Tiếng Việt | English

23/01/2020 - 16:35

Long An - Vùng đất lịch sử

Long An không chỉ mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của miền Tây Nam bộ mà còn là vùng đất lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của ông cha ta.

 1. Những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp theo đoàn Về nguồn thăm Khu di tích Căn cứ Xứ ủy - Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ (ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh). Đây là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử (DTLS) cấp Quốc gia vào năm 2007. 

Đoàn tham quan Khu di tích Căn cứ Xứ ủy - Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ

Khuôn viên khu căn cứ là khoảng không gian thoáng đãng, rộng 3ha, với các công trình: Nơi ở của các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Trà; Văn phòng Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, Nhà in Nam bộ và Phòng bào chế y dược. Tất cả đều được phục dựng từ các vật liệu sẵn có tại địa phương như đất sét, rơm, tre, đưng, bàng,... Những vật liệu này có khả năng chịu đựng được các loại pháo kích của địch. Khu di tích còn có khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én, nhà truyền thống, nhà trưng bày,... Xung quanh DTLS là những vườn hoa tươi tốt được người dân chung tay chăm sóc.

Qua lời kể của cháu nội ông Nguyễn Văn Siêu, chúng tôi được ôn lại những sự kiện trọng đại của lịch sử gắn liền với DTLS: Nơi diễn ra Đại hội đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, nơi Đài Phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên, nơi trình chiếu bộ phim tài liệu về cách mạng điện ảnh đầu tiên của nước nhà,... cùng biết bao trận đánh nổi tiếng làm “kinh hồn, khiếp vía” bọn thực dân xâm lược. Nơi đây cũng gắn liền những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307, 309, Trung đoàn 120, 105 anh hùng,... 

2. Rời DTLS Căn cứ Xứ ủy - Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình về thăm DTLS Cách mạng tỉnh (hay còn gọi là DTLS Bình Thành, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ). Khi tìm thông tin về di tích, có rất nhiều bài viết giới thiệu, tất cả đều khẳng định DTLS Bình Thành là căn cứ của lòng dân, nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động của Tỉnh ủy Long An. 

Di tích lịch sử Bình Thành là một trong những địa chỉ đỏ trong hành trình Về nguồn của các thế hệ hôm nay và mai sau

Đón đoàn là thuyết minh viên Lê Văn An. Chàng trai trẻ này cho biết: “Tôi về đây công tác gần 5 năm. Ban đầu, tôi nghĩ chắc mình sẽ không gắn bó lâu bởi lương thấp, cuộc sống khó khăn, công việc rất vất vả, thế nhưng càng gắn bó, tôi càng hiểu thêm về những giá trị truyền thống và mong muốn được tiếp tục công việc này”.

Ngày nay, DTLS Bình Thành hầu như không còn những công trình kiến trúc cụ thể. Trước thực trạng trên, Long An đầu tư gần 183 tỉ đồng xây dựng các hạng mục chính: Phục hồi, phục dựng, bảo tồn nguyên trạng các di tích gốc của căn cứ, cơ quan làm việc,... xây dựng các công trình tưởng niệm, công viên, cảnh quan và các hạng mục hạ tầng khác; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên ngày xưa để tái hiện, giúp khách tham quan có thể hình dung phần nào cảnh quan, hình ảnh của vùng căn cứ.

Về căn cứ Bình Thành hôm nay, không còn tiếng đạn bom, khói lửa chiến tranh, thay vào đó là không gian yên ả, thanh bình với hàng trúc xanh rì phủ lối đi, chỉ có tiếng chim ríu rít đón chân người đến. Đây chính là nơi hội tụ những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất. Đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Đảng bộ và nhân dân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Viếng lăng Nguyễn Huỳnh Đức

 3. Ngược về TP.Tân An, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm Khu di tích Nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (phường Khánh Hậu). Đây là điểm đến cuối cuộc hành trình Về nguồn tại các DTLS trong những ngày xuân đến, tết về. Tại đây, các thành viên trong đoàn được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc lăng mộ đầu đời Nguyễn và những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Ngoài ra, chúng tôi còn biết đến cuộc đời và sự nghiệp của một “Hổ tướng” lừng danh đất Bà Giồng, được nhân dân tôn thờ như một vị tiền hiền. Với ý nghĩa đó, năm 1993, lăng Nguyễn Huỳnh Đức được công nhận là DTLS, văn hóa.

Hiện lăng mộ được dòng tộc gìn giữ và bảo vệ. Phát huy truyền thống gia đình, dòng tộc, hậu duệ Nguyễn Huỳnh Đức có rất nhiều người thành đạt, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Kết thúc chuyến hành trình sau một ngày ngược dòng lịch sử, đoàn chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về quá trình hoạt động của cách mạng và những chiến công vẻ vang của ông cha ta. Qua đó, giúp các thế hệ hôm nay biết trân trọng giá trị của cuộc sống./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết