Từ sau dịch Covid-19, chị Nhi nghỉ làm công nhân may tại Công ty TNHH Tainan Enterprises (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) và về quê. Vừa phải gồng gánh kinh tế gia đình, vừa lo cho các con nhỏ và cha già, chị quyết định khởi nghiệp với công việc may gia công.
Chị Nhi tâm sự: “Ban đầu, tôi làm nhiều công việc như tách vỏ hạt điều, may giày,... nhưng thu nhập không ổn định. Vì vậy, tôi mạnh dạn mua sắm máy may và máy vắt sổ rồi tìm đầu mối nhập hàng về may gia công”.
Chị thành lập tổ may gia công từ giữa năm 2019. Hiện nay, cơ sở của chị có tổng cộng 12 máy với 19 nhân công. Mỗi tháng, tổ hoàn thành khoảng 20 đơn hàng, mỗi đơn tương đương với 1.500-4.000 bộ quần áo.
Tổ may gia công của chị Nguyễn Thị Yến Nhi (ấp 3, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ
Để thành công như hiện tại, chị Nhi cùng mọi người trải qua giai đoạn khó khăn, nhất là khâu tìm đơn vị đặt hàng. Trước tiên, chị tìm các đầu mối qua mạng xã hội, sau đó, đến TP.HCM gặp đối tác để trao đổi, nhận hàng về may gia công.
Hoàn thiện bước đầu, chị lại gặp khó khăn trong việc vận chuyển lượng vải lớn về nhà. Nhờ hỏi thăm nhiều người dân tại đó, chị quen một người chuyên vận chuyển hàng may gia công, qua đó tìm kiếm thêm nhiều đầu mối khác. Với sự kiên trì, quyết tâm không bỏ cuộc, công việc của chị dần ổn định.
Ban đầu, thu nhập của chị chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Số lượng công việc quá lớn khiến chị không thể một mình đảm đương nên quyết định tuyển thêm thợ.
Để tìm kiếm nhân công, chị đăng bài lên mạng xã hội và thông tin đến người thân để nhiều phụ nữ biết đến công việc này và cùng tham gia. Từ đó, tổ may gia công ra đời.
Không chỉ nhận những người có kinh nghiệm, tay nghề cao, chị Nhi còn tuyển thêm các thợ không chuyên, người khuyết tật để giúp mọi người có thu nhập, việc làm ổn định.
“Tôi không muốn bỏ cuộc vì khó khăn. Gia đình còn cần người trụ cột, tôi còn ước mơ thành công hơn trong con đường hiện tại. Những điều này luôn thôi thúc tôi và tôi tin cứ kiên trì thì thành công sẽ đến" - chị Nhi bộc bạch.
Chị Trần Thị Kim Đồng (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng), một trong các thợ may tại xưởng, chia sẻ: "Công việc tại cơ sở may rất thoải mái về mặt thời gian nên tôi có thể cân đối giữa chăm sóc gia đình và công việc".
Với mô hình tổ may gia công, các thợ có mức thu nhập trung bình từ 4,5-8 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi kiểm tra thành phẩm trước khi giao cho khách hàng
Năm 2023, nhờ địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi khoảng 300 triệu đồng, chị Nhi nhập thêm vải. Chị mong muốn có thể tăng mức thu nhập cho các thành viên trong tổ.
Chị Nhi cho biết: “Quy trình của cơ sở là nhận mẫu từ khách hàng, sau đó, tôi sẽ nhập vải về và phân cho thợ thiết kế rập, cắt vải, may thành phẩm. Vì tự cắt, tự may nên thu nhập của thợ sẽ cao hơn. Ngoài ra, tôi dự định mở rộng quy mô xưởng và định hướng phát triển bán quần áo qua mạng xã hội”.
Sau khi nhận hỗ trợ từ chương trình vay vốn, chị Nhi tiếp cận thêm các nguồn hàng qua mạng xã hội. Nhờ đó, chị có thêm kiến thức về nền tảng mới này và mở một kênh chuyên bán thực phẩm như bánh phồng tôm, bột đậu,... Chị còn hướng dẫn các chị em trong xưởng tập livestream bán hàng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Bình - Trần Anh Thư cho biết: "Thời gian qua, cơ sở may của chị Nhi góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Chị còn hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đào tạo nghề cho các hội viên".
Theo chị Nhi, thời gian tới, chị sẽ mở rộng diện tích xưởng sản xuất, mua thêm khoảng 20 máy may và thuê nhiều nhân công để đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau khi xây dựng kênh trên mạng xã hội với lượt theo dõi ổn định, chị sẽ bán thêm nhiều quần áo do xưởng thiết kế để tiếp cận nhiều khách hàng./.
Hoàng Lan - Thi Mỹ