Quyết giữ gìn nền tự do và độc lập
Trước sự tấn công của giặc Pháp, sáng ngày 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ - Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết!...Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...”. Ngày 26/9/1945, 3 ngày sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi vào Nam bức thư, trong đó dẫn lời của một nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”.
Một góc Thư viện Giáo sư Trần Văn Giàu tại Thư viện tỉnh Long An
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, dân, quân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chiến đấu vô cùng anh dũng, giam chân địch trong khu vực nội thành suốt cả tháng trời. Trong khi đó, nhân dân Đức Hòa, Trung Huyện, Cần Giuộc cũng góp phần quan trọng trong việc bao vây, cản chân địch, bảo vệ và phát triển lực lượng của ta ở vùng ngoại ô thành phố.
Cuối tháng 11/1945, cuộc hội nghị Xứ ủy mở rộng đưa ra một số quyết định quan trọng: Giải thể Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam; chia Nam bộ thành 3 quân khu (VII, VIII và IX); phát động chiến tranh du kích rộng khắp, củng cố lực lượng vũ trang, tiến hành diệt tề, trừ gian để hỗ trợ việc xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể cách mạng bí mật trong vùng địch tạm chiếm.
Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, trong giai đoạn này, vùng đất Tân An - Chợ Lớn một lần nữa được vinh dự gánh vác nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa không những cho phong trào cách mạng của tỉnh mà còn cho cả khu, thành phố Sài Gòn và cả Nam bộ.
Những căn cứ địa Đông Thành (gồm các xã: Bình Hòa, Thạnh Lợi, Bình Thành, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quý); căn cứ địa Đức Hòa (gồm 17 xã) với địa thế rất lợi hại khi tiến cũng như khi thoái; căn cứ địa Vườn Thơm (gồm 6 xã trung tâm: Tân Hòa, Tân Nhựt, Tân Bửu, Lương Hòa, Hựu Thạnh Hạ, Đức Hòa Hạ và 9 xã ngoại vi rộng gần 200km2;... giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển phong trào cách mạng, là nơi trú đóng của những cơ quan lãnh đạo, cơ sở hậu cần của huyện, tỉnh, của khu, của thành phố cũng như các cơ quan cấp Nam bộ.
Những hiện vật được trưng bày trong Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam bộ
Đặc biệt hơn cả là chiến khu Đồng Tháp Mười, 1 trong 3 chiến khu lớn của Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Thành lập Bộ Tư lệnh Khu 8, thành lập Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, phát cánh sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Nam bộ,... Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ, cùng với bộ máy lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến từng sống và làm việc ở đây trong nhiều năm tại ngôi nhà của má Tám (Nguyễn Thị Thay) và ông “Hai Độc Lập” (Nguyễn Văn Siêu), nay thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Văn (SN 1949), ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập (cháu nội của ông Nguyễn Văn Siêu), nhớ lại: “Lúc còn sống, ông nội tôi thường kể nhiều chuyện chiến đấu ngày xưa và nhắc nhở con cháu trong nhà không được quên những hy sinh, mất mát của các bậc tiền nhân để giành lại nền độc lập, tự do hôm nay. Ông kể, trong những năm kháng chiến chống Pháp, các vị lãnh đạo của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ sống và làm việc ở đây, ngay trong nhà dân, gần gũi, thân thiết như người nhà vậy. Nhân dân hết lòng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tạo mọi điều kiện để các đồng chí làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thành công”.
Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam bộ vừa được khánh thành ngày 19/8/2017
Ngoài những chiến khu trên, còn có các lõm căn cứ tồn tại suốt cả cuộc kháng chiến ngay trong vùng địch kiểm soát. Ở đây, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích vũ trang vẫn tồn tại trong sự chở che, đùm bọc của nhân dân. Ngoài việc bảo vệ, nuôi dưỡng, chở che các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh, nhân dân Long An còn gánh vác cả nhiệm vụ của một hành lang chiến lược nối liền mạch máu kháng chiến giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ trong suốt cuộc trường chinh của dân tộc và vai trò làm bàn đạp, vị trí hậu cứ của phong trào cách mạng thành phố Sài Gòn.
Kháng chiến toàn dân, toàn diện
Cuối năm 1945, ở 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn đều thành lập Ủy ban Kháng chiến, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích). Lực lượng tiếp tế hậu cần cũng được xây dựng mạnh hơn để đủ sức bảo đảm cho các đơn vị có tiềm lực chiến đấu lâu dài. Các công binh xưởng được mở rộng quy mô sản xuất, sửa chữa vũ khí để cung cấp cho nhu cầu của chiến trường. Đại đội Nông binh quản lý hàng trăm mẫu ruộng lúa, mía, thơm, rau màu. Đại đội Kinh tế tự túc chuyên lo khâu vận chuyển, tiếp tế, khai thác những nguồn hàng thiết yếu, không những thỏa mãn nhu cầu cho lực lượng vũ trang của tỉnh mà còn gánh vác một phần đáng kể cho chiến trường miền Đông.
Một công binh xưởng ở Long An chế tạo vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang đánh Pháp (ảnh chụp năm 1946)
Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng chỉ thị Toàn dân kháng chiến và nêu rõ phương châm kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực”. Đảng bộ Tân An, Đảng bộ Chợ Lớn gấp rút chấn chỉnh lại lực lượng để kháng chiến. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh phát động phong trào “Toàn dân đánh giặc”, xây dựng những xóm, ấp, xã chiến đấu ở những vùng căn cứ, xây dựng địa đạo của xã, liên xã.
Trong đó, địa đạo chiến đấu liên xã Lộc Giang - An Ninh - Tân Mỹ (1950-1951) là đỉnh cao của công tác bố phòng ở căn cứ địa Đức Hòa. Một bộ phận lực lượng vũ trang của tỉnh được tách ra, chia thành những đơn vị nhỏ, luồn sâu sau lưng địch, phát động phong trào du kích chiến tranh, tiêu hao và tiêu diệt địch, phá hoại giao thông, kho tàng của chúng, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng, củng cố cơ sở Đảng và các đoàn thể quần chúng ở hậu địch.
Từ những đơn vị được võ trang với gậy tầm vông, giáo mác cùng một ít súng kíp buổi ban đầu, kỹ thuật, chiến thuật đánh giặc cũng còn rất thô sơ, chỉ có lòng yêu nước là dồi dào, lực lượng vũ trang Long An trưởng thành nhanh chóng. Bộ đội tỉnh, huyện chiến đấu hàng trăm trận, lập nên nhiều chiến công vang dội. Đó là trận Giồng Dinh diệt trên 300 tên địch, bẻ gãy cuộc càn quét đầu tiên của binh chủng nhảy dù trên chiến trường miền Nam; chiến thắng Mộc Hóa lừng lẫy của Tiểu đoàn 307; chiến thắng Láng Le - Bàu Cò phá vỡ cuộc càn quét quy mô của địch đánh vào khu căn cứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; chiến thắng Kênh Bùi diệt hàng trăm tên địch, thu hàng trăm súng, đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch vào Đồng Tháp Mười;...
Dù tuổi cao nhưng ông Phan Văn Nước (SN 1932), ngụ ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, vẫn không thể nào quên không khí phấn khởi khi quân ta đánh thắng trận Giồng Dinh vào tháng 3/1947. Ông Nước cho biết: “Những năm đó, giặc Pháp càn quét khu vực này rất dữ dội, người dân phải chạy sang Ba Thu khiến nơi đây trở thành “vùng trắng”. Vậy mà, chỉ với những vũ khí thô sơ, ít ỏi, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu, làm nên những chiến công oanh liệt, khiến kẻ thù khiếp sợ”.
Bia chiến thắng Giồng Dinh, tại ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ
Trên chiến trường Chợ Lớn - Tân An, những cuộc tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương kết hợp nổi dậy của hàng chục vạn quần chúng buộc nhiều đồn bót giặc hạ vũ khí đầu hàng hoặc rút về co cụm lại ở quanh thành phố Sài Gòn. Hàng chục đồn bót, tháp canh khác của địch bị lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt. Hội tề bị giải tán hàng loạt. Vùng giải phóng mở rộng xã liền xã, huyện liền huyện, tạo thành vùng tự do rộng lớn nối liền các tỉnh từ miền Đông xuống miền Tây. Chính điều này gây tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố Sài Gòn. Nhiều cuộc biểu tình lớn đòi lập lại hào bình ở Đông Dương liên tiếp nổ ra, 352 nhà trí thức Sài gòn đã ký tên vào một bản tuyên ngôn đòi quân đội Pháp ngừng cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, ngày 20/7/1954, tại Giơ-ne-nơ, phái đoàn Chính phủ Pháp buộc phải ký kết với phái đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trong niềm vui chưa thật trọn vẹn, nhân dân Tân An - Chợ Lớn cũng như toàn thể đồng bào miền Nam tiễn đưa con, em của mình xuống tàu tập kết ra Bắc, đồng thời chuẩn bị lực lượng để bước vào một cuộc chiến đấu mới - kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 23/9/1945 đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son không thể phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, ngày mở đầu cho cuộc chiến đấu 30 năm để đi đến thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong suốt chặng đường đó, dân, quân Nam bộ đã sống, chiến đấu vô cùng anh dũng, xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ phong tặng: “Thành đồng Tổ quốc”.
Giáo sư Trần Văn Giàu - người con ưu tú của quê hương Long An, nhà cách mạng, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc, cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Ông sinh năm 1911, trong một gia đình trung lưu ở huyện Châu Thành. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từng nhiều lần “vào tù, ra khám” của chế độ thực dân nhưng ông vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Ghi nhớ những cống hiến của ông, tại Long An, có nhiều công trình được xây dựng, làm nơi giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ: Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành; Thư viện Giáo sư Trần Văn Giàu tại Thư viện tỉnh; Trường THCS Trần Văn Giàu tại xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường;.../. |
An Kỳ