Dễ mà không dễ
Các điểm hành nghề xe ôm thường là nơi tập trung dân cư đông đúc: Bến xe, bệnh viện, chợ, các trạm dừng chân xe buýt,... Công việc thường không cố định giờ giấc, có khi rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc tối muộn.
Ông Phạm Văn Nhung (56 tuổi), ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An, chia sẻ: “Làm nghề này giờ giấc bất thường lắm, có khi 3, 4 giờ sáng đã đi chở hàng ở chợ phường 2, mối quen gọi giờ nào thì mình đi giờ đó. Mưa nắng gì cũng đi, có khi chở rau, củ, trái cây; có khi chở khách. Lớn tuổi rồi, việc gì kiếm được tiền chân chính thì mình làm”.
Chợ là khu vực lý tưởng của các bác tài xe ôm
Vất vả là thế nhưng thu nhập của nghề này cũng khá bấp bênh. Anh Nguyễn Thanh Nhàn chạy xe ôm ở trước cổng Bệnh viện Đa khoa Long An, tâm sự: “Trung bình mỗi ngày, tôi kiếm được hơn 100.000 đồng, hôm nào đắt khách thì được hơn 200.000 đồng, mấy bữa ế khách thì coi như lỗ tiền xăng”.
Dễ đến với nghề nhưng không dễ kiếm tiền là tình hình chung của nghề xe ôm hiện nay, nhiều người đã phải bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống, người còn bám trụ vì không biết phải làm gì để mưu sinh.
Nguy hiểm rình rập
Vì mưu sinh nên các bác tài thường không ngại thời gian, địa điểm, chỉ cần có khách là chạy. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng xấu thường gọi các bác tài đến chỗ vắng để ra tay cướp tài sản.
Cụ thể, vào lúc 14 giờ, ngày 15/01/2018, Nguyễn Phúc Toàn (SN 1981), ngụ ấp Hòa Mỹ 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, thuê chị Lê Thị Thu, làm nghề xe ôm, chở từ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, ra cửa hàng Thế Giới Di Động tại khu phố 4, phường 1, thị xã Kiến Tường để bán điện thoại. Vì là khách quen nên chị Thu để đối tượng cầm lái. Khi đến nơi, lợi dụng sơ hở, đối tượng rồ ga tẩu thoát. Chị Thu lập tức tri hô và báo cơ quan công an, nhờ nghiệp vụ của lực lượng công an, chị Thu lấy lại được tài sản.
Và không phải ai cũng may mắn như chị Lê Thị Thu. Đó là trường hợp của anh Đặng Gia Xuân (SN 1983), ngụ ấp An Hòa, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; tạm trú phường 3, TP.Tân An. Ngày 04/02/2018, đối tượng Huỳnh Khắc Nguyên (SN 1989), ngụ ấp 4, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, đã ra tay sát hại anh Xuân, cướp tài sản. Theo người nhà anh Xuân, nạn nhân bị mất 1 xe môtô, 1 điện thoại di động và khoảng 150.000 đồng.
Quả thật, nghe qua, nhiều người không khỏi “lạnh sống lưng” trước sự táo tợn, tàn nhẫn của những đối tượng thực hiện hành vi cướp xe ôm.
Ông Võ Văn Bé - người may mắn thoát được "lưỡi hái tử thần", ngao ngán kể lại: “Cách đây mấy năm, tôi chở khách đi từ phường 4, TP.Tân An lên TP.HCM. Lúc thỏa thuận, khách nói chở đến Chợ Lớn, nhưng khi đến nơi thì không xuống, lại kêu tôi chở tiếp đến đường 3/2, quận 11. Đến nơi, khách vẫn không xuống, lại kêu chở đến nhà người thân. Cảm giác không an toàn nên tôi không đi tiếp, lúc đó, vị khách này "giở quẻ" không trả tiền, vậy là tôi đành ra về. Bữa đó coi như lỗ tiền xăng! Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn sợ, nhưng may mắn hôm đó không sao, từ đó không dám đi xa nữa”.
Tự bảo vệ mình là chính
Qua những vụ việc trên, đã đến lúc các bác tài cần có biện pháp bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, đừng vì một cuốc xe mà biến mình trở thành “miếng mồi ngon” cho các đối tượng xấu.
Ông Võ Văn Bé chia sẻ: “Nghe xe ôm bị cướp, bị giết cũng sợ lắm, nhưng vì nghề nên phải làm. Bây giờ nhận khách, mình kỹ hơn, không phải ai gọi mình cũng chạy. Trước khi nhận chở khách, tôi sẽ quan sát kỹ, thấy nghi ngờ hay có biểu hiện bất thường thì sẽ không nhận chở. Lúc nào cũng vậy, tôi sẽ hỏi khách địa chỉ cụ thể và tuyệt đối không nhận khách đi đêm”.
Các bác tài không nhận chở từ 2 khách trở lên cũng là một biện pháp tự bảo vệ mình trước kẻ xấu và pháp luật.
Ngoài ra, thiết nghĩ, ở những khu vực tập trung xe ôm nên thành lập những đội xe ôm tự quản để các bác tài có thể tiện liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp tình huống khẩn cấp hay khó khăn./.
Nguyễn Dung