Tiếng Việt | English

23/11/2020 - 11:29

Giáo dục lòng yêu nước cần được quan tâm ngay trong nhà trường

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 đã qua nhưng dư âm thì vẫn còn đó. Bởi đó là ngày để xã hội, các thế hệ học sinh (HS) tôn vinh những thầy, cô giáo đã tận tâm dạy dỗ mình.

Câu ca dao: “Không thầy đố mày làm nên” đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, khẳng định vai trò to lớn của thầy, cô giáo đối với sự nghiệp “trồng người”; đồng thời, đây cũng là lời nhắc phải biết ơn, kính trọng thầy cô, giáo.

Dù ai có thành đạt đến đâu thì vẫn có công lao, dấu ấn của những người thầy, người cô. Thậm chí, thầy, cô là người sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của mỗi con người trong suốt cuộc đời. Thầy, cô dạy chúng ta kiến thức, những điều hay, lẽ phải, đạo đức làm người, cách đối nhân xử thế và cả lòng yêu nước,...

Trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến giáo dục lòng yêu nước. Lòng yêu nước chính là yêu cầu quan trọng của giáo dục, để từ đó khơi lên lý tưởng, mục đích, động cơ hướng đến của mỗi con người.

Nếu trong chiến tranh, bao lớp người với tinh thần yêu nước nồng nàn, không cam chịu áp bức, bóc lột đã vùng dậy đấu tranh, ra chiến trường đánh giặc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc thì hôm nay, chúng ta phải làm gì để thể hiện lòng yêu nước? Xung phong về những vùng khó khăn, nguy hiểm để làm việc, cống hiến; sẵn sàng nhận những việc khó mà cơ quan, tổ chức giao phó,... Đó tất nhiên là lòng yêu nước.

Nhưng không phải cứ “lên rừng, ra biển, xông pha đến những nơi nguy hiểm” mới là yêu nước thực sự mà yêu nước luôn trong khả năng của mỗi người, công việc khác nhau. Học tập tốt, làm việc tốt, chấp hành tốt quy định pháp luật, lên án những thói hư tật xấu và sai trái với mục đích xây dựng, góp ý,... cũng chính là đang thể hiện, phát huy lòng yêu nước.

Lòng yêu nước không phải là chỉ làm những việc lớn lao, ở đâu xa xôi mà ngay từ những việc nhỏ, gần gũi xung quanh cuộc sống này. Nó được thể hiện ở tất các lĩnh vực thông qua những việc làm, hành động, lý tưởng sống. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thể thao, cầu thủ ra sân với quyết tâm vì màu cờ sắc áo cũng chính là lòng yêu nước.

Bác Hồ từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”. Lời căn dặn đó càng chứng minh cho việc học tập tốt là yêu nước. Sâu xa trong đó là học tập không phải cho riêng danh lợi của bản thân mà là để phụng sự, xây dựng đất nước.

Lòng yêu nước bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Truyền thống gia đình, nhận thức, tác động từ các mối quan hệ, rèn luyện của bản thân,... Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng, lòng yêu nước cũng được ươm mầm, phát triển từ giáo dục, từ những mái trường, ngay từ những lời mẹ ru, những bài học đầu đời mà bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng đã thuộc lòng “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”.

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, lòng yêu nước được giáo dục rất nhiều qua những bài học về lịch sử của dân tộc. Qua đó, HS biết, hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của ông, cha ta, truyền thống vẻ vang, tự hào của dân tộc.

Còn nếu không nắm được lịch sử dân tộc, không hiểu được những hy sinh mất mát của cha, ông, không hiểu được giá trị của độc lập, tự do thì con người đang thiếu đi cái nền tảng căn bản, thiếu đi một góc nhìn thực tiễn. “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” là như vậy đó.

Cũng từ một nền tảng về lòng yêu nước vững chắc, ghi nhớ công ơn của ông, cha thì mỗi người sẽ hình thành được ý thức, trách nhiệm với Tổ quốc. Có lòng yêu nước nồng nàn thì chúng ta sẽ có được mục tiêu, động cơ đúng đắn để làm việc, đóng góp và kiên định, trung thành với Tổ quốc, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã chọn, dày công vun đắp, xây dựng. Lòng yêu nước đúng đắn sẽ cho chúng ta phân biệt rõ và có góc nhìn đúng bản chất, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo.

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách, âm mưu, thủ đoạn để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; trong đó, chúng lấy danh nghĩa “yêu nước” để gây bạo loạn, tạo “diễn biến hòa bình”. Thực tế cho thấy, có những vụ việc liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, một số đối tượng đã lấy cớ, xưng danh yêu nước để kích động, gây rối, cố tình bịa đặt, xuyên tạc những thông tin thất thiệt về Đảng ta nhằm làm xói mòn lòng tin trong nhân dân.

Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động còn lợi dụng những hạn chế, bất cập, sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, vụ việc cụ thể để tạo “diễn biến hòa bình”, gây bất ổn xã hội. Qua đó, chúng đòi đa nguyên, đa Đảng, đòi đổi tên nước hoặc đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đáng buồn, có những người vẫn bị mắc bẫy, bị lôi kéo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, sự bình yên của đất nước. Trong đó, có cả những cán bộ thoái hóa biến chất, những người đã từng giữ những vị trí cao trong các cơ quan, tổ chức.

Vì vậy, giáo dục lòng yêu nước là việc cần phải được quan tâm thực hiện, bồi dưỡng, nhân lên ở mỗi người, dù là HS, đoàn viên, nông dân, công nhân, cán bộ. Đối với mỗi người, lòng yêu nước phải được duy trì thường xuyên, trui rèn suốt cả cuộc đời như rửa mặt hàng ngày. Đặc biệt, giáo dục lòng yêu nước phải được quan tâm, chú trọng ngay trong nhà trường. Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, đạo đức cho HS noi theo và phát huy./.

Hà Tĩnh

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích