Tiếng Việt | English

21/10/2021 - 14:18

Làm mới cổ tích

Những Tấm Cám, Thánh Gióng, Chú Cuội... không còn lạ với tuổi thơ nhiều thế hệ, nay được kể lại tươi mới qua hình thức hoạt hình 3D, nghệ thuật rối bóng hay hàng trăm tập phim truyền hình,…

Kho tàng cổ tích “sống lại” tươi mới

Từ kho tàng cổ tích Việt Nam, lần đầu tiên Tấm Cám, Sọ dừa, Cóc kiện trời, Mai An Tiêm, Cá chép hóa rồng, Thánh Gióng,... được chuyển thể thành hoạt hình 3D sống động, mới mẻ cùng những bài học nhẹ nhàng, dễ thấm.

Dự án gồm 162 tập với 29 bộ cổ tích Việt Nam (Công ty Vietfilm sản xuất, nhóm biên kịch Hạnh Ngộ viết kịch bản, đạo diễn - họa sĩ Trần Văn Kiệm) đang được phát trên kênh THVL1 vào tối thứ hai, ba, tư hằng tuần.

Hiện ngoài việc khán giả đón đợi hằng tuần xem các bộ mới trên sóng truyền hình, lượt xem trên YouTube của các bộ cổ tích hoạt hình 3D này cũng tăng cao cùng lượng bình luận rất lớn đề nghị làm tiếp, như bộ Tấm Cám trên 15 triệu lượt xem, Cậu bé thông minh: hơn 1 triệu, bộ Sơn Tinh Thủy Tinh: 897.000, bộ Ăn khế trả vàng: 675.000,…

Đại diện Vietfilm cho biết công ty đang sản xuất phần 2 với những bộ có yếu tố kịch tính hơn như: Trương Chi Mỵ Nương, Ngưu lang Chức nữ, Sự tích trầu cau,...

Cảnh trong phim Gái khôn được chồng

P.N.F

Sau series Cậu bé nước Nam (60 tập), Hai chàng hảo hớn (60 tập), chuỗi phim tiếp theo của đạo diễn Quách Khoa Nam thuộc dự án Cổ tích Việt Nam do Đài truyền hình Vĩnh Long cùng Phương Nam Phim thực hiện, đang phát sóng là Gái khôn được chồng (60 tập) và dự kiến bấm máy vào cuối năm nay là Vua dế. 

Gái khôn được chồng là câu chuyện cổ tích dành cho mọi lứa tuổi, kể về hành trình “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” của hai nhân vật chính là Nữ (Jolie Phương Trinh đóng) và Khờ (Huỳnh Đông thủ vai).

Theo đạo diễn Quách Khoa Nam, với chuỗi cổ tích này, anh và biên kịch Hoài Hương như một cặp bạn đồng hành vì từ khi lên ý tưởng phim đã cùng trao đổi liên tục, sao cho mỗi câu chuyện đều có một màu sắc riêng biệt và phải ra đúng chất cổ tích Việt Nam mà Phương Nam Phim đã tạo dựng từ những năm 1990 đến nay.

Phim hoạt hình 3D Thánh Gióng

VIETFILM

Và một dự án cổ tích Việt Nam với hình thức đặc biệt hơn là rối bóng, được thực hiện bởi họa sĩ Trí Đức. Sau thành công của vở Sự tích con muỗi (dàn dựng cho Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), anh đã ra mắt tác phẩm rối bóng Chú Cuội cung trăng (được phát trên YouTube) và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện những câu chuyện khác. Anh cho biết thời gian qua đã có nhiều trường học và trung tâm thiếu nhi xin phép để trình chiếu Chú Cuội cung trăng.

Để cổ mà không cũ

Theo biên kịch Hạnh Ngộ: “Truyện cổ tích là chất liệu quý giá trong kho tàng văn học dân gian của nhân loại. Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, “làm mới” cổ tích không phải là việc mới. Các hãng phim nước ngoài đã làm, dựa vào cổ tích để phát triển câu chuyện phim sao cho hấp dẫn và lan tỏa ý nghĩa nhân văn của câu chuyện”.

Song “Vì là một trong những dự án đầu tiên khai thác về cổ tích Việt Nam dạnghoạt hình 3D nên gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn về chuyên môn, nguồn kịch bản tuy có sẵn nhưng để làm mới mẻ, tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn, nhóm biên kịch cũng đã dành rất nhiều thời gian trao đổi, gia cố”, ông Vũ Phong, Giám đốc Vietfilm, chia sẻ.

Phim hoạt hình 3D Cá chép hóa rồng

Cụ thể, như biên kịch Hạnh Ngộ cho biết trong 29 bộ cổ tích đã thực hiện, chỉ có 2 bộ Thạch Sanh, Thánh Gióng là ít hư cấu nhất, bởi tình tiết, cốt truyện đã quá chặt chẽ, không thêm bớt gì vào được. Còn những bộ như Người hóa khỉ, Cậu bé Tích Chu hay Sơn Tinh Thủy Tinh thì cần phải hư cấu và thêm nhiều tình tiết hấp dẫn, phù hợp với thể loại hoạt hình và lứa tuổi các em (3 - 13 tuổi).

Theo chị, các chi tiết phải thêm vì câu chuyện cổ tích vốn chỉ kể nguyên nhân (gieo hạt) và kết quả (gặt quả) mà không có quá trình đạt được kết quả đó, hoặc quá trình chỉ kể bằng vài câu (trải qua nhiều hiểm nguy, sóng gió,...). Nên khi biên kịch phải thêm hành trình hoàn thành của nhân vật, thêm những chi tiết thể hiện cá tính nhân vật để khán giả nhỏ tuổi yêu thích nhân vật đó trước khi vào hành trình (hồi 2).

Cấu trúc 3 hồi của điện ảnh hoặc cấu trúc “save the cat” (đại ý: khiến một nhân vật trở nên dễ mến đối với khán giả bằng cách để nhân vật ấy thực hiện một hành động đáng ngưỡng mộ, ca ngợi) cũng được áp dụng vào quá trình chuyển thể này.

Họa sĩ Trí Đức thực hiện vở rối bóng Chú Cuội cung trăng

NVCC

Với các chuỗi Cổ tích Việt Nam của đạo diễn Quách Khoa Nam, anh cho rằng điểm mới, cũng là quan trọng nhất khi làm lại thành phim truyền hình, là mỗi series đều được anh và biên kịch xâu chuỗi khéo léo các câu chuyện/nhân vật cổ tích lại với nhau theo cùng chủ đề, qua đó làm nổi bật thông điệp về tình huynh đệ (Hai chàng hảo hớn), tình vợ chồng (Gái khôn được chồng) hay lòng yêu nước (Cậu bé nước Nam),...

Thêm nữa, bối cảnh cũng là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của phim cổ tích. Vì thế ê kíp làm phim rất vất vả và kỳ công trong việc tìm bối cảnh - quay ở những nơi còn hoang sơ.

Hay khi kể chuyện cổ tích bằng thể loại múa rối, họa sĩ Trí Đức cho rằng anh thể nghiệm hình thức mới lạ, sáng tạo, sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ nhằm khai thác những động tác ngộ nghĩnh lẫn tạo hiệu ứng của nhân vật để khiến trẻ em (vốn tiếp xúc với nhiều loại hình giải trí hiện đại) phải ngạc nhiên, thích thú khi xem tại rạp.

Với anh, mỗi chuyện cổ tích bản thân nó có thông điệp giá trị, mang hồn cốt, bản sắc của dân tộc. Qua thời gian, người làm công việc sáng tạo có thể làm mới với nhiều hình thức khác nhau, sao cho phù hợp với thị hiếu người xem mà họ hướng đến./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết