Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 20:02

Khi vợ chồng là nhà báo

"Gia đình có một người làm báo đã “khổ”, vậy mà, khi vợ và chồng đều làm báo thì nỗi “khổ” lại nhân đôi” - nhiều người vẫn nói như thế khi nhắc đến một gia đình có cả vợ và chồng làm báo.

“Mẹ ơi, chiều nay mẹ đón con bé giúp vợ chồng con nhé! Tụi con đi công tác xa chưa về kịp”. Điệp khúc nhờ ông, bà đón cháu dường như không xa lạ với những cặp vợ chồng làm báo, có con nhỏ đang gửi nhà trẻ hoặc trường mầm non.

Khác với những cặp vợ chồng làm việc giờ hành chính, đến chiều tan sở, họ đón con đúng giờ. Còn vợ chồng nhà báo, có hôm nhìn kim đồng hồ điểm 17 giờ, biết đến thời gian đón con nhưng còn “kẹt” lấy thông tin ở xã. Có thể nói, thời gian biểu của gia đình nhà báo khá bất thường như thế!

Tối! Khi nhà nhà chìm trong giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc thì ngôi nhà của nhà báo, ánh đèn vẫn sáng. Mỗi người một máy tính, một góc làm việc và cắm cúi gõ từng con chữ, chăm chút cho “đứa con tinh thần”.

Thức khuya, dậy sớm, ngày ngày lang thang tìm tư liệu ở địa phương như thế nên chuyện nhà cửa đôi khi không chăm chút vẹn toàn. Và, dĩ nhiên, “cơm hàng cháo chợ” cũng thường xuyên. Chỉ những ngày không đi công tác xa hoặc ngày nghỉ cuối tuần, không khí gia đình được sưởi ấm bằng bữa cơm vui vẻ đầy đủ thành viên bên nhau.

Minh họa: Hữu Phương

Cũng chính những bữa cơm gia đình chưa thường xuyên ấy là lúc vợ, chồng nhà báo dành thời gian cho nhau để tình cảm gia đình không nguội lạnh sau thời gian miệt mài với bài vở. Hay đó là những lần hò hẹn cà phê sáng hoặc lúc chiều muộn để cùng ngồi lại, trò chuyện vui vẻ.

Hơn nữa, vì làm chung nghề nên những chuyến chung đường công tác cũng là khoảng thời gian 2 vợ chồng vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành cho nhau. Những chuyến đi biên giới xa xôi, qua những cây cầu chênh vênh sẽ làm nữ nhà báo hú vía nếu không có sự đồng hành của anh chàng đồng nghiệp chung nhà.

Vậy mới thấy, vợ chồng làm báo tuy cực khổ nhưng trên đường tác nghiệp vẫn có thể sẻ chia, đồng lòng vượt qua gian khó.

Xưa nay, khi nhắc đến chuyện dựng vợ, gả chồng, nhiều người ái ngại khi lấy vợ hoặc chồng làm báo. Bởi, mọi người đều có cùng suy nghĩ: “Nhà báo hay bỏ bê nhà cửa, ít có thời gian chăm lo gia đình”. Và, đó cũng là cái khó, tình cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng nhà báo. Điều này không sai nhưng chưa hoàn toàn chính xác.

Bởi, khi chọn những chuyến công tác xa thì chuyện nhà bê trễ là không tránh khỏi. Ngược lại, không phải ngày nào, nhà báo cũng vác ba lô, máy ảnh, leo lên xe máy đi cơ sở. Cũng có những lúc, nhà báo đi công tác gần hoặc ở nhà viết bài từ những tư liệu thu thập. Những lúc đó, dù vợ hay chồng làm báo đều có đủ thời gian để chăm lo việc nhà.

Có thể nói, mỗi nghề có điểm khác nhau và so với nghề khác, nghề báo có những đặc thù riêng về giờ giấc, tính chất công việc. Chính những “đặc thù” ấy của công việc vô tình trở thành rào cản, ngăn cách tình cảm gia đình nếu vợ, chồng nhà báo không đồng cảm và thấu hiểu. Và, người hiểu trọn vẹn nghề báo không ai khác chính là những người làm nghề.

Vì thế, vợ chồng đều làm báo là điều thuận lợi vì dễ thông cảm cho nhau. Chẳng hạn, có những khi chiều muộn, cô vợ làm báo còn la cà cà phê với vài người bạn. Anh chồng cũng chưa về đến nhà vì một cuộc nhậu.

Trong suy nghĩ của vợ và chồng, đôi lần cũng bực bội nhau nhưng vì hiểu tính chất công việc nên không giận dỗi: “Thỉnh thoảng la cà mới có nhiều nguồn tin, đề tài. Làm báo mà sáng đi, chiều về nhà thì dễ bị “mù” thông tin” - vợ và chồng làm báo thường nói như thế trong những lần về muộn mà chỉ có hiểu công việc của nhau thì hòa khí trong nhà mới êm vui.

Nhưng, hiểu nhau không có nghĩa là trong nhà luôn ấm êm. Nếu có ai hỏi, vợ chồng nhà báo có lời qua tiếng lại với nhau không? Một câu trả lời thẳng thắn và rất thật: Có! Họ cãi nhau không phải vì mâu thuẫn gia đình mà vì quan điểm. Khi nhìn nhận một vấn đề, chồng nhìn ở góc độ này nhưng vợ lại tiếp cận từ góc nhìn khác. Thế là, mỗi người một suy nghĩ và ai cũng muốn bảo vệ ý tưởng của mình. Nhưng, cãi nhau không phải để quay lưng, chiến tranh lạnh mà để tìm ra cốt lõi, bản chất của vấn đề, đưa vào phân tích, dẫn chứng trong bài viết. Dường như, chuyện bàn cãi về bài vở là không tránh khỏi trong gia đình nhà báo.

Khi gặp và trò chuyện với nhiều người, tất cả đều có chung một câu nói: “Vợ chồng làm chung nghề thì dễ rồi, người này có thể làm thay người kia, chỉ cần một người đi là được”.

Nhưng, suy nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm. Tuy là vợ chồng nhưng trong lĩnh vực viết lách, mỗi người có một thế mạnh riêng. Chẳng hạn, khi chồng “nghiêng” về mảng nội chính, pháp luật thì vợ lại viết nhiều về văn hóa, xã hội. Mỗi lĩnh vực một cách viết, cách khai thác và thông tin cũng khác nhau nên mỗi người đều phải “tự thân vận động” trong công việc. Nói như thế không có nghĩa vợ, chồng làm báo sẽ tác nghiệp độc lập hoàn toàn. Họ vẫn có thể hỗ trợ nhau.

Gặp một đề tài nóng, nhạy cảm không thuộc sở trường của mình, vợ có thể chia sẻ để chồng thực hiện hoặc cả hai kết hợp làm việc nhóm như với những đồng nghiệp khác.

Ngược lại, khi chồng phát hiện một đề tài hay ở lĩnh vực văn hóa, xã hội lại thông tin cho vợ tìm hiểu và thực hiện bài viết. Với những cặp vợ chồng làm báo, họ luôn xác định rõ quan điểm “hỗ trợ chứ không làm thay”. Có như vậy, con đường làm báo của cả vợ và chồng mới có thể vững vàng và tiến bộ theo thời gian.

Với những cặp vợ chồng làm báo, niềm đam mê với công việc, những bài báo mang đến nhiều thông tin cho xã hội sẽ mãi là niềm vui, động lực để họ bám nghề. Bỏ qua những khó khăn, hạn chế khi ít dành thời gian chăm lo chu đáo cho gia đình, vợ chồng cùng làm báo luôn hiểu, thông cảm, cùng nhìn về một hướng để vừa hoàn thành nhiệm vụ của người cầm bút, vừa gìn giữ hạnh phúc gia đình./.

Với những cặp vợ chồng làm báo, niềm đam mê với công việc, những bài báo mang đến nhiều thông tin cho xã hội sẽ mãi là niềm vui, động lực để họ bám nghề.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết