Thiết thực, sáng tạo
Thời gian qua, các mô hình DVK sát với thực tiễn được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai rộng khắp. Từ đó, huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện các công trình phúc lợi, chương trình an sinh xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác giảm nghèo bền vững,...
Tiêu biểu phải kể đến mô hình Cùng biết, cùng thực hiện do Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua DVK huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chủ trì triển khai. Mô hình được các cơ quan hành chính nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện giai đoạn năm 2022-2025 và đề nghị tỉnh nhân rộng năm 2023.
Với nội dung “cùng biết” thì chỉ tiêu là phải có 100% cán bộ, công chức, viên chức và 80% người dân biết Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 về các chỉ tiêu thực hiện “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức, người dân cùng biết về chủ trương, NQ, các chương trình, nhiệm vụ phát triển KT-XH được triển khai tại địa phương. Từ đó, người dân tích cực đóng góp ý kiến, tham gia thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Với nội dung “cùng thực hiện”, các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI gắn với nhiệm vụ chính trị được giao.
Hoạt động quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính ở các địa phương trên địa bàn huyện Tân Hưng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua DVK huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Chi đánh giá: “Mô hình tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI. Thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính, nhất là thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính. Các chương trình, chính sách liên quan đến người dân được công khai, minh mạch nên tạo sự đồng thuận cao.
Trong quá trình tuyên truyền, vận động, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền”.
Gắn kết tình quân - dân
Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Thạnh Hóa tích cực xây dựng các mô hình DVK gắn với hoạt động giúp nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế; phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân - dân.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Hóa làm tốt công tác phối hợp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa quân - dân cho người dân
Trung tá Lê Phước Trong - Chính trị viên Ban CHQS huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Những năm qua, phong trào thi đua DVK, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” luôn được Ban CHQS huyện xem là nhiệm vụ then chốt. Đây cũng là nội dung trọng tâm xây dựng hệ thống chính trị gắn với quốc phòng toàn dân, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện”.
Mô hình Em nuôi của Đoàn được Đoàn cơ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Hóa triển khai hiệu quả
Nhiều mô hình DVK được đơn vị triển khai tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Điển hình như mô hình Em nuôi của Đoàn. Ban CHQS huyện giao Đoàn cơ sở trích quỹ hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng và thường xuyên đến thăm, tặng quà cho em Lê Hoàng Anh Tuấn (ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Phước) bị mồ côi mẹ do Covid-19 từ tháng 11/2021 đến nay. Hay mô hình Chốt dân quân gắn kết cùng hộ dân biên giới được triển khai từ đầu năm 2024.
Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, Chốt dân quân thường trực ấp 61, xã Thuận Bình và Chốt dân quân thường trực ấp 3, xã Tân Hiệp còn phối hợp lực lượng chức năng tổ chức họp dân mỗi tháng 1 lần để nắm chắc tình hình, kịp thời thông tin những vấn đề liên quan biên giới.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, lực lượng dân quân cùng cán bộ, chiến sĩ tích cực góp sức xây dựng địa phương, làm tốt công tác dân vận, giúp dân. Đặc biệt, năm 2023, Ban CHQS huyện Thạnh Hóa phối hợp vận động hỗ trợ xây dựng được 9 căn nhà tình nghĩa quân - dân cho đồng bào tôn giáo; cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên; người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn trị giá từ 60-80 triệu đồng. Năm 2024, đơn vị phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện dự kiến vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa quân - dân. Thông qua các hoạt động không những góp phần thắt chặt tình quân - dân, tạo hình ảnh đẹp của người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân mà còn từng bước củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh ở cơ sở.
Sát thực tiễn
Xác định “DVK thì việc gì cũng thành công”, khối Vận xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa triển khai nhiều mô hình DVK sát thực tiễn và gắn với lợi ích của người dân. Trong đó, mô hình Tuyến đường không rác và Câu lạc bộ Pháp luật là 2 mô hình tiêu biểu, được người dân đồng thuận cao.
UBMTTQ Việt Nam xã Bình Thạnh chủ trì thực hiện hiệu quả mô hình Tuyến đường không rác
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Thạnh - Trần Thị Ngọc Điệp thông tin: “Mô hình Tuyến đường không rác do UBMTTQ Việt Nam xã chủ trì thực hiện từ năm 2022 đến nay. Mô hình chuẩn bị được nhân rộng tại các ấp khác trên địa bàn. Ngoài thường xuyên tổ chức ra quân thu gom rác, dọn cỏ 2 bên tuyến đường, UBMTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội còn tuyên truyền, vận động người dân cam kết đăng ký thu gom, xử lý rác đúng theo quy định; không buôn bán lấn chiếm lề đường. Qua thực hiện mô hình đã tạo được nếp sống văn minh trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, góp phần tạo cảnh quan môi trường thêm xanh, sạch, đẹp”.
Nhằm giúp người dân am hiểu chính sách, quy định pháp luật, UBND xã và Hội Liêp hiệp Phụ nữ (PN) chọn ấp Bình Lương 1 làm điểm thành lập và triển khai mô hình Câu lạc bộ Pháp luật từ đầu năm 2023. Năm 2024, mô hình được nhân rộng ở các cấp còn lại trên địa bàn.
Thành viên Câu lạc bộ Pháp luật (bên phải) tư vấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ
Chị Đặng Thị Kim Hồng - thành viên Câu lạc bộ Pháp luật, chia sẻ: “Ngoài tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, PN thông qua hệ thống loa phát thanh, chúng tôi thường tư vấn, tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, hội nghị, các cuộc họp chi, tổ hội và họp dân.
Ngoài ra, việc hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 cũng được lồng ghép thực hiện, giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch hành chính”.
Các mô hình DVK sáng tạo, phù hợp thực tiễn được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Thời gian tới, cùng với duy trì, phát triển bền vững các mô hình, điển hình DVK hiệu quả, cấp ủy Đảng các cấp tập trung lãnh đạo nhân rộng mô hình có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng mô hình mới, tạo sự đồng thuận, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.
|
Việc xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình Dân vận khéo được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đức Hòa triển khai đồng bộ với nhiều cách làm hay, sát thực tiễn, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong nhân dân.
|
Ngọc Mận