Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (Ảnh minh họa)
Trước những ánh mắt tò mò của những sinh viên năm nhất, thầy viết lên bảng đen một câu thơ sáu chữ. Với giọng xứ Nghệ ấm áp, thầy hỏi: Có anh, chị nào biết câu thơ này của nhà thơ nào không? Im lặng một hồi, thầy bảo câu thơ “Cảo thơm lần giở trước đèn” được rút ra trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, tự Tố Như, sinh năm 1765 tại Hà Tĩnh, mất năm 1820 tại Huế.
Theo thầy, sách hay (cảo thơm) là nguồn tri thức vô tận. Và tri thức là thứ tài sản duy nhất không ai có thể lấy được của mỗi người. Trước khi qua đời, thầy đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Tro tàn và lửa lạnh (Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2019) như một lời trao gửi lại đối với đồng nghiệp, bạn bè và các thế hệ sinh viên được thầy đào tạo.
Hôm nay, ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi mới một phần hiểu được vì sao thầy lại chọn một câu thơ trong Truyện Kiều để khuyên bảo sinh viên về việc đọc sách. Bởi đại thi hào Nguyễn Du tự nhận về “đứa con tinh thần” của mình là những “lời quê”, “chắp nhặt”, “dông dài”, chỉ là để “mua vui”. Nhưng 3.254 câu trong Truyện Kiều của đại thi hào đã thành công vượt bậc hơn cả nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (1521-1593), người Chiết Giang thời nhà Minh.
Đọc 3.254 câu trong Truyện Kiều, chúng ta nhận ra rằng, đại thi hào Nguyễn Du không dịch truyện Kim Vân Kiều của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân từ chữ Hán ra chữ Nôm (bộ chữ tượng hình biểu ý dùng để viết tiếng Việt) mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, mang tư tưởng nhân văn sâu sắc về người phụ nữ Việt Nam. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ của xã hội phong kiến Trung Hoa đã bị đại thi hào Nguyễn Du lên án trong Truyện Kiều. Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sản sinh ra được câu chuyện như thế! Bởi người phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò quan trọng hơn nam giới như “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”… Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) cũng từng nhận định: “Nhân dân ta vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ”. Do đó, nàng Vương Thúy Kiều của Trung Hoa đã được Nguyễn Du “Việt hóa” thành con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu với tư tưởng tiến bộ.
Năm Canh Thìn 1820, trong lời tựa viết cho Truyện Kiều, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, tức tú tài Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880), đã nhận xét: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Bởi thế, sau khi đại thi hào Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều, những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách. Đào Nguyên Phổ (1861-1908), một vị quan nhà Nguyễn, ghi lại rằng: “Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”. Vua Tự Đức (1829-1883) cũng nhận xét tác phẩm này là “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”.
Năm 1965, tức 200 năm sau khi đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đã bật lên xúc cảm: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Cũng trong năm này, nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) đã viết bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, có đoạn: “Tiếng thơ ai động đất trời. Nghe như non nước vọng lời ngàn thu. Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du. Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”. Truyện Kiều cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.
Bởi vậy, lấy Truyện Kiều, một đại danh tác của nước ta để dạy sinh viên, thầy đã khiến chúng tôi cảm nhận được tầm quan trọng của việc đọc sách. “Cảo thơm lần giở” (lần giở từng trang sách hay) chính là cách đọc sách hiệu quả nhất. Nó thể hiện sự cẩn thận, tỉ mỉ trong việc đọc sách nhằm thấu cảm được lượng kiến thức mà tác giả muốn chuyển tải. Chính vì thế, trong bài thơ “Đọc Kiều”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Cảo thơm đặt trước đèn, tôi giở. Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh”.
Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta, là thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Quốc. Vào thời kỳ Pháp thuộc, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) từng nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Tuy nhiên, không phải chữ Nôm như học giả Phạm Quỳnh nhận định mà chính là tiếng nói từ lương tri dân tộc đã tạo nên bản sắc Việt Nam trong hàng ngàn năm, không lẫn lộn vào các nền văn hóa mang tính nô dịch từ phong kiến Trung Quốc hay từ phương Tây thời thực dân tràn đến. Do đó, ngày 25/10/2013, kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, nhất trí vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là “danh nhân văn hóa thế giới”.
Năm 2020, kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta vẫn có quyền khẳng định “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du” dù sinh thời ông đã cảm thán “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?)./.
Nguyễn Văn Toàn