Về nghe con cúi thì thầm là một trong 39 bài được chọn vào chung khảo từ 750 bài viết tham dự cuộc thi viết Về nhà (do Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn phối hợp với trang Vanvn.vn tổ chức).
Con cúi không chỉ nỗi nhớ, là nhà, là một điều gì đó đang biến mất vĩnh viễn. Tác giả viết: “Con người cũng hệt như con cúi, luôn mang trong mình một hơi ấm từ lúc sinh ra. Hơi ấm ấy dùng để sưởi ấm bản thân, sưởi ấm người khác mà cũng để dẫn đường cho một người đi qua đêm tối. Nội dặn: Phải luôn giữ gìn một ngọn lửa trong tâm hồn mình”. Hình ảnh con cúi vô tình hay hữu ý trùng hợp làm sao với bầu không khí ảm đạm cần những ngọn lửa ấm trong thời gian dịch giã ấy.
Khởi sự từ ước mong chia sẻ với mọi người những mất mát tổn thương trong mùa dịch, những bài viết hưởng ứng đến lượt mình lại lan xa tỏa rộng yêu thương, hy vọng, tình người như một vòng tròn đáp đền, tiếp nối!
Tôi may mắn nhìn thấy rất nhiều ngọn lửa tiếp nối thành một vòng lửa ấm như thế. Từ hình ảnh một người thi hành công vụ chia sẻ với mất mát của mình với người cũng vừa mất người thân:“Anh đặt tay lên ngực mình, nước mắt lưng tròng, rồi nghẹn ngào nói: “Mẹ em cũng vừa mới mất nhưng em không về được… Mong anh chị quay về. Không có lý do chính đáng để ra đường. Em không quyết định được!”. (Ngày về còn xa - Vũ Bình).
Bìa cuốn Về nhà
S.Y
Nơi đó cảm giác mọi khoảnh khắc của sự sống - sự chết đều trở nên quý giá, đáng trân trọng. Mỗi bài viết đều mang một ngọn lửa. Có bài tự mình là một ngọn lửa, người ta cứ nhìn mãi nhìn mãi từng đốm nhỏ lung linh. Hãy hình dung cảm giác của mình khi đứng trước nơi này ngày trở về: “Căn nhà cấp bốn dột nát đã lâu không được cải tạo tu sửa. Mạng nhện giăng đầy. Trong nhà mà như ngoài sân. Nắng điểm danh từng viên gạch vỡ. Rêu xanh phủ kín góc chân tường. Nước mưa chảy tứ phía,…”. (Chuyến về nhà của Huyền - Minh Đan)
Hoặc thử nhìn bằng đôi mắt của tác giả vào khung cảnh dưới đây hãy tưởng tượng rằng mình đang về lại quê nhà: “Tôi về, một ngày tháng Chạp, cha đang lom khom sau vườn nhà ươm những hạt rau tết. Chợt nhói lòng nhận ra dáng cha đã già như ngọn gió bấc cuối mùa hoang vu. Nhận ra trong đáy mắt cha những đơn độc giấu kín, đôi bàn tay vần vũ một đời cũng khát khao hơi ấm, khép lại những đắng đót cách xa. Yêu thương rồi sẽ chữa lành bao đổ vỡ ở tận sâu những trái tim bao dung và chân thành”. (Ngồi nghe dâu bể đi qua - Huỳnh Giản)
Chỉ đọc đến “tôi về” đã thấy cổ mình nghèn nghẹn, nói gì tới hình ảnh cha, người vốn là nóc nhà, là cột nhà, giờ đã thành “già như ngọn bấc cuối mùa hoang vu”.
Cũng trong “vòng vây” của dịch, người ta không chỉ đau nỗi đau mất người thân, cha mẹ anh em, dòng tộc. Tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền còn nhìn thấy một điều từ đôi mắt thương dành cho người cùng quê: “Đã vĩnh viễn tan đi như sương khói, vĩnh viễn chỉ còn lại trong hoài niệm của người khác”. Chỉ một câu nhẹ nhàng thôi mà ngấm buồn. Cuối cùng của việc sợ chết có lẽ là nỗi sợ bị lãng quên chăng? Vượt qua nỗi buồn, nỗi sợ kia chính là tình yêu cuộc sống: “Tới bữa cơm chỉ cần dĩa rau xanh, chén mắm cái đỏ ớt bày ra cái bàn ngoài hiên là đã thấy mình sung sướng, đủ đầy. Bạn đã vượt một hành trình mệt nhoài, xa lắc để trở về. Giờ thì bạn không đi đâu nữa!”. (Chỉ ước làm một cái cây - Nguyễn Thị Thu Hiền)
Sự mộc mạc nhẹ nhàng, giản dị cứ từ từ lan nhẹ như một mùi hương. Dung dị từ cách đặt tít tựa cho đến câu chữ như: Ôi, nôn tới tết quá chừng (tác giả Nguyễn Rông). Lâu dữ lắm tôi mới nghe lại từ “nôn” dân dã thuần hậu này. Hay trong Về nhà thôi, tác giả Diệu Hoa kể chuyện đi bộ về nhà cho kịp trước giờ giới nghiêm ở một đất nước xa lạ. Có đến hai căn nhà trong Diệu Hoa khi cô thắp nén nhang trầm, ngồi xuống bên Đức Phật và thở nhẹ: “Đã về lại ngôi nhà bình yên của ta rồi, giờ phải về lại ngôi nhà tĩnh lặng trong ta nữa, về nhà thôi!". Chỉ bằng vài dòng nhẹ tênh, tác giả Diệu Hoa đã lan tỏa sự bình an của mình như thế.
Tôi cũng nhớ hình ảnh chú bé mới hai tháng tuổi mắt mở to trước vẻ lạ lẫm của một thành phố lạ và lạnh hay người bà ôm cháu bước qua lại bảy lần chậu lửa vừa khấn các bà mụ, vừa mắng: “Cha cha, tổ cha con Cô vít, cha, cha, nó làm cho Tô của bà ngược xuôi khi mới gần hai tháng tuổi,…” trong Đón Tô về nhà (tác giả Tạ Ngọc Điệp). Hành trình “trốn chạy” Covid-19 lại được kể bằng những ngọn lửa ấm áp và bình an hết mực.
Còn rất nhiều đoạn trích mà trong khuôn khổ một bài viết tôi không thể dẫn ra hết: “Miền Tây của tôi. Mái nhà rêu gió của tôi. Bao tháng năm miền Tây vẫn giữ một nét chân sơ, mộc mạc, con người miền Tây vẫn dung dị hiền hòa, chẳng có gì ngoài tình nghĩa sắt son”. (Miền Tây, mái nhà tôi ở đó - Hoàng Khánh Duy); “Có hai điều bạn không được bỏ lỡ, một là những người yêu thương bạn, hai là chuyến xe cuối cùng về nhà. Và tôi biết, cả hai thứ đó chỉ cách tôi một chuyến xe khách cuối cùng này”. (Điều không thể lỡ - Mile); “Và khi nỗi nhớ thắt thẻo ruột gan ấy tựa như một thứ dây leo quấn riết, quấn riết lấy con tim thì tôi chợt nhận ra, hình như mình ‘Có nhà chỉ để… nhớ’”. (Có nhà chỉ để nhớ - Ngô Thị Thu Vân),...
Nhiều và nhiều những đoạn thú vị, duyên dáng lẫn buồn bã thắt lòng, đẹp như những ngọn lửa bạn có thể tự mình tìm ra trong những bài viết từ cuộc thi Về nhà. Nếu có lúc nào bạn thấy lòng mình hiu quạnh, hãy đi tìm những ngọn lửa. Sưởi ấm mình, làm ấm người bên cạnh và nhớ đừng để chúng lụi đi!./.
Theo Thanh Niên