Tiếng Việt | English

10/07/2024 - 08:24

Những đánh giá phiến diện, vô căn cứ về tự do báo chí ở Việt Nam

Việt Nam đã và đang nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương của Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan. Tuy nhiên, một số cá nhân và tổ chức thù địch, phản động vẫn luôn tìm cách bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do báo chí như một chiêu bài trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo quy chụp, phiến diện, sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam

Không có gì đáng ngạc nhiên, vào đầu tháng 5/2024, theo thông lệ, “tổ chức phóng viên không biên giới” (RSF) lại công bố báo cáo thường niên về chỉ số “tự do báo chí thế giới năm 2024”. Tổ chức này xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí - thuộc nhóm các nước “có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới”. Đây không phải là lần đầu RSF đưa ra những nhận định hoàn toàn phiến diện, thiếu khách quan và quy chụp về tự do báo chí ở Việt Nam, bất chấp thực tế hoạt động báo chí nước ta ngày càng phát triển chuyên nghiệp, sôi động và hiệu quả. Giống như mọi lần, những quy kết vô căn cứ trong báo cáo của tổ chức này không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào có tính xác thực ứng với các tiêu chí được chính họ đưa ra là “thực hiện các hoạt động giúp thúc đẩy tự do báo chí của thế giới” mà chỉ dựa vào những thông tin thiếu khách quan từ một nhóm người có định kiến với nhà nước sở tại về quan điểm, đường hướng hoạt động báo chí hoặc một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị có hành vi vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị. Những nội dung mang tính bịa đặt trong bản báo cáo đã tạo cơ hội cho những phần tử thù địch, cực đoan trong và ngoài nước công kích, chống phá Việt Nam.

Hàng chục năm nay, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn lợi dụng các tổ chức (trên danh nghĩa là tổ chức phi chính phủ) như RSF, “tổ chức theo dõi nhân quyền”,... để chống phá Việt Nam. Cùng với đó, chúng lợi dụng các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động tạo ra các giải thưởng, các diễn đàn để xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Ngay sau báo cáo của RSF, Đài châu Á tự do (RFA) lập tức “té nước theo mưa” bằng các bài viết xuyên tạc về tự do báo chí tại Việt Nam. Còn VOA tiếng Việt lợi dụng sự kiện này để làm bản tin truyền hình “Việt Nam là quốc gia “tệ nhất” về tự do báo chí”. Trong đó, vẫn là những luận điểm “nhai lại” rằng Việt Nam không có tự do báo chí. Bản tin dẫn lời bà Aleksandra Bielakowska - Quan chức truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương của RSF, để đả kích, bôi đen về tình hình báo chí tại Việt Nam.

Báo chí Việt Nam phát triển hiện đại, đồng hành cùng báo chí thế giới

Thực tế Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của Nhân dân”; “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Điều 25 Hiến pháp năm 2013, hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp, không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25). Đồng thời, tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật.

Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân Dân, VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân); 138 cơ quan báo chí; 674 cơ quan tạp chí;1.924 trang thông tin điện tử;... Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện nay có khoảng 41.000 người; tổng số người được cấp thẻ nhà báo đến tháng 12/2023 là 20.508 người. Việt Nam là quốc gia rất “cởi mở” với báo chí, truyền thông, luôn tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Russia Segodnya (Nga),... Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Việc học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí được tổ chức thường xuyên với sự phối hợp giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, không riêng gì các phóng viên, nhà báo mà mọi người dân đều được thoải mái tham gia các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, TikTok,... Mỗi người đều được tiếp cận các nguồn thông tin một cách đa chiều và khách quan bày tỏ quan điểm của mình trên các nền tảng thông tin, truyền thông.

Thực tế trên chứng minh rằng, báo cáo của RSF là sai lệch, vu cáo trắng trợn về tự do báo chí ở Việt Nam. Nhiều người không bất ngờ với cách RSF đang chống phá. Bởi lẽ, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị luôn sử dụng mọi thủ đoạn để phủ nhận mọi thành tựu của Việt Nam; trong đó, báo chí, truyền thông luôn là lĩnh vực mà chúng quan tâm nhất. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, thiếu thiện chí nhằm bôi nhọ, bịa đặt tình hình tự do báo chí ở Việt Nam hay các bảng xếp hạng thiếu căn cứ của một số tổ chức, cá nhân không thể nào phủ nhận, bóp méo những thành tựu to lớn mà báo chí cách mạng Việt Nam đã đạt được./.

Báo chí Long An sẵn sàng và quyết tâm đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới

 

Báo chí Long An sẵn sàng và quyết tâm đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới 

Cùng với sự phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, các loại hình báo chí của tỉnh Long An không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết