Tiếng Việt | English

21/09/2017 - 10:43

Đổi thay từ vùng đất anh hùng

Xã Tân Phú (huyện Đức Hòa) và Mỹ Yên (huyện Bến Lức) của tỉnh Long An vốn được xem là “vùng trắng” bởi sự tàn phá khốc liệt của bom đạn trong chiến tranh. Sau hơn 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 2 xã này đang “thay da, đổi thịt”.

Một thời bom đạn

Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược nước ta (23/9/1945), quân và dân Tân Phú cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 9 năm (1945-1954) để bảo vệ thành quả cách mạng và tiếp tục cuộc kháng chiến suốt 21 năm (1954-1975) đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp làm diện mạo xã Tân Phú, huyện Đức Hòa ngày càng khởi sắc

Trước đây, làng Tân Phú Thượng, nay là xã Tân Phú, bị chia cắt thành 2 vùng: Vùng tạm chiếm gồm chợ Bàu Trai và khu vực lân cận, do giặc Pháp kiểm soát; vùng độc lập gồm những khu vực cách xa đồn giặc, do chính quyền cách mạng kiểm soát.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú - Nguyễn Văn Gối kể lại rằng: Lúc bấy giờ, giữa 2 vùng tạm chiếm và độc lập còn có vùng bản lề, còn gọi là vùng “xôi đậu” - nơi ta và địch giằng co, tranh chấp. Thực hiện chủ trương của cấp trên, chi bộ, chính quyền Tân Phú Thượng phát động nhân dân thực hiện “bất hợp tác với địch” với nội dung: Không đi lính cho Pháp để làm bia đỡ đạn; thực hiện vườn không, nhà trống; ai có nhà lớn, kiên cố hãy dỡ bỏ, đem cất nơi kín đáo, không để giặc lợi dụng để đóng đồn bót. Mọi người còn thực hiện chủ trương “Tam không” (không nghe, không thấy, không biết) nhằm bảo vệ bí mật, tuyệt đối không để cho gián điệp của địch tìm hiểu lực lượng ta.

Là địa phương tiếp giáp Sài Gòn nên Mỹ Yên còn là xã nằm trong khu vực xung yếu, trú đóng nhiều căn cứ của địch. Địch luôn tìm cách chiếm đóng khu vực địa bàn xã nhằm hạn chế vị trí chiến lược, mang tính bàn đạp của Mỹ Yên. Trong kháng chiến, địa bàn xã Mỹ Yên luôn bị địch chiếm đóng.

Trước khó khăn, với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nhân dân Mỹ Yên vẫn vững vàng, góp phần cùng với quân - dân miền Nam và cả nước làm nên những dấu son lịch sử với những trận đánh của Phạm Tiến, Phạm Tuấn Phát ở vùng Gò Đen,... Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.

Nghị lực của đất và người

Tân Phú bị chiến tranh tàn phá nặng nề, 3 ấp vùng sông bị xóa trắng, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống người dân cực kỳ khó khăn.

Từ trong gian khó, chính quyền, nhân dân Tân Phú tự lực, tự cường, kiên trì, bền bỉ phấn đấu để có được thành quả như ngày hôm nay.

Đến năm 2010, Tân Phú hoàn thành điện khí hóa nông thôn, cơ giới hóa các khâu cơ bản trong sản xuất nông nghiệp: Làm đất, tưới tiêu, thu hoạch,... Các công trình hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới: Hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống cấp nước, trường học, trạm y tế, thư viện, trạm truyền thanh, trung tâm giáo dục cộng đồng,... được đầu tư xây dựng. Công trình kênh Bao (gồm kênh Kháng Chiến và kênh Bảy Gặp, ấp Tân Quy Hạ) được đầu tư với chiều dài toàn tuyến trên 3.000m, công trình trạm cấp nước sạch ấp Tân Quy Thượng bảo đảm 100% nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt cho người dân với tổng kinh phí xây dựng gần 14 tỉ đồng,...

Trường THCS Nguyễn Văn Hiển (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng chất giáo dục tại địa phương

Sau khi đất nước thống nhất, người dân Mỹ Yên bắt tay vào xây dựng đời sống mới. Từ vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh, ngày nay, Mỹ Yên vươn lên về mọi mặt, đời sống của người dân ngày càng phát triển. Kinh tế có bước chuyển mình mạnh mẽ bắt đầu từ khi hình thành nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, toàn xã có 174 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt hiệu quả cao. Ngoài sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, địa phương còn phát triển các loại hình dịch vụ. Vài năm trở lại đây, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn xã phát triển khá nhanh: Mở rộng, láng nhựa Đường tỉnh 830D và các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng Trường THCS Nguyễn Văn Hiển đạt chuẩn quốc gia,...

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên - Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Thời gian tới, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục đẩy nhanh phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương mại - dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, địa phương quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần nâng chất và giữ vững xã văn hóa - nông thôn mới và đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết