
- “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
Đó là những dòng thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương một lần đến thăm sông Thạch Hãn đã xúc động ghi lại... Cảm giác khi đứng bên sông Thạch Hãn lạ lắm, thiêng liêng và rung động lắm, mà bao nhiêu áng thơ, bao nhiêu truyện ngắn, tiểu thuyết viết về dòng sông này tôi đã đọc và đã kể cho học trò nghe không thể nào mang lại cho tôi cảm xúc trọn vẹn như thế!
Tôi đi trong Thành cổ giữa mùa hè có hoa phượng vĩ nở đỏ, tiếng ve râm ran xao động trong vòm lá. Mấy ai còn nhớ đến mùa hè năm nào - mùa hè đỏ lửa, khi mà những chiến sĩ Giải phóng cảm tử giữ thành cổ đến phút cuối cùng, hứng chịu mọi đạn bom của quân thù để vẽ nên hình hài Tổ quốc mến thương. Tôi nói với chị Tiểu Ngọc:
- Chị ơi! Em đã thay ông nội em thực hiện giấc mơ của ông, đặt chân lên tấc đất Thành cổ, thắp nén hương lên đài tưởng niệm để tri ân người nằm xuống.
Chị tôi cũng nói với tôi rằng:
- Đến đây, chị thấy càng thêm yêu Tổ quốc mình, mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa với đất nước, bằng cách này hay cách khác.
Chúng tôi nhìn nhau, bước xuống 81 bậc thang từ đài dâng hương, theo lối nhỏ đi ra khỏi Thành cổ mà lòng không khỏi xúc động. Có một âm vọng nào đó từ quá khứ, từ trang sử hào hùng của đất nước vọng về trong sâu thẳm lòng tôi... Âm vọng đó cứ trầm hùng, sôi sục cho đến khi chiếc ôtô dừng lại ở Nghĩa trang Đường 9 rồi rẽ vào đường Hồ Chí Minh để đi đến Nghĩa trang Trường Sơn, nơi có hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, có tên và lạc danh, nằm lại sau thời kỳ chiến chinh khói lửa.
- Mấy lần chị giảng cho học trò những bài thơ về đất nước, về sự hy sinh của người lính trong chiến tranh vệ quốc. Nhưng chị nhận ra những cảm xúc đó chưa thực sự trọn vẹn cho đến khi đặt chân đến đây, tự tay thắp lên những nấm mộ nén hương tưởng niệm người nằm xuống, em ạ!
Tôi cắm nén hương cuối lên nấm mộ cuối trong dãy mộ vô danh, khe khẽ nói với chị:
- Sẽ thật thiếu sót, nếu chúng mình là người Việt Nam nhưng chưa một lần đặt chân đến đây. Để mình biết trân trọng nền hòa bình hiện tại.
- Và luôn biết ơn những người đã làm nên đất nước... - sư cô Nhuận Ân tiếp lời.
Chúng tôi im lặng, để nghe tiếng ngàn lá xôn xao. Gio Linh buổi trưa đầy nắng nhưng tôi cảm thấy tâm hồn mình mát rượi, như có dòng suối nào đó len lỏi, sâu thẳm vào từng ngõ ngách, từng tế bào. Tôi nhìn sang sư cô Nhuận Ân, lúc này, sư cô đang đem gói kẹo trong túi ra phân phát cho đám trẻ
người dân tộc Bru - Vân Kiều sống bằng nghề bán hương trong khuôn viên nghĩa trang. Những em bé có màu da rám nắng ấy rất ngoan ngoãn và lễ phép. Sư cô đã bắt gặp ánh mắt của tôi, sư cô cười tươi rói. Nụ cười ấy như tỏa nắng Quảng Trị, hiền lành và lương thiện vô ngần.
Ước có ông nội tôi ở đây! Những chuyến đi đâu đó, thấy cảnh vật nào đó thật đẹp và hùng vĩ, tôi lại ước có gia đình mình, có má,... để họ cùng tôi ngắm cảnh. Chuyến đi đẹp nhất của đời người là chuyến đi cùng với những người thân yêu của mình. Nhưng ông tôi đã già, một thuở cầm súng đấu tranh vì Tổ quốc đã lấy đi của ông nội tôi nhiều thứ quý giá. Tôi cảm thấy thương ông, và thương bao người đã đánh đổi mọi thứ cho Tổ quốc mến thương của mình. Chiếc ôtô rời khỏi Gio Linh, trời Quảng Trị ngắt xanh, như thể chưa từng có biến động nào diễn ra trên mảnh đất thơ mộng này. Sư cô Nhuận Ân lấy hoa quả ra, chúng tôi cùng ăn và chia sẻ những cảm xúc của riêng mình sau khi rời bước khỏi Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ của những người con ưu tú của Tổ quốc.
“Tổ quốc là gì?” - Tôi nghĩ, chỉ khi đến với Quảng Trị và nhiều vùng đất đậm dấu vết lịch sử khác trên dải đất hình chữ S này, chúng ta mới có câu trả lời trọn vẹn. Đất nước là những vùng đất tôi đi, những dặm biển tôi qua có máu xương của người nằm xuống, là nơi có bao người đã xếp những giấc mộng riêng tư nhất của mình vào trong ba lô để lên đường chiến đấu, và rồi nằm lại trong lòng đất mẹ Việt Nam...
Tôi chia sẻ với chị Tiểu Ngọc và sư cô Nhuận Ân những tình cảm đẹp của mình với đất nước trong khoảnh khắc chúng tôi đứng ở vạch trắng giữa cầu Hiền Lương bắc ngang qua dòng sông Bến Hải, từng là vĩ tuyến 17 ngăn cách đất nước mình thành hai miền những hai mươi năm ròng. Đi trên chiếc cầu lịch sử ấy, tôi thấy tim mình se lại, Bắc - Trung hay Nam đều in hằn trong trái tim tôi.
- Nhìn kìa, Đăng! - sư cô Nhuận Ân gọi tôi, tay chỉ lên thành cầu màu xanh, phía bờ Bắc. Một chú bồ câu trắng tinh đang say sưa nhìn trời mây sóng nước, mắt trong ngần.
- Bồ câu! Chị Ngọc ơi! Bồ câu! - tôi reo lên như một đứa trẻ - Biểu tượng của hòa bình đây rồi!
Chúng tôi nhìn cánh trắng bồ câu bằng cái nhìn say sưa, khao khát...
Chuyến đi Quảng Trị vỏn vẹn chưa đầy 12 giờ đồng hồ nhưng tôi nhận được rất nhiều thứ quý giá. Trên chiếc ôtô trở về với Huế, tôi vẫn còn hồi tưởng giây phút mình đứng ở Nghĩa trang, khoảnh khắc mình đi giữa lòng Thành cổ và thì thầm đọc mấy dòng thơ của bác Phạm Đình Lân, có câu: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào...”. Tôi nói lời cảm ơn sư cô Nhuận Ân - một lời chân thành, xuất phát tự trái tim mình. Có những cái duyên thật lạ! Tôi hẹn sư cô rằng, bao giờ về lại Huế, tôi sẽ mang tặng sư cô chút gì đó thuần chay của phương Nam, một chút nắng phương Nam chẳng hạn... Có đi đây đó trên khắp đất nước mênh mông của mình mới thấy Tổ quốc mình hùng vĩ, và thấy rằng mỗi miền quê ta qua đều tự khắc trở thành quê hương yêu dấu của mình./.
Hoàng Khánh Duy