Tiếng Việt | English

04/12/2023 - 08:44

Người khuyết tật ngày càng được chăm lo tốt hơn

Từ năm 1992, ngày 03/12 hàng năm được Liên Hợp Quốc chính thức lấy làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (NKT). Hiện nay, trên thế giới đã có 166 quốc gia phê chuẩn Công ước CRPD (Công ước Quốc tế về các quyền của NKT); trong đó, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn vào ngày 28/11/2014.

Ngày Quốc tế NKT ra đời với mục đích nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của người dân về tình trạng khuyết tật ở nhiều phương diện trong cuộc sống (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội), giúp mọi người dân thấu hiểu hơn về những thách thức mà NKT đang phải đối mặt.

Trên thế giới ước tính có hơn 1 tỉ người bị khuyết tật, tương ứng khoảng 15% dân số thế giới. Trong đó, có tới 190 triệu người (3,8%) từ 15 tuổi trở lên gặp khó khăn đáng kể trong các hoạt động. Số người bị khuyết tật đang gia tăng do sự gia tăng các bệnh mãn tính và già hóa dân số.

Nước ta hiện có trên 7 triệu NKT, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm gần 30%, khoảng 10% NKT thuộc diện hộ nghèo. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ NKT khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực và ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của NKT và thúc đẩy sự tham gia của NKT vào quá trình phát triển KT-XH.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm lo cho NKT. Mặc dù còn nhiều thiệt thòi nhưng NKT đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước cũng như sự chia sẻ của cộng đồng, giúp họ từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.

Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp như chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; tặng xe lăn, xe lắc, các dụng cụ trợ giúp khác; tặng xe đạp, học bổng; dạy nghề, giới thiệu việc làm; xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết;...

Tại Long An, nhằm tạo điều kiện cho NKT vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, công tác dạy nghề và tạo việc làm được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phân bổ vốn vay giải quyết việc làm để NKT tự tạo việc làm, nuôi sống bản thân. Hầu hết NKT trên địa bàn tự tạo việc làm hoặc làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo - từ thiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên cho NKT với tổng kinh phí trên 147,8 tỉ đồng; nhận nuôi dưỡng NKT tại cộng đồng trên 18,2 tỉ đồng; nuôi dưỡng NKT nặng trong cơ sở bảo trợ xã hội trên 3,1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ gần 33.400 NKT có thẻ bảo hiểm y tế; trên 50% NKT hưởng các trợ cấp về lương hưu, người có công, trợ cấp xã hội hàng tháng, bảo hiểm xã hội; một số trường hợp được tỉnh hỗ trợ nuôi dưỡng tại cộng đồng, cơ sở bảo trợ xã hội;...

Mỗi người đều mong muốn mình được khỏe mạnh và có một tương lai tươi sáng nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn ấy. Một số người khi sinh ra đã không thể đi, không thể nói hay không thể nhìn được, họ là những NKT, một bộ phận yếu thế của xã hội. Những người này rất cần sự tôn trọng, cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ để có thể hòa nhập với cộng đồng.

Năm nay, chủ đề Ngày Quốc tế NKT được Liên Hợp Quốc đưa ra là: “Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với NKT, do NKT và vì NKT”. Thực hiện chủ đề trên, mỗi người dân hãy chung tay, góp sức, bằng cách này hay cách khác, tạo điều kiện cho NKT phát huy những khả năng của mình, giúp họ thêm tự tin, nghị lực để vượt qua rào cản, cố gắng vươn lên và thêm yêu cuộc sống./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết