1. Chúng tôi đến dải Đông Trường Sơn (địa phận tỉnh Kon Tum) vào những ngày đầu tháng 4 để tìm hiểu công việc của những anh em làm nghề tạo ra “ánh sáng văn minh”. Hơn 15 giờ mà trời đã nhá nhem tối, mây đen bao quanh. Bỗng cơn mưa bất chợt trút xuống như giận dữ. Nước trên cao đổ xuống xối xả. Để trấn an những người đi cùng đoàn, bác tài của đơn vị mở lời: “Mấy tháng nắng liên tục, ai nấy đều lo lắng nhưng tự nhiên hôm nay lại mưa lớn. Mới cơn mưa đầu mùa nên khả năng sạt lở đất, đá không lớn, mọi người cứ an tâm. Có thể trong đoàn mình cho rằng thiếu may mắn nhưng với những người làm thủy điện, mưa càng lớn, nước càng nhiều, phát điện sẽ dễ dàng hơn”.
Tạo ra nguồn điện là cả một quá trình mà ở đó, những công nhân phải luôn cố gắng, kiên trì
Tiếp lời bác tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Đà 3-Đăk Lô - Cao Văn Nhật cho hay: Công cuộc chế ngự dòng Đăk Lô vô cùng vất vả, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy với địa hình rất hiểm trở, một bên là núi cao, còn bên dưới là vực sâu. Bên cạnh đó, muỗi, vắt, ruồi vàng dày đặc vì toàn là rừng nguyên sinh. Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt, sống, làm việc nơi điều kiện như vậy nên đã có 5 anh em không qua khỏi, phải bỏ mạng tại rừng. Dù vậy, anh em ai nấy đều quyết tâm, từng bước vượt qua mọi gian khổ, kể cả ranh giới của sự sinh tử, bám trụ để làm việc. Nằm giữa Tây Nguyên và miền Trung có dải Trường Sơn chắn lại nên lượng mưa ở đây rất nhiều, thích hợp cho việc phát triển các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, mưa kéo dài thì khả năng sạt lở rất cao, rất nguy hiểm. “Năm 2016, mưa liên tục cả tháng trời khiến tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua gần nhà máy bị đứt gãy, mặt đường thành hố dài hơn 40m, sâu 70m, tạo vực thẳm làm cô lập cả một xã cũng như anh em trong nhà máy với bên ngoài”- anh Nhật kể.
Chúng tôi theo sự chỉ dẫn của những người trong đoàn để gặp các vị “trưởng bối” gắn bó với thủy điện này. Người đầu tiêu chúng tôi gặp là ông Bùi Đức Hảo - một trong những người đặt nền móng để xây dựng thủy điện Đăk Lô này.
Năm 2004, từ ngành thủy lợi, ông Hảo được biệt phái tăng cường qua làm thủy điện. Khi ấy lặn lội lên Măng Đen - nơi có thủy điện Đăk Lô bây giờ, ông hơi bất ngờ vì dân cư vẫn còn thưa thớt nên xin tá túc tại trụ sở UBND xã. Từ UBND xã, ông Hảo phải lội bộ hàng tiếng đồng hồ mới vào đến núi, xuyên rừng để tìm vị trí xây thủy điện. Khi xác định được vị trí, anh em bắt đầu vào công việc chính là xây thủy điện. Giữa đại ngàn rộng lớn, tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy, con người trở nên thật sự nhỏ bé. Ông Hảo cùng công nhân vào dựng láng trại và sống cuộc sống như những “người rừng” thực thụ. Chỉ khác là cuối tuần về gặp gia đình, tiện thể gom góp các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết để tiếp tục trở lại cuộc sống “ẩn dật” quen thuộc.
Dù 8-9 giờ nhưng tại công trường, sương mờ vẫn dày đặc, không thể tỏ mặt từng người. Vất vả là thế nhưng anh em đều cố gắng. Mọi người đến từ khắp mọi miền đất nước: Quảng Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum,... nhưng cùng chung mục đích sớm đưa được nguồn điện vào phục vụ để phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Giữa câu chuyện hàng ngày, sống chung, làm chung, anh em không còn quan tâm mình ở đâu, phân biệt như thế nào và sớm trở nên thân thiết như người một nhà.
Còn anh Lưu Văn Vinh đến bây giờ vẫn không sao quên được những ngày “trèo đèo, lội suối” đã qua. Anh chia sẻ: “Sống, làm việc giữa rừng thì anh em ai nấy đều chấp nhận và sẵn sàng đánh đổi, thậm chí cả tính mạng của mình. Khi làm thủy điện này, có vài anh em mãi mãi nằm lại nơi đây. Thủy điện nằm sâu trong núi nên việc gặp người hầu như rất khó, chỉ có anh em làm chung ở đây thôi. Muỗi, vắt, ruồi vàng, rắn độc cộng với sốt rét là những điều đáng ngại. Bên cạnh đó, sạt lở đất, đá cũng đe dọa đến an toàn của con người không kém. Các đơn vị thi công lúc đó cực kỳ khổ. Khi đông nhất có khoảng 300 người trên công trường, anh em chia thành nhiều hạng mục để hoàn thiện việc xây dựng. Đoạn đường đi vòng từ hồ chứa đến nhà máy cách 30km nhưng toàn là đi bộ, còn đến hầm thì dài khoảng 2,3km. Mồ hôi công nhân đổ xuống tưởng tượng có khi thấm hết cả những cánh rừng”.
Mỗi khi nhắc lại ngày cũ, điều mong mỏi nhất của mọi người là có một phòng trưng bày truyền thống tại công ty để lưu giữ kỷ vật về một thời khó khăn nhưng đầy tự hào của những người thợ ngành điện nơi Đông Trường Sơn gian nan.
2. Hiện nay, Nhà máy Thủy điện Đăk Lô hoàn thành và đưa vào vận hành. Toàn bộ lãnh đạo, công nhân làm việc tại đây khoảng 50 người nhưng đa phần là người trẻ. Điểm chung duy nhất của họ khi nhắc đến đều chạnh lòng là gia đình, vì ai nấy cũng đều xa nhà.
Một số anh em vì không chịu được cảnh “Ngưu Lang - Chức Nữ” nên làm một thời gian thì xin nghỉ để về sống cạnh vợ con. Một số khác vẫn bám trụ vì cuộc sống mưu sinh hay đúng hơn là vì cố gắng để lo cho gia đình. Duy nhất cặp đôi Nguyễn Trọng Thanh - Phạm Thị Hà (quê Hà Tĩnh) là may mắn hơn đồng nghiệp của mình. Đơn giản là họ lên đây làm, quen nhau, kết duyên và quyết tâm ở lại đây để lập nghiệp.
Tạo ra nguồn điện là cả một quá trình mà ở đó, những công nhân phải luôn cố gắng, kiên trì
Trong số người trẻ ấy, phải kể đến kỹ sư Trương Viết Thuật (quê Quảng Nam) vừa mới cưới vợ được vài tháng đã phải xa vợ con lên Kon Tum lập nghiệp và đầu quân tại thủy điện Đăk Lô từ năm 2016 đến nay. Thuật là người rất năng nổ và đầy nhiệt huyết nên được mọi người đánh giá cao. Anh chia sẻ: “May mắn là bà xã rất thông cảm và ủng hộ. Trung bình mỗi tháng, tôi về quê thăm gia đình một lần. Mỗi khi nhớ con quá, tôi chỉ biết lên mạng nhìn con cho khuây khỏa và lấy đó làm động lực để làm tốt công việc của mình”.
Còn chàng trai Hà Nội Phạm Xuân Giáp thì bỏ phố lên rừng Trường Sơn đã lâu. Anh để vợ con ở Hà Nội và cứ 3 tháng mới tranh thủ ngày phép về thăm. “Nhiều khi vợ buồn, trách móc, đi ca trực về nhà lủi thủi một mình, cứ yêu cầu tôi chuyển nghề cho gần gia đình và chăm sóc con nhưng tôi cứ lần lựa và tìm cách động viên mãi cô ấy mới… xiêu lòng” - anh Phạm Xuân Giáp tâm sự.
Ngay cả trường hợp Tổng Giám đốc Cao Văn Nhật cũng khiến người ta chạnh lòng. Từng kinh qua nhiều thủy điện tại Tây Nguyên và mỗi lúc lại gần nhà hơn, thế nhưng, công việc ngược xuôi nên số lần về thăm nhà một năm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Anh Nhật quê ở Quảng Nam nhưng hiện gia đình sinh sống tại Đà Nẵng. Mặc dù quãng đường từ Kon Tum về Đà Nẵng không quá xa nhưng anh vẫn phải chịu cảnh nhớ nhà để cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Anh Nhật bộc bạch: “Đời gắn liền với nghề thủy điện thì tôi phải chấp nhận ở núi rừng nhiều hơn đồng bằng. Làm công việc phải đam mê, nếu không dễ bỏ lắm! Tôi may mắn vì được bà xã động viên, ủng hộ. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy có lỗi với vợ con, vì từ ngày lập gia đình đến giờ, tôi ở trên này là chính. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy được an ủi vì có anh em đồng nghiệp chia sẻ, sát cánh cùng nhau, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người”.
“Hiện nay, điều tôi mong mỏi nhất là nhanh chóng hoàn thành khu nhà ở cho công nhân để mọi người có thể đón người nhà (nếu có nhu cầu) lên ở chung, sớm được đoàn viên với gia đình. Như vậy là tôi thấy vui rồi!” - anh Nhật chia sẻ.
Chia tay dải Trường Sơn hùng vĩ, tạm biệt các anh em công nhân Nhà máy Thủy điện Đăk Lô trong một buổi chiều mưa mịt mù, giữa khung cảnh bịn rịn người đi, người ở, lời ca khúc Bản tình ca Măng Đen của nhạc sĩ Ngọc Tường cứ lưu luyến chúng tôi, như từng níu kéo bước chân của những người làm thủy điện giữa đại ngàn này. Họ vẫn ở đó, bám trụ và tiếp tục công việc tạo “ánh sáng văn minh”, góp phần vào sự phát triển của đất nước./.
Nhà máy Thủy điện Đăk Lô có công suất 22MW được xây dựng trên địa bàn 2 xã Ngọc Ten và Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, với mục tiêu khai thác thủy năng trên suối Đăk Lô để phát điện. Từ khi hoàn thành, công trình hòa vào lưới điện quốc gia và chính thức phát điện thương mại 2 tổ máy với sản lượng bình quân 92,08 triệu KWh/năm. |
Châu Sơn