Tiếng Việt | English

19/04/2021 - 18:25

Người lưu giữ “gia tài” sách cũ

Giữa lòng thành phố tấp nập, có một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh trên đường Nguyễn Văn Rành (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) lưu giữ gần 800 quyển sách cả mới lẫn cũ. Đây là điều đặc biệt khi trong thời buổi công nghệ hiện đại, mọi người vẫn thường chuộng đọc online hơn là tốn thời gian lần giở từng trang sách. Với anh Hồ Nhuận Đăng Sơn - chủ nhân của “gia tài” sách cũ ấy, mỗi quyển sách là một “báu vật” mà anh nâng niu, trân quý, cần được lưu giữ mãi về sau.

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn có một “gia tài”sách với gần 800 quyển cả mới lẫn cũ

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn có một “gia tài”sách với gần 800 quyển cả mới lẫn cũ

Sách cũ - "gia tài" vô giá

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn là cái tên quen thuộc trong giới nuôi cá cảnh, anh hiện là Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh tỉnh. Thế nhưng, có lẽ ít người biết rằng, bên cạnh thú vui với cá cảnh, anh còn sở hữu một “gia tài” sách với gần 800 quyển được gìn giữ từ rất lâu, có quyển được xuất bản từ trước năm 1975 hoặc trước đó. Sách của anh đa phần là học làm người, kỹ năng sống, văn học Việt Nam và nước ngoài, các loại sách khoa học - kỹ thuật,...

Bước vào nơi lưu giữ sách của anh, từng hàng, từng dãy sách được sắp xếp ngay ngắn trên kệ theo từng lĩnh vực, thể loại. Dù sách có
phai màu, ố vàng hay mất chữ, anh vẫn nhớ vị trí của từng quyển, không mất nhiều thời gian để tìm kiếm bởi việc bảo quản rất khoa học, gọn gàng. Trong tủ sách đặc biệt này, có những quyển sách đã rất cũ như Chiến tranh và Hòa bình (Lev Tolstoy), Tội ác và trừng phạt (Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky), Trà hoa nữ (Alexandre Dumas Jr), Ngư ông và biển cả (Ernest Hemingway), Những người khốn khổ (Victor Hugo),... Bên cạnh đó, anh cũng rất thích một số tác phẩm như Tam Quốc Chí, Nhạc Phi Diễn Nghĩa,... Điều anh thích là những quyển sách cũ này có lời bình của người xưa và rút ra những bài học từ các tác phẩm.

Anh hồi tưởng, ngày trước, khi còn là sinh viên, anh thường mua sách cũ để tiết kiệm. Sau này, mỗi khi có dịp đi TP.HCM, anh vẫn thường tìm đến những tiệm sách cũ. “Tại các tiệm sách này, tôi có thể tìm được những quyển sách quý, trong đó có nhiều quyển sách đã xuất bản khá lâu và không tái bản. Ngoài ra, mỗi quyển sách khi đến tay mình là một cái duyên, tôi trân quý những giá trị mà sách mang lại, sách cũ làm cho tôi hoài niệm về những ngày xưa cũ, cảm thấy trân quý thời gian hơn”.

Được biết, bên cạnh sách, anh Sơn còn có thói quen đọc báo in. Với anh, hiện nay, dù báo điện tử, thông tin trên mạng rất nhiều nhưng anh vẫn duy trì việc đặt báo, tạp chí hàng tháng. Anh cho biết: “Thông tin trên mạng rất nhiều, đọc lại rất tiện lợi nhưng cũng có khả năng “lướt” phải những thông tin sai lệch, không chính xác. Do đó, tôi thích đọc báo in hơn để tiếp cận thông tin chính thống nhưng vẫn bảo đảm cập nhật tin tức hàng ngày”.

“Gia tài” sách cũ được lưu giữ từ rất lâu của anh Sơn

“Gia tài” sách cũ được lưu giữ từ rất lâu của anh Sơn 

Tình yêu sách qua nhiều thế hệ

Ngày trước, cha của anh Sơn là công chức, còn mẹ là giáo viên. Với anh, niềm đam mê sách có lẽ được vun bồi từ người cha kính yêu. Trước đây, ngày anh còn nhỏ, gia đình có một tủ sách được đặt tên là “Tủ sách phù sa quê mẹ” với đủ các thể loại, từ văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài,… Anh còn nhớ, những quyển sách đầu tiên cha mẹ hướng cho anh đọc là sách về bài học làm người, đặc biệt là sách nuôi dưỡng tâm hồn của học giả Nguyễn Hiến Lê.

Anh Sơn bộc bạch, có một điều mà đến nay gia đình anh vẫn luyến tiếc mãi là năm 1975, nhà anh bị cháy, lúc ấy, tủ sách bị thiêu rụi hoàn toàn. Sau này, cứ mỗi quyển sách mua về hay được tặng, anh đều nâng niu, gìn giữ. Với anh, sách học làm người, sách văn học thì có ý nghĩa trường tồn theo thời gian nên anh lưu giữ cẩn thận đến ngày nay.

Với anh Sơn, không gì thiết thực, gần gũi bằng việc đọc sách, đây là cách “tập thể dục” cho não bộ, góp phần rèn luyện nhân cách, giúp con người phát triển trí tuệ và đạo đức. Cũng từ những nền tảng đầu tiên từ cha mẹ mình, anh bắt đầu duy trì thói quen đọc sách và hướng con gái mình với việc đọc. Cô con gái của anh, nay đã là sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Quốc tế, cũng nối tiếp tình yêu với sách như cha, ông mình. Em Hồ Nguyễn Thiên Bảo (SN 2000) cho biết: “Quyển sách đầu tiên tôi được ông nội tặng là Thiên thần nhỏ của tôi (nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), đến giờ vẫn giữ gìn cẩn thận. Tôi thường đọc sách thể loại tâm lý học, kỹ năng sống. Ngoài ra, tôi đặc biệt thích được người thân, Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn có một “gia tài” sách với gần 800 quyển cả mới lẫn cũ bạn bè tặng sách. Với tôi, dù công nghệ có phát triển thế nào đi nữa thì cũng không có gì thay thế được cảm giác khi được cầm quyển sách trên tay. Được ngửi, sờ từng trang giấy, với những người yêu quý sách thì đó là cảm giác tuyệt vời nhất”.

Dù cố gắng gìn giữ cẩn thận nhưng những quyển sách trong “gia tài” của anh Sơn vẫn không tránh khỏi sự tác động bởi thời gian. Thế nhưng, chủ nhân của kho sách ấy luôn xem chúng như gia tài quý, cần được bảo tồn, trân trọng. Kho sách ấy là cả một hành trình tích lũy từ nhiều đời, niềm tự hào, tài sản quý của gia đình để tiếp nối lưu truyền cho thế hệ mai sau./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết