PGS Văn Như Cương
Trong trả lời phỏng vấn của VOV.VN về đề án này, PGS Văn Như Cương bày tỏ băn khoăn khi xem lại 3 phẩm chất gồm: “Sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm”.
Không trung thực thì yêu thương cũng là giả dối, tự chủ giả vờ, trách nhiệm quấy quá
PGS Văn Như Cương cho biết quan điểm của mình: “Tôi rất muốn có phẩm chất trung thực, không dối trá. Phẩm chất ấy quan trọng bậc nhất, nhất là trong xã hội hiện nay chúng ta đang đòi hỏi cần phải có lối sống trung thực. Tôi ra chợ mua phải hàng giả, vào siêu thị cũng mua phải hàng giả. Đi mua đồ hiệu cũng hàng giả. Rồi tôi đi gặp ông A, ông B bằng cấp cũng giả… Nhiều thứ không trung thực đang hiện hữu trong xã hội. Thế thì, ít nhất phải đào tạo trong ngành giáo dục đến lớp 12 các em phải có thái độ sống trung thực, không gian dối. Thế nhưng, phẩm chất này lại không có trong đề án của Bộ. Nếu anh không trung thực thì có yêu thương cũng là giả dối, tự chủ giả vờ, trách nhiệm quấy quá”.
Nói về tính trung thực, PGS Văn Như Cương nhớ lại lúc học cuối cấp phổ thông ở trong kháng chiến: “Thầy giáo giao cho lớp trưởng đề kiểm tra để trong phong bì dán kín. Hôm sau, thầy không đến lớp nữa, lớp trưởng bóc phong bì, đọc đề cho các bạn chép, chúng tôi làm bài nghiêm chỉnh. Lớp trưởng thu về nộp cho thầy giáo. Nghiêm chỉnh, trung thực một cách tuyệt đối. Bây giờ có thầy giáo nào dám giao đề bài cho lớp trưởng? Hay để lớp trưởng thu bài về nhà thì làm sao? Khó tránh khỏi chuyện các em thay hết kết quả làm bài. Nếu không có thầy ngồi coi thi thì lớp sẽ thế nào… Tôi muốn chúng ta phải trở lại những cái đó một cách hoàn toàn tự giác, nghiêm túc”.
Theo phân tích của PGS Văn Như Cương, giáo dục cho lớp trẻ sự trung thực thì khi đó xã hội sẽ khác ngay. Như bây giờ, từ công quyền cho đến tất cả mọi nơi đều gặp sự giả dối, chấp nhận sự giả dối tồn tại mà không ai lên tiếng.
Năng lực phản biện
Đề án đổi mới cũng đưa ra 8 năng lực chung mà học sinh cần có như về toán học, nghệ thuật, thể chất, ngôn ngữ… Nhưng theo PGS Văn Như Cương một năng lực quan trọng mà không thấy đặt ra là năng lực phản biện. Học sinh cần có năng lực này để chống học vẹt, chống thầy nói rồi chép cho kỹ, về học cho thuộc rồi thầy hỏi bài lại trả lời đúng như thế. Như vậy thì không phải là phản biện. Cách học mới quan trọng là độc lập suy nghĩ. Còn như bây giờ chúng ta đang dạy và các em không có tư duy phản biện.
Học sinh phải biết lao động
Theo PGS Văn Như Cương, năng lực lao động cũng cần đưa vào đề án này. Bởi tình trạng chung hiện nay là kể cả những lao động giản đơn với các em hiện nay không có, tất cả là do người giúp việc, bố mẹ làm hết. Thậm chí, chúng còn không biết gấp quần áo của chính mình chứ chưa nói là giặt. Nhiều em chưa biết cầm cái chổi quét sân, chưa nói tới lau cửa kính…
“Thái độ đối với lao động không được rèn luyện ở nhà trường thì ra làm việc ở cơ quan là theo kiểu câu giờ, đối phó. Tại sao nói Singapore lương cao gấp 15 lần Việt Nam? Vì 1 người Sing có thể làm bằng 15 người Việt. Ta thì cứ thong thả đến, sớm muộn không quan trọng. Đến công sở rồi còn uống nước, cà phê, bình luận các thứ linh tinh. Thái độ với lao động cũng không được rèn luyện cho nên nhiều chuyện trong trường phải dạy cho các em. Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng để “đổi đời” cho giáo dục. Tôi hy vọng, ta làm được điều đó thì khi đó mới xứng đáng giáo dục là quốc sách”- PGS Văn Như Cương nói.
Giáo viên phải đào tạo lại
Để phục vụ đổi mới, theo PGS Văn Như Cương, dứt khoát phải một mặt đào tạo mới, tức là có chương trình mới để phục vụ đổi mới ở phổ thông, một mặt phải đào tạo lại số giáo viên ra trường rồi. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của trường trung học. Nếu như giáo viên đã đủ số lượng rồi thì trường trung học không cần tuyển giáo viên mới mà chỉ đào tạo lại. Hết khóa này lấy bao nhiêu giáo viên về học và phải thi cử, tuyển chọn một cách nghiêm ngặt. Anh nào qua được thì mới được về tiếp tục giảng dạy. Không thể làm theo cách như trước đây là đến hè mời giáo viên ở các tỉnh về Hà Nội nghe nói “mấy bài linh tinh”, nhưng họ có nghe đâu mà chỉ tranh thủ về Hà Nội để mua sắm, đi chơi bạn bè. Không hiệu quả mà lại tốn kém, phải tiêu cho đủ số tiền đã dự toán, tiền bồi dưỡng, công tác phí… Tôi đến dạy thì ký 3 tờ để lĩnh thành 3 tiết vì cơ chế trả thù lao thấp quá. Nhọc lắm. Câu chuyện đúng là cơ chế.
Ngoài ra, cũng cần có một “cú huých” về mặt kinh tế đối với công tác đào tạo nhân lực cho sư phạm, thu hút được người tài.
Chương trình sách giáo khoa phổ thông phải có một “nhạc trưởng”
Sách giáo khoa bậc phổ thông chắc chắn phải viết lại vì sau khi có chương trình tổng thể thì có chương trình các bộ môn, tích hợp chỗ nào, tự chọn chỗ nào… Việc này cũng phải làm cẩn thận. Phải có một “nhạc trưởng” chung cho tất cả điều khiển Lý, Hóa, Toán… liều lượng như thế nào. Tôi tin chắc rằng, tinh thần của SGK mới rất nhẹ, vì dạy cho đúng đối tượng hơn. Phổ thông cơ bản là ở cấp phổ thông cơ sở. Còn PTTH có dạy định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, trước đây một người học phổ thông mà sau này làm báo thì cần gì phải học tích phân, đạo hàm; giải phương trình lượng giác dài loằng ngoằng mà không bao giờ dùng đến. Học để biết qua là có chuyện như thế chứ không cần phải đào sâu, không phải làm bài tập. Còn với những anh muốn làm kỹ sư, máy tính thì tại sao phải bắt họ học văn theo kiểu để trở thành một nhà phê bình văn học.
Từ rất lâu tôi đã có ý kiến phải giảm đi 1/3 hoặc một nửa kiến thức vô bổ để học những kiến thức khác cần thiết hơn nhiều.
Hệ thống đại học không thể đứng ngoài cuộc
Bước đầu, chúng ta tập trung đổi mới ở bậc phổ thông . Còn đại học đổi mới thì sẽ có những kiểu làm khác. Đại học sẽ đổi mới dễ hơn. Điều đáng mừng là các trường quốc tế như Fullbright (Mỹ), các trường của Australia, Nhật Bản… cũng đã vào Việt Nam xây dựng trường học rồi, nếu không đổi mới để cạnh tranh thì các trường đại học trong nước sẽ chết. Cho nên, các trường cần phải thay đổi khi chúng ta nhập khẩu các trường đại học ở các nước vào. Khi đó, bộ phận giáo dục trong nước có động lực hơn./.
Vũ Hạnh/VOV.VN (thực hiện)