Lắng đọng cùng “Ký ức tháng tư”
“Ký ức tháng tư” là tựa đề một chương trình ca, múa, kịch của sân khấu kịch 4 mùa, biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh nhằm thiết thực chào mừng 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).
Tiết mục “Anh ở đầu sông em cuối sông ” trong chương trình ca, múa, kịch “Ký ức tháng tư”
Mở đầu chương trình là tiết mục song ca Anh ở đầu sông em cuối sông của tác giả Phan Huỳnh Điểu. Tuy chỉ là tiết mục song ca kèm minh họa nhưng đó là cách mở màn khéo léo cho một câu chuyện thời chiến. Má Sáu cùng đứa con gái Út lặn lội từ ấp 1, xã Nhựt Ninh lên chiến trường tìm thăm thằng Ngọ - đứa con trai mà má Sáu hết mực thương yêu trốn nhà theo chủ lực miền.
Dọc đường đi, má Sáu và Út gặp đoàn văn công đang hát bài Anh ở đầu sông em cuối sông và bài Má đừng có lo (tác giả Uy Luân) nên Út nằng nặc đòi má Sáu nán lại xem thêm nhưng thật ra, Út muốn kéo dài thời gian, không muốn má bắt anh Ngọ quay về nhà mà hãy để anh đi bộ đội.
Nhưng cuối cùng, má Sáu cũng tìm gặp Ngọ. Nỗi lòng người mẹ, ý chí đứa con trai thể hiện qua từng lời đối thoại lúc gặp nhau trong đoạn kịch ngắn tựa đề “Đâu có giặc là ta cứ đi” càng tô thêm nét đẹp của tinh thần quyết chiến vì quê hương, đất nước của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Từng tiễn nhiều đứa con đi cách mạng, má đâu sợ sự hy sinh, mất mát nhưng má chỉ sợ “thằng Ngọ coi bò thì bỏ bò... và còn ham chơi” sẽ gây phiền toái cho mấy anh bộ đội nên bắt về.
Nhưng sau vụ việc giả danh mẹ viết giấy cam đoan đi bộ đội với các anh bộ đội chủ lực miền và nhìn những giọt nước mắt của Ngọ khi nghe đồng chí Quân trong tiểu đội đồng ý cho anh trở về nhà 1 năm, má Sáu càng hiểu hơn ý chí “đâu có giặc là ta cứ đi” của con trai nên đồng ý để Ngọ ở lại cùng đồng đội chuẩn bị chiến đấu trong đợt tổng tiến công sắp tới. Và, bài hát Vàm Cỏ Đông kế tiếp đoạn kịch ngắn nói thay sự anh dũng của những người con đất Long An.
Rồi chiến tranh đi qua, đất nước thống nhất vào một ngày tháng tư lịch sử. Quê hương thanh bình mà những đứa con của má đi mãi chẳng về. Phần biến đoạn “Về với má” khiến người xem lắng đọng, nước mắt chợt rơi khi thấy hình ảnh mẹ già bên mâm cơm cúng 3 người con trong ngày giỗ. Thắp lên bàn thờ 3 nén hương, má nói nghẹn ngào: “Hai ơi, Ba ơi, Út ơi về ăn cơm với má”.
Xuyên suốt chương trình ca, múa, kịch, đây là đoạn để lại nhiều cảm xúc qua từng lời thoại nhân vật. Thằng Hai thì nói rằng: “Con đi mang theo chiếc lược mù u của má để nhớ má, con lấy ra chải. Con đi, không ai gánh nước cho má tắm”.
Con Ba giọng nức nở: “Từ nay con không còn được nấu những bữa cơm cho má nữa rồi!”.
Còn thằng Út cũng nghẹn ngào: “Chắc má hay đau nhức chân, khó ngủ, không có Út ở nhà, ai bóp chân cho má”... Nghe giọng nói 3 đứa con vọng về, lòng người mẹ càng quặn đau.
“Hòa bình rồi, má thèm nghe giọng nói, tiếng cười của các con ở sân sau, trước nhà, trong chái bếp và nhất là trong mâm cơm”... nhưng các con của má mãi mãi không về vì chiến tranh. Má mãn nguyện và tự hào vì các con của má có đi đâu cũng giữ trọn tấm lòng với quê hương. Các con sống mãi trong lòng má, sống mãi cùng “Ký ức tháng tư”.
Biến đoạn “Về với má” trong chương trình ca, múa, kịch “Ký ức tháng tư”
Khơi gợi niềm tự hào
Không chỉ mang lại chương trình ca, múa, kịch lắng đọng, nhiều cung bậc cảm xúc mà “Ký ức tháng tư” còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc về một thời máu và hoa như lời một số khán giả trẻ chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Lý, 86 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tân An, “Ký ức tháng tư” nhắc nhớ về một thời khắc lịch sử hào hùng mà bà từng chứng kiến và trải qua. Đó là thời chiến tranh ác liệt nhưng quân ta vẫn anh dũng, chiến đấu và hy sinh để ngày nay có nền độc lập.
Có thể nói, một chương trình với nhiều thể loại đan xen nhưng được sắp xếp logic, tái hiện những năm kháng chiến kiên cường của quân và dân Long An.
Bất chấp mọi thủ đoạn tàn bạo, quân và dân Long An vẫn bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết giữ từng “tấm lưới, cây dầm, từng mảnh vườn, thửa ruộng”, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất nước nhà. Và những ký ức hào hùng, thấm đẫm niềm tự hào dân tộc về Đại thắng mùa Xuân cách đây 42 năm lại trỗi dậy. Ngày ấy, vỡ òa trong niềm vui thống nhất là những giọt nước mắt sung sướng và cả những giọt nước mắt đau xót vì sự hy sinh, mất mát mà “Ký ức tháng tư” tái hiện trọn vẹn.
Qua chương trình, những người của thế hệ hôm nay càng hiểu rằng, biết bao người vĩnh viễn nằm xuống, biết bao bà mẹ âm thầm chịu đựng nỗi đau để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Tháng tư lại về và “Ký ức tháng tư” vẫn còn đọng mãi. Để rồi, lòng mỗi người dâng lên niềm tự hào, tưởng nhớ về thế hệ đi trước - những người làm nên lịch sử hào hùng của một thời máu và hoa./.
Thùy Hương