Tiếng Việt | English

26/08/2015 - 15:34

Đừng để tắt nụ cười của trẻ

Ngày nay, vấn đề ly hôn không còn xa lạ, nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ. Với bất kỳ nguyên nhân nào, ly hôn sẽ để lại những vết thương khó lành. Đặc biệt, với những trẻ sống trong gia đình có cha hoặc mẹ ly hôn, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như tâm sinh lý của trẻ hiện tại và sau này.


Hãy tạo điều kiện để trẻ được vui chơi, học tập

Hệ lụy với con trẻ

Chị Hiền, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An ly dị chồng và nuôi con trai 5 tuổi vì anh ngoại tình. 3 năm sau, chị đi bước nữa với người chồng cũng có đứa con riêng lên 8. Anh chị thỏa thuận đều yêu thương các con như nhau, cùng chăm sóc nuôi dạy nên người. Mỗi khi mua đồ ăn, quần áo hay đồ chơi, vợ chồng chị chia đều cho cả 2 để bọn trẻ khỏi so bì và có sự công bằng.

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, khi sống chung dưới một mái nhà, 2 đứa trẻ khó hòa hợp và thường xuyên cãi vã vì những chuyện vặt. Một lần, chị thấy thằng anh nắm tóc thằng em và đánh, chị liền can ngăn. Lập tức thằng anh phản ứng: “Bà đâu phải mẹ tôi, bà chỉ biết thương con bà. Tôi ghét bà lắm!” khiến chị sửng sốt.

Từng có một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhưng niềm vui của vợ chồng chị H.T.H.Q. ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An không được bao lâu. Khi đứa con trai đầu được 6 tuổi và đứa con trai út vừa mới thôi nôi, vợ chồng chị ra tòa ly dị trong sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè. Chị giành quyền nuôi 2 đứa con nhỏ mà không cần chồng cấp dưỡng, khi ấy chị mới 32 tuổi.

Thiếu vắng cha, tinh thần của bé G.B. rất thất thường. Từ một đứa trẻ hồn nhiên, hay cười nay em rất ít nói. Mỗi lần nhắc đến ba, em trả lời hờ hững: “Ba đi theo vợ bé, ba có thương tụi con đâu nên con không thương ba nữa”. Quả thật, không ai bảo với G.B như vậy nhưng chính những trận cãi nhau giữa chị H.Q. cùng chồng trước khi ly hôn đã khiến cho em nghe được.

Theo số liệu chưa đầy đủ từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Long An hiện có 325 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, 610 trẻ tàn tật nặng, 63 trẻ mồ côi được gia đình nhận nuôi dưỡng, 110 trẻ có cha mẹ thuộc diện đơn thân nuôi con nhỏ được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng,...

Tất cả đồ chơi được ba mua cho trước đây, em đem cất vào một góc riêng, không hề đụng đến nữa. Em cũng nói với mẹ, sau này không nhận món đồ nào của ba mua cho. Còn đứa con trai út, khi vợ chồng chị ly dị, mặc dù bé còn rất nhỏ, chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng bé thường hay khóc và bập bẹ đòi ba ẵm bồng. Trong ký ức ngày xưa của bé, hình ảnh người ba pha sữa, mua đồ chơi, vỗ về mỗi khi bé khóc vẫn luôn xuất hiện. Nay bé được hơn 2 tuổi, mỗi lần có ba đến thăm, em rất hào hứng. Nhưng người anh trai lại ôm em lên lầu và không muốn gặp ba,…

Làm gì với con trẻ khi cha mẹ ly hôn?

Đa số những trẻ có cha mẹ ly hôn đều thay đổi tâm tính. Bọn trẻ không muốn chấp nhận sự thật là ba và mẹ đã ly hôn.

Có người vì cách ứng xử không khéo léo trong giao tiếp với người cũ của mình, vô tình tạo nên áp lực cho con, khiến bọn trẻ phải khó khăn lựa chọn sống với ba hoặc mẹ. Có người im lặng, tránh nói về ba hoặc mẹ của chúng nhưng cũng có người tìm cách trách móc, gieo vào đầu con trẻ những lời không hay về ba hoặc mẹ chúng. Điều này càng dễ khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn.

Do đó, để giúp trẻ có thể vượt qua cú sốc, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, cả ba lẫn mẹ bọn trẻ cần cho con một lời giải thích nhẹ nhàng thay vì chỉ trích lẫn nhau.

Để trẻ có thể hiểu được rằng dù cha mẹ không còn chung lối nhưng các con vẫn cảm nhận được sự yêu thương từ 2 phía. Sau khi ba mẹ ly hôn, trẻ thiếu thốn tình cảm nên cần dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe những điều trẻ giải bày.

Bản thân cha hoặc mẹ không nên ngăn cấm con trẻ dành tình thương với người cũ. Khi bọn trẻ có nhu cầu gặp cha hoặc mẹ, cần tạo điều kiện. Đồng thời, giúp trẻ làm quen với cuộc sống mới. /.

Một số việc làm cha mẹ nên tránh sau khi ly hôn: 

- Đừng bắt trẻ chọn lựa giữa ba hoặc mẹ; phải ghét ba, mẹ chúng.
- Không nên nói xấu về ba, mẹ của trẻ.
- Trước mặt trẻ nhỏ, đừng nên tranh cãi về chuyện chăm sóc con cái.
- Đừng lấy trẻ là công cụ để liên lạc với chồng hoặc vợ cũ....

Thanh Nga

 

Chia sẻ bài viết