Tiếng Việt | English

14/03/2022 - 14:49

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo, nhất là phần kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị sớm ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.


Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 14/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu; sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng, kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng, khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn; về vụ việc tai nạn thương tâm chìm ca nô chở khách du lịch khiến nhiều người tử vong tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam; tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh COVID-19; việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc… trên các trang mạng xã hội.

Cử tri cũng kiến nghị về việc mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá Nhà nước quy định; việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải; tình trạng thiếu lao động do bị cách ly, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh; tình trạng lây nhiễm virus trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp...

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, ông Dương Thanh Bình cho biết trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 173 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Như vậy, tính đến nay, đã có 1.705/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã được giải quyết, trả lời; 204/923 kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và 20/218 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy các cơ quan đã cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đặc biệt, dù chưa đến thời hạn nhưng một số cơ quan đã nghiên cứu, giải quyết trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 2 như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng, dầu, hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng, dầu như hiện nay để trục lợi; quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành hữu quan có biện pháp quản lý, triệt phá, xử lý nghiêm loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông, lợi dụng sự hoang mang, thiếu hiểu biết của người dân trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19 và tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để phạm tội; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, nâng giá kit xét nghiệm nhanh COVID-19, nhập lậu thuốc điều trị COVID-19, tăng cường kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bán bất hợp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để mua thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; xác nhận mắc COVID-19 và cấp giấy chứng nhận đã khỏi bệnh cho người dân.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện theo hàng tháng, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri và nhân dân đã có chuyển biến tích cực, không chỉ ở các cơ quan của Quốc hội, mà còn từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về tỷ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân còn thấp.

Cụ thể, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 6/45 kiến nghị, đạt 13,3%; Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 195/867 kiến nghị, đạt 22,5 %; các cơ quan, tổ chức khác đã tiếp nhận và trả lời 3/7 kiến nghị , đạt 42,9%.

Bên cạnh đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch giai đoạn 2022-2023, với rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như giá kit xét nghiệm, việc mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3 như thế nào, dạy học trong bối cảnh có nhiều F0…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo, nhất là phần kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị sớm ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Đoàn giám sát tiếp tục rà soát các vụ việc, kể cả khối hành chính và tư pháp để lập hồ sơ, báo cáo và chọn ra các vụ việc thuộc phạm vi theo dõi, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghiên cứu các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới xảy ra liên quan đến môi trường, đất đai, đình công để lựa chọn một số việc để giám sát trực tiếp./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết