Chuyên "trị" vai đào độc
Cố NSƯT Kim Chưởng xuất thân từ một gia đình bình dân tại cồn Ông Ba Động, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Lúc đó gia đình nghèo, bà phải phụ mẹ đi bán bánh từ năm lên 7 tuổi. Trong gia đình, bà là người duy nhất có duyên nợ với cải lương nên sớm vương nghiệp Tổ. Bà được một người quen gởi vào gánh Tân Đồng Ban của bầu Lê Quang Sô (Long Xuyên) để học nghề và đóng vai tỳ nữ lúc 9 tuổi. Sau đó, Kim Chưởng được người anh gởi qua gánh Tân Thiếu Niên của bầu Ba Đô để thích hợp với độ tuổi hơn. Kim Chưởng tỏ ra thông minh, nhạy bén, tuy là những vai tỳ nữ nhưng bộ tịch vũ múa đẹp, thiên phú cho bà có làn hơi chất giọng ca hay. Năm 13 tuổi, Kim Chưởng thành một thiếu nữ xinh đẹp và được ông bầu gánh chú ý để phát triển hát đào. Một dịp tình cờ, Kim Chưởng được đóng thế cho đào chánh với vai Na Tra trong Na Tra lóc thịt. Từ vai diễn này, Kim Chưởng được giao vài vai đào thương nhưng lại không tạo được dấu ấn bằng vai đào độc. Ước tính, bà có khoảng 100 vai đào độc thủ diễn qua các đại ban cải lương như Văn Hí Ban của Chín Nghĩa, Tân Xuân của Cô Tư Hélène, Tân Tiến của Cô Lựu, Tương Lai của Bầu Sinh, Phụng Hảo của Bảy Phùng Há - Tư Phước (Bạch Công Tử), Thanh Minh của Năm Nghĩa,… Những vai đào độc đã tôn NSƯT Kim Chưởng thời đó lên hàng “Đệ nhất đào võ hiệp cải lương”. Có lần được NSND Diệp Lang và cố NSƯT Phương Quang (lúc ông còn sống) kể lại, NSƯT Kim Chưởng có bộ pháp vũ đạo tuyệt vời, từ dáng đi, tướng đứng, từng nét diễn không thừa, không thiếu rất oai phong của một võ tướng; chất giọng lúc trầm hùng, lúc vang dội theo từng tính cách nhân vật; ca diễn luôn đi vào chiều sâu trạng thái nhân vật mà bà thủ diễn…
Nghiệp bầu gánh
Vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, bà còn được trong giới tôn tặng là “Ngũ đại gia” của cải lương trong 5 bầu gánh tài năng nhất: Bà bầu Thơ (Thanh Minh - Thanh Nga), bầu Xuân (Dạ Lý Hương), bầu Long (Kim Chung), bầu Kim Chưởng (Kim Chưởng), bầu Thu An (Hương Mùa Thu). Riêng về những người làm bầu gánh là nữ tài năng thì trong giới tôn tặng bà trong hàng “Tứ đại bà bầu”: “Nhất Chưởng (Kim Chưởng), Nhì Thơ (bầu Thơ), Tam Cơ (bầu Cơ Kim Thoa), Tứ Yến (…). Có lần, NSND Diệp Lang phát biểu: “Cô Bảy rất xứng đáng với nhiều danh hiệu mà trong giới cũng như báo chí kịch trường phong tặng, vì nghề nghiệp cô là một trong những bậc thầy hay, có tâm với nghề và đồng nghiệp… Tôi thích nhất là bộ pháp vũ đạo về võ hiệp, hình thể điệu bộ gọn đẹp, dáng vẻ oai phong tạo những pha rất đẹp mắt… thật là một “Đệ nhất đào võ hiệp” không sai!”.
NSƯT Kim Chưởng còn nổi tiếng là lò “luyện thép”, nghĩa là rất nghiêm túc và tinh thần kỷ luật cao về đào tạo diễn viên trực tiếp và nhiều học trò của bà thành tài danh. Tức là bà dạy ca diễn, vũ đạo bằng cách thị phạm qua tập dợt trên sàn diễn, ai mà không tập trung học tập là bà chỉnh ngay tại chỗ, ai mà không tập trung lúc tập dợt tuồng hay nói chuyện riêng, cười giỡn… là bà ném cho cái quạt, hoặc mời ra khỏi chỗ tập. Bà luyện tập cho diễn viên rất kỹ lưỡng, từng chi tiết điệu bộ, cử chỉ, lời ca biểu diễn, dù một chút nào đó chưa hài lòng mọi người là bà cho tập luyện lại… Nhưng trong cuộc sống đời thường, bà là người rất tốt, sống bình dị với mọi người, nhường nhịn và giúp đỡ đồng nghiệp… Đó là lời kể của cố NSƯT Phương Quang lúc sinh thời. Ông cho biết thêm: “Cô Kim Chưởng còn có đôi mắt nghề nghiệp tinh tế, bà nhìn từ đào, kép mà đánh giá được tài năng nghệ thuật, nên khi phân vai đào, kép là đúng ngay khả năng từng người như “đo ni đóng giày””. Lúc Phương Quang thi tuyển vào gánh với 3 người nữa nhưng chỉ có mình ông được chọn, còn 3 người kia rớt, mặc dù 3 người kia có giọng ca và làn hơi không thua gì Phương Quang. Sau đó, NSƯT Kim Chưởng giải thích cho Phương Quang biết, 3 người kia chỉ là kép ca thôi thì không thể diễn trên sân khấu được vì họ không biểu hiện cảm xúc, mắt, mũi, gương mặt tỉnh bơ, không có sắc thái gì với những câu ca…
Một câu chuyện khác, NSƯT Kim Chưởng có tài dùng người, bà sẵn sàng trải “thảm đỏ” để mời gọi nhân tài. Cuối năm 1963, lúc đó đoàn Hoa Sen hát gần đoàn Kim Chưởng và hút khách hơn. Bà bầu Kim Chưởng cho người đến xem hát, phát hiện giọng ca và sắc vóc của Thanh Nguyệt, biết có thể đào tạo thành nghệ sĩ tên tuổi nên bà mời đến và trả thù lao gấp đôi đoàn Hoa Sen với cam kết Thanh Nguyệt hát đúng 2 năm cho đoàn Kim Chưởng. Trên sân khấu Kim Chưởng, bà bầu bồi dưỡng cho Thanh Nguyệt và cô đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm năm 1965.
Sau năm 1975, NSƯT Kim Chưởng trở về nơi mà ngày xưa bà học nghề ở gánh Tân Đồng Ban của bầu Lê Quang Sô, giúp thành lập Đoàn Cải lương “Tiếng Hát Long Xuyên - Kim Chưởng”. Hơn 10 năm, đoàn này lưu diễn khắp mọi miền đất nước, hát đâu đông khán giả đến đó, nên thời kỳ này NSƯT Kim Chưởng còn được trong giới tôn vinh là “Đệ nhất anh hùng lưu diễn”.
Khi cải lương trên đà tuột dốc, NSƯT Kim Chưởng tuyên bố ngưng hoạt động (năm 1989). NSƯT Kim Chưởng là một trong những bậc thầy của cải lương. Bà đã tạo nên một gánh Kim Chưởng có phong cách nghệ thuật riêng. Những giá trị nghệ thuật, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cố NSƯT Kim Chưởng rất đáng cho các thế hệ sau học tập. NSƯT Kim Chưởng qua đời năm 88 tuổi, gia đình đưa linh cữu bà về an táng tại quê nhà./.
Đỗ Dũng