Tiếng Việt | English

19/04/2022 - 10:21

Nỗi lo sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây: Nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây (Bài cuối)

Tình trạng sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu hạ tầng và tài sản, tính mạng của người dân sinh sống ở đây. Trước thực trạng này, việc thực hiện các biện pháp ứng phó với sạt lở là cấp thiết, nhất là hiện nay, tốc độ xâm thực ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Người dân mong Nhà nước sớm hoàn thành kè sông Vàm Cỏ Tây (đoạn thuộc ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) để người dân ổn định cuộc sống

Chủ tịch UBND xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: “Từ khi tình trạng sạt lở bờ sông VCT đoạn qua xã ngày càng phức tạp và đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng, UBND xã thường xuyên phát loa cảnh báo cho người dân sống khu vực ven sông đề cao cảnh giác. Đồng thời, UBND xã đã cắm biển báo chỗ có nguy cơ cao, vận động người dân nếu có điều kiện nên di dời đến chỗ an toàn”.

Theo chia sẻ của nhiều người dân có nhà ở ven sông VCT, hiện nay, Nhà nước cho xây dựng khá nhiều cống, kè ngăn mặn dọc theo ngã ba các sông VCT và các kênh nhánh để hạn chế mặn xâm nhập. Tuy nhiên, trước khi xây đập, kè thì cần tính toán đến việc thay đổi dòng chảy, bởi vì về lâu dài, dòng chảy sẽ thay đổi làm ảnh hưởng đến tốc độ sạt lở đất ven sông (nhất là bên lở).

Công nhân thi công bờ kè chống sạt lở

Bà Võ Thị Bé (74 tuổi, ấp 1, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) bị sạt lở toàn bộ căn nhà xuống sông, kể: “Nhà tôi được xây kiên cố bằng bêtông cốt thép. Đêm hôm đó, cả nhà ngủ say, khi con dâu nghe tiếng động như tiếng mưa rơi mới biết nền nhà bị nứt toác. Con dâu tôi hô hoán, cả nhà tỉnh giấc, chạy ra ngoài. Lúc đó, ngôi nhà trôi xuống sông. Theo tôi, những hộ sống ven sông cần được các cấp chính quyền xem xét, hỗ trợ kịp thời để an cư, lạc nghiệp".

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Lưu - Trưởng trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Thạnh Hóa thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải bài toán hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và ngăn ngừa nguy cơ sạt lở đất ven sông VCT, về quy mô lớn, có thể hạn chế việc xây dựng các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông MêKông hoặc ít nhất là việc bảo đảm dòng nước lưu thông về hạ nguồn luôn đầy đủ và thường xuyên, không chặn dòng trữ nước để lượng phù sa, bùn cát được bồi đắp về hạ nguồn. Đồng thời, tăng cường xây dựng các công trình đê, bờ kè kiên cố dọc theo hai bên bờ sông khi nguồn kinh phí cho phép. Có thể trồng các loại cây ven bờ vừa tạo môi trường sinh thái, vừa gia cố lớp đất mé sông. Ngoài ra, có thể đóng các loại cọc tre, cừ tràm, các tầng bao cát,... để vừa chắn sóng, vừa giữ chặt được bờ bao, đất mé sông; hạn chế xây dựng các công trình, nhà ở bên sông hay lấn chiếm ra lòng sông để tránh gây tác động xấu đến nền đất.

Khu vực ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An nay đã có đông dân cư về sinh sống

Song song đó, khai thác cát, nước ngầm phải có quy hoạch, tránh khai thác quá mức; xây dựng các hồ sinh thái có độ sâu vừa phải để chứa nước, giảm thiểu ngập úng cũng như sử dụng lượng đất dư thừa để san lấp trong xây dựng, giảm việc khai thác, sử dụng cát dưới sông. Ngoài ra, sẽ có lượng nước sinh hoạt lớn (khai thác nguồn nước mặt của hồ sinh thái), giảm thiểu việc khai thác nguồn nước ngầm là nguyên nhân sâu xa gây sụp lún.

"Các cấp chính quyền cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến sạt lở, xây dựng hệ thống cảnh báo, gắn các biển báo tại các điểm, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ cao sạt lở; đồng thời, vận động người dân có ý thức nhằm hạn chế những tác động làm cho khả năng sạt lở tăng cao. Qua đó, có kế hoạch và giải pháp xây lắp các công trình và phi công trình chống sạt lở kịp thời; cần có các chính sách ổn định nơi ở, nơi tái định cư phù hợp cho người dân, tránh việc xây dựng nhà ở, công trình phục vụ sản xuất hay lấn chiếm lòng sông ở những nơi xung yếu, có nguy cơ cao bị sạt lở" - kỹ sư Nguyễn Văn Lưu thông tin./.

Hoài Đăng - Văn Lưu

Chia sẻ bài viết