Cán bộ, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn bộ binh (Trung đoàn 741, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến người dân trên địa bàn xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Nguyễn Xuân Tiến/TTXVN)
Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam.
Luật pháp cũng đã quy định, Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, bảo hộ cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp nhưng kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực tế thời gian qua, các thế lực thù địch luôn ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo để nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và đem lại cuộc sống ấm no, bình yên cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao, biên giới, việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các tổ chức bất hợp pháp lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để hoạt động chính trị, thực hiện các hành vi phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân đang là đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ…
Nhận diện, tẩy chay và từ bỏ
Mường Nhé ở tỉnh Điện Biên - huyện cực Tây của Tổ quốc, giáp với hai nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Gia Lai, Đắk Lắk, hai tỉnh của Tây Nguyên - khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh với địa hình phức tạp, là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Chính vì vậy, những địa bàn trọng điểm này luôn “nóng” lên bởi những âm mưu chống phá, hoạt động “diễn biến hòa bình,” sự kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi và thủ đoạn khoác áo tôn giáo để khuấy động “ly khai, tự trị,” phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc. Nhưng những nơi này, người dân đều đã đề cao cảnh giác, vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Ở bản Huổi Khon, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tháng 5/2011, chính quyền, lực lượng chức năng cũng như người dân địa phương đã giáo dục, giúp đỡ hàng ngàn người Mông bị lầm đường, lạc lối trở về nhà do tin theo nhóm đối tượng do Vàng A Ía cầm đầu mà tụ tập đòi ly khai, tự trị, tách Mường Nhé khỏi Tổ quốc để thành lập “Nhà nước Mông.”
Những kẻ vi phạm pháp luật trong vụ án sau đó đã bị khởi tố, xét xử. Hai năm sau, tháng 10/2012, lực lượng chức năng tiếp tục đập tan âm mưu cướp vũ khí tổ chức các hoạt động bạo loạn, gây rối tại Mường Nhé của một số đối tượng bất mãn, tiêu cực, hoạt động chống phá chính sách đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo bà con dân tộc tin và theo những luận điệu hoang đường, lừa bịp. Trong cuộc chiến đấu tại mốc 10, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, một chiến sỹ Biên phòng đã anh dũng hy sinh, ba cán bộ Công an bị trọng thương…
Khoảng 6 năm trở lại đây, trước sự xâm nhập mạnh mẽ, đe dọa đến sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của một số tà đạo vào tỉnh Điện Biên, chủ yếu là vùng dân tộc Mông ở huyện Mường Nhé như “Bà Cô Dợ,” “Giê Sùa”… Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân nơi đây đã tập trung đấu tranh với các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo mới này.
Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động liên lạc, tài trợ, chỉ đạo của số đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong và ngoài nước. Cơ quan chức năng gặp gỡ, trao đổi thông tin, đề nghị các tổ chức Tin lành hợp pháp tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo, tham gia đấu tranh lên án, tẩy chay tà đạo "Giê Sùa," "Bà Cô Dợ" và vận động quần chúng tín đồ không tin theo lời lôi kéo của kẻ xấu; đồng thời tiếp nhận số quần chúng đã từ bỏ tà đạo vào hệ thống của hệ phái mình.
Cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã tăng cường xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng và đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ hai tà đạo, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Cơ quan chức năng đã tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với dân kết hợp với chiếu phim tuyên truyền tại các bản bị ảnh hưởng.
Biện pháp chủ yếu hiện nay là vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ bản chất phản động, lừa đảo, đi ngược lại chủ trương đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, đã vận động được 196 hộ với 1.209 người cam kết từ bỏ tà đạo “Giê Sùa” chuyển sang các hệ phái Tin Lành và 26 hộ với 132 người từ bỏ tà đạo “Bà Cô Dợ” chuyển sang các hệ phái Tin Lành.
Mới đây tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" xảy ra trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; trong số 14 bị cáo, có đến 4 đối tượng cốt cán cầm đầu trong tà đạo “Giê Sùa.”
Thông tin về việc đấu tranh với tà đạo "Bà cô Dợ," "Giê Sùa," Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho hay để giúp đồng bào hiểu rõ bản chất phản động của các loại tà đạo này, cán bộ, chiến sỹ đã thực hiện “3 bám, 4 cùng.” Nghĩa là bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền cho dân bản bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào. Nhiều người đã hiểu ra, tỉnh ngộ và từ bỏ tà đạo. Người dân cũng nhờ đó mà hiểu rõ nên không tin, không theo hai tà đạo "Bà cô Dợ," "Giê Sùa."
Việc trao đổi thường xuyên giữa người đứng đầu điểm nhóm với lực lượng công an huyện Mường Nhé tạo nên mối liên hệ chặt chẽ, đoàn kết. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Chia sẻ về vấn đề này, ông Giàng Seo Tủa (dân tộc Mông), ở xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã khẳng định tuy có bị kẻ xấu đến truyền giáo về đạo “Giê Sùa” và đạo “Bà Cô Dợ,” nhưng do đã hiểu bản chất sai trái của các tà đạo này, ông cùng gia đình và bà con trong bản kiên quyết không nghe, không tin, không làm theo những kẻ xấu.
Xóa bỏ ảnh hưởng của tà đạo
Tại địa bàn Tây Nguyên, việc chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai cùng nhân dân địa phương tập trung đấu tranh quyết liệt với tà đạo "Hà Mòn" - tổ chức đội lốt tôn giáo do bọn phản động FULRO dựng lên năm 2007, đã dần xóa bỏ tác động, ảnh hưởng của tà đạo này tại các địa bàn trọng điểm.
Hiện nay, công tác đấu tranh, xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” cơ bản được giải quyết, làm thất bại âm mưu, ý đồ của bọn phản động FULRO. Cơ quan chức năng đã tiến hành bắt, xử lý toàn bộ số đối tượng cầm đầu, cốt cán lẩn trốn, lánh mặt hoạt động; xóa bỏ toàn bộ các khung ngầm, điểm nhóm tà đạo “Hà Mòn” hình thành, phục hồi bên trong. Tư tưởng của quần chúng nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức rõ âm mưu phản động, lừa phỉnh của tà đạo “Hà Mòn.”
Với “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Việt Nam” - tổ chức cũng do các đối tượng Fulro lưu vong dựng lên vào năm 2017 làm vỏ bọc nhằm che dấu mưu đồ chống phá Việt Nam. Bên ngoài, tổ chức này hoạt động giống như một nhóm phái Tin lành thuần túy như hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện nhưng bên trong, chúng tuyên truyền về tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị để tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn. Mục đích cuối cùng là để thành lập Nhà nước riêng.
Tại tỉnh Đắk Lắk - cơ sở chính của tà đạo này, cơ quan chức năng đã làm việc đồng loạt với hàng chục đối tượng ở địa bàn để đấu tranh, làm rõ các hoạt động vi phạm pháp luật. Quá trình đấu tranh, các đối tượng đã hoàn toàn thừa nhận những vi phạm của bản thân và cũng thấy rằng đây là những việc làm vi phạm pháp luật Việt Nam và đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Theo Đại tá Đậu Văn Minh, Trưởng Phòng An ninh Đối nội, Công an tỉnh Gia Lai, để giúp đồng bào hiểu rõ bản chất phản động của các tổ chức này, thời gian qua, lực lượng công an tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tham mưu cấp ủy chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi và tín ngưỡng thuần túy, tín ngưỡng tôn giáo thuần túy của các tín đồ theo đúng quy định pháp luật. Thường xuyên tranh thủ các chức sắc tôn giáo để tuyên truyền cho bà con các tôn giáo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã hội, vận động họ sinh hoạt, tham gia các chi hội thánh đã được Nhà nước công nhận. Liên quan đến những trường hợp vi phạm, lực lượng Công an thường xuyên gặp gỡ, giáo dục rồi vận động để họ từ bỏ./.
Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)