Tiếng Việt | English

20/04/2020 - 19:51

Luật phải chặn được lao động “chui”, đem con bỏ chợ ở nước ngoài

“Luật phải quy định các điều kiện chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, bỏ rơi người lao động”.

Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), chiều 20/4.

Ngoài thu nhập còn là hình ảnh đất nước

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB &XH Đào Ngọc Dung, kể từ khi có Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hiệu lực từ 1/7/2007), số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc.

Số người đi lao động đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, các loại phí đều công khai, loại gì thu thêm hay không thu đều ký kết giữa 2 quốc gia, tuy nhiên thực tế có tình trạng “bên ngoài” thu đúng nhưng đằng sau có hợp đồng ngấm ngầm. Tình trạng công ty "ma", trá hình là có và vừa qua xử lý nhiều trường hợp.

Liên quan vấn đề lao động ở lại nước sở tại sau khi hết hợp đồng, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, không chỉ có phần trách nhiệm ở phía người lao động mà còn có cả trách nhiệm của công ty đối tác, họ tìm cách giữ người để sử dụng. Với việc thực hiện quyết liệt, riêng với thị trường Hàn Quốc, sau 3 năm thì tỷ lệ lao động ở lại sau khi hết hợp đồng từ 56% giảm xuống còn 24%, thuộc dạng thấp so với các nước


Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Đồng ý với sự cần thiết phải sửa luật vì sau hơn 12 năm với sự phát triển của xã hội, nhiều luật liên quan được sửa đổi và hội nhập quốc tế sâu rộng, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần quan tâm đến ngành nghề, dần dần chuyển sang lĩnh vực lao động có giá trị gia tăng cao hơn chứ không chỉ lao động phổ thông thuần tuý, giản đơn. Muốn thế cần quan tâm hơn vấn đề đào tạo và thực tế tổ chức thực hiện chưa tốt dù quy định đã có.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị quan tâm bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng như khi họ quay về.

Tán thành với sự cần thiết phải sửa cơ bản, toàn diện luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giai đoạn này phải có cách nhìn khác so với trước đây khi đất nước đã mở cửa, thời đại hiện đại hoá, cách mạng công nghiệp 4.0. Lâu nay ta chủ yếu đưa lao động chưa qua đào tạo, giản đơn, thu nhập thấp và ở lĩnh vực mà lao động nhiều nước không muốn làm.

Phát hiện và xử lý vi phạm chưa kịp thời

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải phân biệt việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo luật và loại đưa người lao động trái phép, đi du lịch, thăm thân rồi ở lại. Chúng ta cần nhìn nhận đưa lao động ra nước ngoài là tạo việc làm, giải quyết được thu nhập, nhiều người có cuộc sống khá hơn nhưng bên cạnh đó cũng có trường hợp thương tâm, “đem con bỏ chợ”.

Luật phải cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Song song với đó là các điều kiện chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh luật phải khắc phục, xử lý được bất cập, hạn chế của luật hiện tại cũng như việc tổ chức thực hiện luật. Nhiều sai phạm cho thấy tổ chức thực hiện không tốt, lợi dụng rất nhiều, người lao động bị lừa gạt, lợi dụng, chèn ép. Người lao động ở nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập mà còn liên quan đến hình ảnh, danh dự đất nước.

Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh bày tỏ băn khoăn khi thời gian vừa qua, hành vi lợi dụng chính sách này quá nhiều nhưng phát hiện và xử lý không kịp thời, không nghiêm. Vậy luật này có lỗ hổng gì không? Có ý kiến nói khâu tổ chức thực hiện không tốt nhưng cũng có có ý kiến cho rằng luật phải chặt chẽ hơn.

“Thành tựu đạt được thì lớn rồi, nhưng việc lợi dụng làm mất hình ảnh, làm khổ người dân không phải ít. Cần nghiên cứu thắt chặt, đồng bộ hơn, không đơn thuần về thủ tục mà làm thế nào tổ chức, cá nhân không lợi dụng được để làm ăn phi pháp” – ông Võ Trọng Việt đặt vấn đề./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết