Tiếng Việt | English

15/02/2021 - 11:34

Dấu ấn ngoại giao trong thúc đẩy vai trò và trao quyền cho phụ nữ

Việt Nam là một trong những nước rất tích cực thực hiện Chương trình nghị sự của LHQ về tăng cường vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh trên 3 bình diện: quốc gia, khu vực và quốc tế.


Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước rất tích cực thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về tăng cường vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh trên cả ba bình diện: quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, trong năm 2020, với vai trò kép khi vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bên cạnh đó là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tận dụng tối đa hai diễn đàn khu vực và toàn cầu này để đưa vào chương trình nghị sự các hội nghị, nội dung thảo luận đậm đặc về thúc đẩy quyền năng kinh tế, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh; thể hiện dấu ấn tiên phong được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bình đẳng giới đã được thể hiện trong Hiến pháp, luật pháp, chương trình quốc gia cũng như được thực hiện bằng những hành động rất cụ thể. Việt Nam cũng là một điển hình rất thành công về tăng cường vai trò cho phụ nữ trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

Với chính sách như vậy, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam đã có những bước đi rất chủ động, linh hoạt, sáng tạo cùng cộng đồng quốc tế, khu vực xây dựng, triển khai một chuỗi chương trình nghị sự, hành động dày đặc về phụ nữ.

Trên bình diện khu vực, Việt Nam là nước rất tích cực trong ASEAN, thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở trong phạm vi của ASEAN, có những thực hiện Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam tham gia vào các sáng kiến như thành lập Nhóm phụ nữ về hòa bình, hòa giải trong ASEAN.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37, dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Việt Nam, lần đầu tiên các Hội nghị và Phiên họp cấp cao về tăng quyền cho phụ nữ cũng như phát huy vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình, an ninh đã diễn ra. Đây là những sự kiện mang dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số (tháng 6/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước phồn vinh.

Tuy nhiên, một thực tế rất rõ là dù phụ nữ chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Á (với dân số gần 650 triệu người và quy mô GDP hàng năm tăng khá đồng đều), nhưng mức thu nhập của phụ nữ trong khu vực nói chung vẫn thấp hơn nam giới làm cùng một công việc, chênh lệch trung bình lên tới 25% ở một số quốc gia.

Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỷ vừa qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong giai đoạn 2013-2025 nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN.

Vì lẽ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước ASEAN cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện phát huy thế mạnh, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay.

Theo một nghiên cứu, việc thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đóng góp 4.500 tỷ USD vào tổng GDP của khu vực vào năm 2025. Các con số ấn tượng minh chứng cho năng lực, tiềm năng và đóng góp to lớn của phụ nữ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, các vấn đề về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ mới được bàn một cách toàn diện với chuỗi 3 hoạt động lớn ở cấp cao và Bộ trưởng mà Việt Nam đề xuất. Đó là phiên đặc biệt của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN về vấn đề tăng quyền năng, vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phiên đặc biệt của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN bàn về vai trò của phụ nữ đóng góp cho các mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh bền vững. Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN đã có một loạt hoạt động quan trọng và toàn diện bàn về vai trò và đóng góp của phụ nữ.

Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đánh giá cao việc lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, trong đó có sự tham dự và phát biểu tại Hội nghị của Hoàng hậu Vương quốc Hà Lan Máxima, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tài chính bao trùm cho phát triển. Sự kiện này giúp khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Luồng gió mới trong thực hiện Chương trình nghị sự phụ nữ

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN với chủ đề: "Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu COVID-19," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trên phương diện chính trị-an ninh, dù chỉ chiếm 2% tổng số các nhà đàm phán, hòa giải song phụ nữ là nhân tố không thể thiếu được trong các tiến trình kiến tạo hòa bình và an ninh bền vững."

Với ý nghĩa đó, trên bình diện quốc tế, tại Liên hợp quốc, ngay từ lần đầu tiên tham gia thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2009, Việt Nam đã thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết số 1889 về đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột. Nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó đưa ra những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 1325 trước đó nói riêng, cũng như toàn bộ Chương trình nghị sự về phụ nữ-hòa bình và an ninh nói chung.

Có thể kể đến những biện pháp như tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết số 1325, hay yêu cầu phải có một Bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 1325; chú trọng tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi tiến trình ra quyết định, thực hiện quyết định, khắc phục hậu quả của xung đột. Những đóng góp đó của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014. Tháng 10/2017, nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn và cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nhiệm kỳ 12 tháng.

Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thơ, một trong 10 thành viên nữ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tiếp sau đó, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tăng dần qua các năm. Tháng 10/2018, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến phái bộ UNMISS tại Bentiu, Nam Sudan, trong đó có 10 nữ quân nhân trên tổng số 63 cán bộ, nhân viên y, bác sỹ, chiếm gần 16% - tỷ lệ nữ cao hơn mức kêu gọi của Liên hợp quốc.

Tháng 11/2019, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và tiếp tục duy trì 10 nữ/63 quân nhân tham gia như trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.

Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam hiện đang duy trì số lượng ba nữ sỹ quan tham gia trên tổng số 16 người, chiếm gần 19% và cao hơn nhiều so với mức kêu gọi của Liên hợp quốc.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các nữ quân nhân của Việt Nam đều bảo đảm hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định được phẩm chất, năng lực và để lại hình ảnh ấn tượng về người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội trong môi trường hoạt động đối ngoại đa phương hết sức đặc thù của Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Việc cử nữ sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện bình đẳng giới, khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động mang tính chất toàn cầu, trong đó có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; khẳng định chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của phụ nữ trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tháng 12 /2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị quốc tế "Tăng cường vai trò của Phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả" với hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến từ hơn 70 quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết đây là lần đầu tiên một hội nghị quốc tế được Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Việt Nam tại Liên hợp quốc, có sự tham dự của khoảng hơn 400 đại biểu Việt Nam và các nước, trong đó có hơn 200 đại biểu tham gia qua hình thức trực tuyến. Ba Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hàng chục lãnh đạo từ cấp bộ trưởng trở lên cùng nhiều chính khách cùng tham gia hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh năm 2020 đánh dấu 75 năm thành lập Liên hợp quốc, vừa là dịp kỷ niệm sự ra đời của hàng loạt văn kiện quốc tế quan trọng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ như: Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995.

Đặc biệt, năm nay cũng đánh dấu tròn hai thập kỷ kể từ khi vấn đề "Phụ nữ, hòa bình và an ninh" trở thành một chương trình nghị sự toàn cầu, đặt nền móng bởi Nghị quyết 1325 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào năm 2000.

Theo Phó Thủ tướng, phụ nữ trên thế giới đang tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò của mình trong ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột; tham gia tích cực trong thiết lập, gìn giữ và kiến tạo hòa bình; đi đầu trong định hướng, thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thiết thực hơn nữa trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh.

Những khó khăn, thách thức, đặc biệt đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết, tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững, gắn kết xã hội - những yếu tố then chốt giúp xây dựng, củng cố một nền hòa bình bền vững, bao trùm.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc điều hành UN Women cho biết đại dịch COVID-19 đang đe dọa những lợi ích mong manh mà phụ nữ đạt được, hòa bình và an ninh, gia tăng nghèo đói, bất bình đẳng, căng thẳng trên khắp thế giới.

Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka nhấn mạnh không thể thiếu phụ nữ trong mọi nỗ lực hòa bình và bảo vệ nhân quyền; cần giảm chi tiêu quân sự toàn cầu, chi tiêu nhiều hơn cho bình đẳng giới.

Thế giới cần đặt phụ nữ làm trung tâm, lắng nghe, học hỏi từ những người phụ nữ xây dựng hòa bình, bao gồm cả những phụ nữ trẻ, những người có tầm nhìn và sức mạnh là trọng tâm của bình đẳng thế hệ. Hội nghị đã mang tới một luồng gió mới vào việc thực hiện Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc.

Đồng hành với các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị-xã hội Việt Nam trong thực hiện các chiến dịch giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái trong đại dịch COVID-19 và thúc đẩy bình đẳng giới, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, bà Elisa Fernandez chia sẻ phụ nữ không chỉ đóng vai trò là những nạn nhân của những cuộc xung đột, chiến tranh mà họ còn là người đưa ra các giải pháp, tạo ra những thay đổi, xây dựng nền hòa bình thế giới.

"Việt Nam có một vai trò rất quan trọng và trong những năm gần đây, Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt của mình, đặc biệt trong Nghị quyết số 1889 của Hội đồng Bảo an về phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột, khi là một trong những nước đầu tiên khởi xướng cho việc thông qua Nghị quyết này, để phụ nữ có thể tham gia một cách đầy đủ hơn vào tiến trình xây dựng hòa bình. Việt Nam đã gửi rất nhiều các nữ quân nhân tham gia bệnh viện dã chiến cấp 1 và lực lượng gìn giữ hòa bình. Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị này thể hiện rõ vai trò tiên phong và lãnh đạo của mình trong thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo phụ nữ có thể tham gia đầy đủ hơn vào tiến trình hòa bình, an ninh trên thế giới," bà Elisa Fernandez nói.

Nỗ lực nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ

Bên cạnh kênh ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân cũng có những đóng góp tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ. Phụ nữ với thế mạnh riêng là sự nhạy bén, năng động, tinh tế, đã, đang phát huy vai trò là lực lượng quan trọng trong đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây đắp hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng: Đối ngoại nhân dân có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là những chương trình nghị sự của Liên hợp quốc, đều hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt với một chương trình nghị sự rất quan trọng là Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, với vai trò là những người làm công tác đối ngoại nhân dân, trong thời gian tới, Liên hiệp hữu nghị sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan của Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, các địa phương và đặc biệt là các đối tác quốc tế như UN Women, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tập trung vào một số lĩnh vực như nâng cao nhận thức trong xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung, vấn đề bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong hòa bình, an ninh nói riêng; tranh thủ các nguồn lực quốc tế để tăng cường hơn nữa năng lực của phụ nữ bởi muốn để phụ nữ phát huy được vai trò của mình trong những lĩnh vực rất phức tạp như hòa bình và an ninh đòi hỏi phải có kiến thức về lập pháp, kỹ năng hòa giải, sử dụng ngôn ngữ, hiểu biết về văn hóa giữa các dân tộc.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng cần đưa những vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh vào trong những cơ sở giáo dục để chuẩn bị cho các em gái trong tương lai sẽ trở thành những người có thể tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả nhất vào các hoạt động của Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết