Tiếng Việt | English

01/05/2025 - 13:40

Từ nhà nước 'quản lý' tới nhà nước 'phục vụ'

Một nhà nước với tư duy phục vụ sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, tạo ra sự đột phá chưa từng có, nguồn lực lớn cho công cuộc phát triển của đất nước.

Bài học từ "kỳ tích sông Hán"

Hàn Quốc vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Quy mô nền kinh tế chỉ vỏn vẹn 4 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 100 USD. Tuy nhiên, chỉ sau một thế hệ, Hàn Quốc đã "vươn mình" để "hóa rồng", trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á và cả thế giới. Tới năm 2023, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 12 thế giới với GDP bình quân đầu người 33.147 USD, gấp 330 lần so với thời điểm cách đây 60 năm.

Từ nhà nước 'quản lý' tới nhà nước 'phục vụ'- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm nói chuyện với các đại biểu doanh nhân tiêu biểu

Người ta gọi bài học thành công của quốc gia Đông Á này là "kỳ tích sông Hán". Tuy nhiên, không có cây đũa phép nào đằng sau kỳ tích này. Làm nên sự thành công vượt trội của Hàn Quốc là một thế hệ lãnh đạo đất nước tầm cỡ với tầm nhìn xa, rộng và đầy khôn ngoan về vai trò của khoa học, công nghệ cũng như các doanh nghiệp tư nhân nội địa (chaebol) trong phát triển đất nước. Trong đó, cốt lõi là sự đồng hành, hỗ trợ mang tính kiến tạo của Chính phủ đối với doanh nghiệp; đặt doanh nghiệp và người dân vào trung tâm của mọi chính sách.

Các chaebol như Samsung, Hyundai nhận được các khoản vay ưu đãi và miễn thuế xuất khẩu với các khoản đầu tư chiếm tới 70% tổng đầu tư công nghiệp. Sự đồng hành của Chính phủ với các tập đoàn tư nhân nội địa đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy của công nghệ nội địa Hàn Quốc trong suốt nhiều chục năm kể từ 1970. 

Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng phát triển với tốc độ chóng mặt, chiếm tới 99% tổng số doanh nghiệp và 88% việc làm tại Hàn Quốc cho tới năm 2023 nhờ các chính sách ưu đãi và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ… Thành công của Hàn Quốc minh chứng cho sức mạnh tạo sự đột phá trong phát triển của một nhà nước phục vụ, kiến tạo thay vì nhà nước thiên về quản lý, kiểm soát.

Kiến tạo nền hành chính phục vụ

Trong phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV hồi cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong các "điểm nghẽn" về thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Trong nhiều phát biểu sau đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá phát triển khi "đụng tới đâu, lĩnh vực nào cũng khó khăn do chính các quy định của chúng ta".

Từ nhà nước 'quản lý' tới nhà nước 'phục vụ'- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024)

Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm", cải cách hành chính mạnh mẽ, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn, kiến tạo môi trường thuận lợi để khơi thông mọi nguồn lực cho sự đột phá phát triển. Đây được cho là mấu chốt để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng với đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng khu vực kinh tế tư nhân vừa qua đang bị kìm hãm bởi nhiều điểm nghẽn bởi những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh. Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là phân định mạch lạc vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, theo đó Nhà nước tập trung vào điều tiết vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội.

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, kiến tạo nền hành chính "phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước". 

"Cần quyết liệt cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy trong cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; quyết đoán trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức…", Tổng Bí thư nêu rõ.

Hướng tới kỷ nguyên vươn mình

Sự chuyển đổi từ Nhà nước "quản lý" sang Nhà nước "phục vụ" không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố then chốt giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Một khi Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ có sự phát triển đột phá.

Từ nhà nước 'quản lý' tới nhà nước 'phục vụ'- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024)

Thực tế, năm 2024, tổng vốn huy động từ xã hội đạt 15 triệu tỉ đồng nhưng việc đưa nguồn lực này vào sản xuất vẫn cần chính sách "phục vụ" hiệu quả hơn. Cùng đó, theo báo cáo của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm ngoái, thủ tục hành chính vẫn chiếm 30% chi phí kinh doanh không chính thức… Do đó, đơn giản hóa quy trình, lắng nghe doanh nghiệp và người dân là cách duy nhất để Nhà nước chuyển từ vai trò "người quản lý và kiểm soát" sang "người đồng hành, kiến tạo".

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược T.Ư hồi cuối tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tổng Bí thư đặt ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đồng thời, giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, bao gồm chi phí tuân thủ quy định và chi phí không chính thức, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra để loại bỏ các rào cản không đáng có, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Tổng Bí thư cũng đặt mục tiêu đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào top 3 ASEAN trong vòng 2 - 3 năm tới, thể hiện quyết tâm nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia…

Cùng với cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhiều lần nhấn mạnh cần giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển cho kinh tế tư nhân, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ. Thúc đẩy kinh tế tư nhân hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ doanh nghiệp trước các rủi ro kinh tế…

Một nhà nước với tư duy phục vụ sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, tạo ra sự đột phá chưa từng có, nguồn lực lớn cho công cuộc phát triển của đất nước. Khi đó, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ là một "kỳ tích" hoàn toàn khả dĩ./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-nha-nuoc-quan-ly-toi-nha-nuoc-phuc-vu-185250429145718317.htm

Chia sẻ bài viết