Tiếng Việt | English

03/08/2017 - 14:13

Làm giấy khai sinh- mỗi nơi mỗi khác?!

Theo quy định, UBND cấp xã là nơi thực hiện việc đăng ký khai sinh lần đầu. Luật Hộ tịch, các quy định, hướng dẫn việc khai sinh cho trẻ được Trung ương ban hành và thống nhất thực hiện trong cả nước. Tuy nhiên, ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh Long An, cán bộ lại hướng dẫn thủ tục khác nhau.

Từ câu chuyện ở phường 2

Gần đây, đường dây nóng Báo Long An nhận được khiếu nại của ông Phạm Văn Nở, ngụ phường 4, TP.Tân An về việc cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường 2 “làm khó” khi ông đi làm giấy khai sinh cho cháu nội.

Theo trình bày của ông Nở, khoảng tháng 4/2017, ông đến UBND phường 2 làm khai sinh cho cháu nội là con của anh Phạm Văn Khanh (Hộ khẩu thường trú (HKTT) phường 2). Do anh Khanh và vợ đi làm tại TP.HCM không có thời gian về quê làm giấy khai sinh cho con nên ông Nở đi thay con trai.

Ông Nở cho rằng với thông tin trong sổ hộ khẩu của anh Khanh hoàn toàn có thể chứng minh được chỗ ở hiện tại cũng như mối quan hệ giữ ông và anh Khanh mà không cần tới sổ hộ khẩu hiện tại của ông

Đến UBND phường 2, ông điền vào tờ khai và nộp hồ sơ gồm: Các tờ khai do cán bộ cấp, chứng minh nhân dân (CMND) mẹ và cha ruột của bé, sổ hộ khẩu của cha, mẹ ruột bé, CMND của ông, giấy chứng sinh và được hẹn sẽ liên hệ lại sau. 3 ngày sau, ông nhận được phản hồi từ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường 2 rằng, ông phải bổ sung sổ hộ khẩu của mình, vì HKTT của ông tại phường 4.

Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Nở để lạc sổ hộ khẩu nên không thể xuất trình theo yêu cầu. Trong khi đó, ông Nở xác định, trong sổ hộ khẩu của anh Khanh có thể hiện rõ mối quan hệ của ông và anh Khanh là cha và con ruột, cũng như HKTT mới của ông (do người tách khẩu là ông Nở).

Vì vậy, anh Phạm Văn Khanh, con ông Nở, phải xin nghỉ phép, đến UBND phường 2 trực tiếp làm khai sinh cho con theo yêu cầu của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường 2. Sau khi nộp hồ sơ, anh Khanh trở lại TP.HCM làm việc.

Lúc này, ông Nở lại nhận được thông tin là tờ khai do anh Khanh làm tại UBND phường 2 còn thiếu thông tin chi tiết nên yêu cầu anh trực tiếp đến UBND phường để thay đổi, đồng thời nhận giấy khai sinh. Anh Khanh lại phải sắp xếp công việc từ TP.HCM về TP.Tân An nhận giấy khai sinh.

Cũng theo ông Nở, từ khi ông liên hệ UBND phường để làm khai sinh cho cháu đến khi nhận được khai sinh gần 2 tháng. Ông nói: “Nếu làm đúng theo quy định của pháp luật thì tôi không có gì thắc mắc. Chỉ là tôi cảm thấy cán bộ địa phương không hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho chúng tôi, để gia đình tôi phải mất nhiều thời gian, công sức đi lại, trong khi thủ tục làm khai sinh hoàn toàn có thể xử lý trong ngày”.

Mỗi nơi mỗi khác!

Để kiểm chứng những thông tin của ông Nở, chúng tôi đến UBND phường 2 hỏi thủ tục làm khai sinh cho cháu có cha mẹ ruột có HKTT tại phường 2 nhưng đi làm xa và ông bà không ở cùng hộ khẩu với cha mẹ ruột cháu.

Chúng tôi được cán bộ Tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn rất chi tiết những giấy tờ cần mang theo: Giấy chứng sinh, CMND, HKTT của cha mẹ ruột trẻ, giấy đăng ký kết hôn, CMND và HKTT của ông nội hoặc bà nội người trực tiếp đi làm khai sinh (ngoài ra không ai khác được đi thay), kèm theo đó là mẫu tờ khai và giấy ủy quyền do UBND phường cấp kèm lưu ý, người nào đi làm giấy khai sinh người đó phải đến nhận giấy.

Đó cũng là lời khuyên của cán bộ Tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường 3, TP.Tân An khi chúng tôi liên hệ hỏi thủ tục làm khai sinh. Tại đây, các cán bộ hướng dẫn chúng tôi chỉ có cha mẹ ruột của bé mới có thể đến làm khai sinh. Giấy tờ mang theo gồm: CMND, HKTT và giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng sinh. Sau 1 ngày nộp hồ sơ sẽ có khai sinh. Các trường hợp ông bà nội, ngoại hay người thân khác muốn làm thay phải có giấy ủy quyền của cha, mẹ ruột bé ký và chứng thực chữ ký tại UBND phường mới có giá trị pháp lý!

Một cán bộ đề xuất: “Em cứ hoàn tất thủ tục, đưa chị dâu ký tên rồi em đến nộp hồ sơ. Khi nào chị dâu em khỏe mạnh thì trực tiếp ra đây lấy cũng được”. Chúng tôi cũng được cán bộ tiếp nhận và trả kết quả cho biết, tại đây, các cán bộ có thể hỗ trợ làm cả đăng ký HKTT và bảo hiểm y tế cho bé. Thời gian trả kết quả cho 2 thủ tục trên là 10 ngày sau khi nộp hồ sơ.

Chúng tôi ra về với mẫu tờ khai đăng ký khai sinh, tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.  Cũng cùng nội dung trên, chúng tôi đến hỏi tại UBND xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành thì nhận được câu trả lời cha mẹ bé có thể ủy quyền không cần chứng thực chữ ký cho ông bà nội hoặc ngoại, tất cả các trường hợp còn lại đều cần chứng thực chữ ký tại UBND xã, đồng thời ông, bà cháu bé cần cầm theo HKTT trong trường hợp không cùng HKTT với ba mẹ bé.

Trong khi đó, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tại UBND xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc hướng dẫn ngoài ông, bà của bé thì trường hợp anh, chị, em ruột của cha, mẹ bé đi khai sinh cho bé thì giấy ủy quyền cũng không cần chứng thực chữ ký, chỉ cần người đi khai có đủ giấy tờ chứng minh được quan hệ thân thích (ví dụ như HKTT có tên). Thời gian giải quyết là trong ngày, nhận hôm nay thì ngày mai trả hồ sơ.

Để hiểu rõ thêm về vấn đề, chúng tôi liên hệ Sở Tư pháp, Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp - Trần Thị Hồng Nhung khẳng định, tất cả thủ tục được hướng dẫn cụ thể tại website của sở theo địa chỉ: https://stp.longan.gov.vn. Theo hướng dẫn của chị Nhung, chúng tôi tìm thấy “Bộ Thủ tục hành chính cấp xã” trong mục “Dịch vụ công trực tuyến - Bộ thủ tục hành chính”. Tại đó, có hướng dẫn cụ thể nhiều lĩnh vực khác nhau: Hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi,…

Riêng đối với hướng dẫn làm giấy khai sinh thì cần xuất trình giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), CMND, giấy tờ chứng minh nơi cư trú, đồng thời, nộp tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu) và bản chính giấy chứng sinh. Thời hạn giải quyết là trong ngày và người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần chứng thực chữ ký mà chỉ cần có giấy tờ chứng minh mối quan hệ.

Lượt trích hướng dẫn thủ tục làm giấy khai sinh trên website của Sở Tư pháp:
- Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ bao gồm:
* Giấy tờ phải xuất trình: 
+ Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có).
+ Hộ chiếu hoặc CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con.
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc). 
* Giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu).
+ Bản chính giấy chứng sinh; trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; 
b) Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
- Thời hạn giải quyết: Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: 
+ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông hoặc bà hoặc người thân khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em.
+ Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ với người ủy quyền./.
 

Phương Phương

Chia sẻ bài viết