Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Nước mắt mẹ không còn…

Ngày đất nước hòa bình, nhìn những người mẹ hân hoan đón con về, gia đình sum họp, riêng mẹ chỉ biết lặng lẽ lau nước mắt vì nhớ con,…

Không bao giờ hối tiếc vì để các con ra đi, nhưng mẹ cũng xót xa vì các anh hy sinh khi tuổi đời còn trẻ quá!

Mẹ Trương Thị Chiếm (khu phố 3, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) năm nay đã 89 tuổi, được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2014. Mẹ có 2 người con đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, là liệt sĩ Trần Văn Kiếm và liệt sĩ Trần Văn Coi. Ngoài 2 người con là liệt sĩ, chồng của mẹ cũng từng là quân y và một người con làm du kích xã. Dù tuổi cao sức yếu nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm, chuyện các con ngày xưa lên đường chiến đấu rồi hy sinh mẹ đều nhớ hết. Có lẽ, đối với những người mẹ, ký ức đau buồn về những người con đã ra đi thì làm sao quên được!

Ngày ấy, chính mẹ là người động viên các con lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mẹ nói: “Con có đi thì phải dũng cảm cầm súng ra chiến trường, thoát ly gia đình mà đi, đừng chọn việc nhẹ nhàng mà ở lại!”. Cả 2 người đều được mẹ dặn dò như thế, mẹ muốn con mình phải anh dũng, hiên ngang ra chiến trường. Thế rồi, xa mẹ bao nhiêu năm trời, người con trai cả - anh Trần Văn Kiếm chỉ về thăm nhà được duy nhất 1 lần rồi vĩnh viễn ra đi. Ngày 31-10-1968, anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tiếp bước anh trai, người con trai kế của mẹ, anh Trần Văn Coi lên đường khi tuổi chỉ vừa đôi tám, về thăm mẹ cũng được 1 lần, lần đầu cũng là lần cuối.

Tuổi đã cao nên có nhiều chuyện mẹ không nhớ hết, chỉ có những ký ức về các con cứ theo mẹ suốt những năm tháng dài. Đó là những ký ức đẫm nước mắt, nước mắt của người mẹ nhiều lần đau thắt vì nhớ con. Mẹ bùi ngùi: “Tội nghiệp, 2 đứa đều còn trẻ quá, chưa đứa nào có vợ. Tụi nó hiếu thảo, ngoan hiền, thương mẹ lắm! Thời đó khó khăn, trồng khoai mì, ăn cơm độn. Tụi nó chưa một ngày được sung sướng, chưa được 20 tuổi đã xa nhà, đi rồi mà một lá thư, tấm ảnh cũng không có! Năm 1975, người ta đón con về, còn mình thì lặng lẽ lau nước mắt, tội nhất là thằng Coi, hy sinh tháng 9-1974, năm sau hòa bình rồi còn gì!...”. 

Hai lần nhận giấy báo tử của các con là 2 lần mẹ không dám khóc. Mẹ cắn răng cố nén cho nước mắt không rơi, có khóc mẹ cũng chạy đi thật xa, lánh vào góc khuất mới dám rơi lệ, mẹ sợ lính thấy rồi ảnh hưởng đến cả gia đình. Ai đã từng làm mẹ mới hiểu hết nỗi lòng của người mẹ, có ai mà không xót, không thương con. Con té, con đau thì tim mẹ còn nhói, huống gì… Giờ đây, khi kể cho chúng tôi nghe về 2 người con trai của mình, giọng mẹ cũng bình thản, từ tốn. Có lẽ, thời kỳ gian khó khi phải cắn răng không khóc của ngày xưa đã trui rèn cho mẹ sự kiên cường, sắt đá của ngày hôm nay.

Thời gian có thể làm lành vết thương da thịt, còn vết thương lòng mẹ vẫn nặng mang nhưng mẹ gắn gượng vượt qua nỗi đau. Bởi, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng, người mẹ thương con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly, tiễn con lên đường vì hòa bình, độc lập của đất nước,…

NGỌC MẬN-PHẠM NGÂN

 

 

Chia sẻ bài viết