Tiếng Việt | English

10/03/2019 - 20:49

Kỷ luật nếu tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”

“Chạy chức, chạy quyền” là hình thức biểu hiện cụ thể của tham nhũng trong công tác cán bộ.

“Chạy chức, chạy quyền” là hình thức biểu hiện cụ thể của tham nhũng trong công tác cán bộ, phản ánh một phương diện của suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Từ hàng loạt vụ bổ nhiệm thần tốc thời gian qua dư luận cho rằng ở đây có hiện tượng chạy có thể bằng tiền, có thể bằng quan hệ và nhiều thứ khác nữa mà các bên cùng có lợi ích. Chống “chạy chức, chạy quyền” là một hoạt động cơ bản của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong công tác cán bộ, là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết. 

Ngày 8/3 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có Thông báo kỳ họp thứ 34, trong đó, cách hết chức trong Đảng với hai Đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn được xác định đã để xảy ra nhiều vi phạm liên quan tới Đinh Ngọc Hệ (Út trọc). Hai Đại tá này đã vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định, để đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Mặc dù các kết luận của các cơ quan chức năng chưa đề cập đến các trường hợp được bổ nhiệm đã chạy chức chạy quyền như thế nào, chạy ai và chạy bao nhiêu? Thế nhưng, dư luận đặt câu hỏi hiện tượng chạy có thể bằng tiền, có thể bằng quan hệ và nhiều thứ khác nữa mà các bên cùng có lợi ích. Ông Phạm Cao Phong, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Ngoài nước cho rằng: các đối tượng không chỉ “chạy” cho mình mà khi đã tìm được “chỗ đứng” còn “chạy” cho cả những người thân quen.

Ông Phạm Cao Phong cho biết: “Chủ nghĩa bè phái cũng là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, không chạy ngay bổ nhiệm lần này nhưng lại chạy cho các đợt bổ nhiệm trong tương lai. Chủ nghĩa bè phái trá hình như vậy cũng là trá hình của chạy chức chạy quyền. Tôi thấy, chúng ta không chống chạy chức chạy quyền thì trong xã hội sẽ triệt tiêu tinh thần phấn đấu của anh chị em, cán bộ đảng viên. Vì không cần phấn đấu, cứ theo chạy chức chạy quyền là được đề bạt và triệt tiêu các ý tưởng khoa học của các nhà khoa học, của những người làm công tác chuyên môn”.

“Chạy chức, chạy quyền” nhiều lúc, nhiều nơi diễn ra có hệ thống, có tổ chức, có đường dây, bằng cả trao đổi các yếu tố vật chất và phi vật chất... Các đối tượng tham gia  liên kết thành bè cánh, phe nhóm lợi ích liên quan kinh tế và có quan hệ chặt chẽ với nhóm lợi ích chính trị. Tình trạng “chạy chức, chạy quyền” diễn ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức, mức độ, phạm vi, tính chất khác nhau. Ông Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: việc nhận diện vi phạm quyền lực, kiểm soát chạy chức chạy quyền thoạt nhìn có thể dễ biết nhưng để thu thập đầy đủ căn cứ kết luận có tiêu cực, vi phạm hay không thì cũng không đơn giản.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Kiểm soát quyền lực đề cập đến 2 góc độ đó là Tổ chức và cá nhân có thẩm quyền. Tổ chức bằng cơ chế, quy định càng đầy đủ càng tốt nhưng không thể có quy định đầy đủ từ trước mắt cũng như lâu dài. Tôi thấy yếu tố cá nhân tôi thấy quan trọng. Cá nhân có quyền lực. Tôi đề nghị bổ sung nội dung “tự kiểm soát” bằng việc bố trí con người phẩm chất, đạo đức, năng lực thì nó sẽ giúp cho cơ chế, quy định thực hiện trọn vẹn”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu vấn đề: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?...”. Rõ ràng, việc “chạy chức, chạy quyền”, tệ tham nhũng đã chi phối tới nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm. Do đó, quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ bằng thể chế, cơ chế.

Xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế không chỉ tạo điều kiện, môi trường cho cá nhân tự giác tuân thủ pháp luật, nguyên tắc tổ chức, mà còn dựng lên một hành lang pháp lý để không ai có thể vượt qua. Đó cũng là những thể chế, cơ chế đủ sức trừng trị, răn đe, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng: chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng cần giải quyết mâu thuẫn giữa người được bổ nhiệm với quy trình công tác cán bộ. Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những ai chạy chức chạy quyền dứt khoát không sử dụng và tiếp tay cho chạy chức chạy quyền thì phải kỷ luật.

Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chạy chức chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức chạy quyền là dứt khoát không làm. Chống và kiên quyết loại bỏ. Đối với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ có chức năng tham mưu công tác cán bộ thì các đồng chí không phải chạy,  không phải lo, không phải băn khoăn để chạy lên tìm người nọ, người kia tác động. Chúng tôi là những người có trách nhiệm quán xuyến việc này. Chống chạy chức chạy quyền.
Những ai chạy chức chạy quyền dứt khoát không dùng và tiếp tay cho chạy chức chạy quyền thì phải kỷ luật. Xây dựng công tác cán bộ trong sạch, lành mạnh, dân chủ, khách quan, trung thực để tìm ra đội ngũ cán bộ thực sự trong sáng, tinh thông và gương mẫu”.

Chống “chạy chức, chạy quyền” là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết. Ngoài xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế để chống cho được cơ chế xin – cho thì cần đổi mới các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ để tiền lương thực sự trở thành thu nhập chính. Đẩy nhanh việc bố trí bí thư cấp ủy tỉnh, huyện không phải là người địa phương để hạn chế, khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, dòng họ, cục bộ địa phương. Trên cơ sở thí điểm, cần sớm đẩy mạnh và mở rộng áp dụng hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước để khắc phục cho được tình trạng “chạy chức, chạy quyền”./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết