Tiếng Việt | English

19/02/2023 - 09:40

Nét dễ thương của xứ Huế

Khi xa Huế, du khách sẽ có cảm giác nhớ nhung. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng đưa ra 4 nhận xét về du lịch Huế: Độc đáo không nơi nào có được, các nơi khác cũng có nhưng không bằng Huế, đã được quốc tế công nhận và còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị nêu rõ sẽ “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”.

Độc đáo và ấn tượng

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng”. Theo thống kê, Huế chiếm 1.300/1.800 món ăn tại Việt Nam. Bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc nhân tôm, thanh trà, mè xửng, chè hạt sen, ruốc, tôm chua và tré là 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (năm 2012). Đặc biệt, bún bò là 1 trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012.

Huế đang tích cực xây dựng Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, có ít nhất 30-50 món chay ở Huế. Hiện nay, Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế hợp tác với Công ty Cổ phần Đại Nam - Thái Y Viện tiến hành với mục đích hướng đến sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới.

Tà áo dài của những người con gái xứ Huế chính là nguyên nhân say đắm lòng du khách thập phương. Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” cũng đã được tiến hành. Bởi, Huế là nơi ra đời chiếc áo dài quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam. Không những chiếc áo dài đã trở thành trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa, đời sống của xứ Huế mà hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế, của du lịch Huế, quyến rũ biết bao lữ khách dạo qua.

Năm 2020, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp Công ty Cổ phần Ashui Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch tổ chức “Huế, thành phố xe đạp - bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường”. Theo đó, sẽ xây dựng kế hoạch cung cấp một hành lang pháp lý và định hướng chính sách nhằm giúp thành phố Huế xây dựng môi trường an toàn cho việc đi xe đạp. Nếu thành công, Huế sẽ trở thành thành phố xe đạp và sẽ lôi kéo nhiều hơn những du khách ưa thích loại hình khám phá này.

Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những du khách nước ngoài thường chọn xe đạp để tham quan nội thành Huế và các vùng phụ cận. Cái thú của việc đi xe đạp lòng vòng quanh Huế là chỉ cần một tấm bản đồ song ngữ, du khách có thể hỏi đường và tìm đến bất cứ địa điểm nào và dừng bất cứ nơi nào tùy ý để ngắm cảnh, chụp ảnh kỷ niệm cũng như thưởng thức những món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng của Huế.

Thành phố xe đạp là một ý tưởng sáng tạo của Huế (Ảnh minh họa)

Được công nhận và vinh danh

Huế có 5 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh. Đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (năm 1993 - Di sản vật thể), Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (năm 2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016 - Di sản tư liệu). Bên cạnh đó, Huế còn có 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Bởi vậy, trên thực tế, Huế có tới 7 di sản đã được UNESCO vinh danh, trong đó, Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam. Huế cũng đã đạt các danh hiệu cao quý như “Thành phố Văn hóa của ASEAN” (năm 2014-2015), “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” (năm 2014), “Thành phố Xanh quốc gia” (năm 2016), “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” (năm 2018-2020, 2020-2022).

Còn nhiều điều để khám phá

Ai từng đến Huế cũng nên một lần đến với chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa này được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của chúa Nguyễn Hoàng, người mở ra thời đại 9 chúa 13 vua nhà Nguyễn. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của đất Thần kinh) và ngày nay được xem là biểu tượng tâm linh của người dân Cố đô Huế.

Nhà vườn là nơi lưu lại nét đặc sắc của xứ Huế xưa (Ảnh minh họa)

Huế có làng cổ Phước Tích đã trên 500 năm tuổi, được đánh giá là ngôi làng vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê cổ Việt Nam. Bên cạnh đó, Huế có đến 2 khu phố cổ là Bao Vinh và Gia Hội. Đối với phố cổ Gia Hội, đây là cả một hệ thống nhà cổ, nhà vườn, chùa chiền, phủ đệ,... đặc trưng của người Huế xưa. Còn đối với khu phố cổ Bao Vinh, từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất xứ Huế, có phần sầm uất hơn cả Hội An của Quảng Nam. Nguyễn Khắc Phê - một nhà văn xứ Huế, đã nói: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như chưa đến”.

Huế có kiến trúc của người Hoa rất tiêu biểu. Chỉ tính riêng con đường Chi Lăng của TP.Huế ngày nay đã có các công trình kiến trúc người Hoa đẹp không kém cạnh các công trình cùng loại ở Hội An (Quảng Nam). Từ hội quán Quảng Đông đến hội quán Triều Châu, hội quán Phúc Kiến,... đều được xây dựng rất công phu, uy nghi và tráng lệ.

Huế có thế mạnh di sản văn hóa Pháp như Trường Quốc học, Sân vận động Tự Do, Ga Huế, khách sạn Sài Gòn Morin, nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam,...

Huế có chợ Đông Ba hình thành từ năm 1899 dưới thời vua Thành Thái. Năm 2013, chợ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Top 5 chợ đặc trưng ba miền được nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất”.

Đến Huế mà chưa đứng trên cầu Trường Tiền là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi (Ảnh minh họa)

Huế có 2 cây cầu độc đáo. Đó là cầu Trường Tiền và cầu ngói Thanh Toàn. Có người vì thế đã ví cầu Tràng Tiền về đêm đẹp như cầu vồng. Bởi thế, Trần Kiêm Đoàn - một nhà nghiên cứu Huế, từng nhận định: “Đến Huế mà chưa đứng trên cầu Trường Tiền là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi”. Bên cạnh đó, cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu ngói độc đáo của xứ Huế. Cầu được xây theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), gồm 7 gian, mái được lợp bằng ngói lưu ly. Bởi thế, có câu ca dao: Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui.

Huế có nhiều kỳ quan thiên nhiên. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá núi Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ dưỡng trên vùng núi Đông Dương. Còn phá Tam Giang - đầm Cầu Hai là khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Có lẽ sẽ rất khó có thể tìm thấy ở Việt Nam một nơi giống ở đây, nơi buổi sáng có thể đón bình minh và chiều lại đón hoàng hôn ở cùng một chỗ. Bên cạnh đó, vào năm 2009, vịnh Lăng Cô đã được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) bình chọn là “Vịnh đẹp của thế giới”./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết