Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
Thời gian qua, các kênh truyền thông và trang mạng xã hội đã được thiết lập để tạo kênh kết nối, các lực lượng cực đoan, cơ hội ở trong và ngoài nước lợi dụng lĩnh vực VHNT nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, lập quỹ để cung cấp tài chính, trả nhuận bút cho số văn nghệ sĩ cực đoan. Số văn nghệ sĩ này tiếp tục lợi dụng, núp bóng các tổ chức xã hội dân sự để thành lập các tổ chức đối lập, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực VHNT.
Các đối tượng này móc nối với các cá nhân, tổ chức nước ngoài thường xuyên thông qua các hoạt động tài trợ, biểu diễn, triển lãm, giao lưu văn hóa, văn học, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu để tuyên truyền ảnh hưởng, lôi kéo lực lượng văn nghệ sĩ có tư tưởng dao động để khuếch trương lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đòi tự do sáng tác một cách vô chính phủ.
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ở hải ngoại trong nhiều năm nay đã sử dụng VHNT làm công cụ “rao giảng” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nước ta.
Mục đích của hoạt động chống phá trên lĩnh vực VHNT là “thọc sâu” vào ý thức hệ của các tầng lớp nhân dân, làm phân rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Sự chống phá được tiến hành rất xảo quyệt, tinh vi nên việc nhận diện chúng không dễ dàng vì nó ẩn khuất trong những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật”, “những sự kiện có thật”, đánh vào thị hiếu của con người.
Các thế lự thù địch đã “lăng xê” các tác phẩm văn học, hội họa, chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Có những tác phẩm đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, làm lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chất chính nghĩa của các cuộc kháng chiến; từ đó, gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Các thế lực thù địch, phản động còn đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối VHNT của Đảng ta, cáo buộc “các tác phẩm phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, hay vu cáo “sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết VHNT”,...
Không chỉ vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn phát tán vào trong nước hàng chục ngàn tài liệu có nội dung xấu, độc, các tác phẩm VHNT được xuất bản ở nước ngoài có nội dung sai trái về chính trị, lồng ghép những quan điểm trái chiều, phức tạp để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động,...
Các lực lượng phản động, cơ hội chính trị đã móc nối, sử dụng một số cán bộ lão thành (cả đương chức), cán bộ hưu trí, một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức có biểu hiện bất mãn chính trị, “tự diễn biến”, “trự chuyển hóa” để tạo dựng “ngọn cờ” tập hợp lực lượng chống đối, tán phát trên Internet, mạng xã hội những bài viết, tư liệu, tài liệu với luận điệu thâm độc, quan điểm sai trái cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ” để tuyên truyền, kích động, gia tăng các hoạt động chống phá.
Thời gian qua, có không ít văn nghệ sĩ lợi dụng uy tín cá nhân, tầm ảnh hưởng của mình với xã hội đăng tải trên trang cá nhân, blog, tài khoản Zalo, Facebook những bài bình luận về vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ văn chương, nghệ thuật với cái nhìn hằn học, một chiều, cực đoan.
Trên một số tài khoản Facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, trích đoạn văn xuôi bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, gieo rắc sự hoài nghi về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của chính quyền nhằm tạo cớ để các thế lực thù địch có cơ sở chống phá Đảng và chế độ ta quyết liệt hơn.
Những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực VHNT đã có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin của một bộ phận nhân dân, trong đó có lớp trẻ. Đây là mối nguy hại rất lớn không thể xem thường.
Tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Trong suốt quá trình đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: “Phát triển sự nghiệp VHNT, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội VHNT”.
Khoản 2, Điều 60 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng nêu rõ: “Nhà nước, xã hội phát triển VHNT nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đó là cơ sở chính trị, pháp lý và định hướng quan trọng để phát triển VHNT của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đảng và Nhà nước rất quan tâm công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực VHNT. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã xác định tương đối rõ ranh giới cho hoạt động sáng tạo, chỉ ra những hành vi, hoạt động không được phép; tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo VHNT; đồng thời, có khả năng ngăn chặn, xử lý những quan điểm sai trái, phản động.
Các cơ quan đấu tranh đã phát hiện và chủ động phân loại các nhóm đối tượng với tính chất và mức độ sai phạm, thái độ chính trị sai trái, thù địch của các nhóm đối tượng để sử dụng các biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả.
Cũng trên cơ sở quy định của pháp luật, các cơ quan đấu tranh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý một số trường hợp có quan điểm sai trái, thù địch trong đời sống VHNT; sử dụng nhiều kênh, gồm các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và cá nhân có uy tín để tiến hành đối thoại, vận động, thuyết phục một số văn nghệ sĩ có tư tưởng phức tạp và đã đạt những kết quả tích cực.
Thông qua tiếp xúc, đối thoại, bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ, luận chứng thuyết phục và cả liên hệ tình cảm, chúng ta đã cảm hóa được một số văn nghệ sĩ, giải tỏa dần những bức xúc, đưa họ trở lại gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Để tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực VHNT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với hoạt động đấu tranh ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực VHNT, xem đây là một trong những mặt trận trọng yếu trong công tác tư tưởng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các cấp ủy Đảng cần có những nghị quyết chuyên đề về vấn đề này nhằm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát tình hình tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có điều kiện chống phá.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động VHNT, nhất là hội, nhóm hay hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ bằng những quy định cụ thể; đồng thời, có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm. Có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ tham gia đấu tranh chống lại các hoạt động lôi kéo, kích động, chống phá của các thế lực thù địch trên các diễn đàn, nhất là trên mạng xã hội.
Thứ ba, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện hoạt động VHNT. Các cơ quan truyền thông cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc biểu dương, lan tỏa những hoạt động VHNT có giá trị tích cực, có tính định hướng theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; đồng thời, lên tiếng phê phán những hoạt động VHNT phản cảm, đi ngược lại quy định của Đảng, Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân phát huy vai trò phản biện, giám sát hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ; kịp thời góp ý kiến để điều chỉnh những hành vi “lệch chuẩn”.
Thứ tư, những người làm việc trong lĩnh vực VHNT phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội, chấp hành nghiêm túc những quy định đạo đức nghề nghiệp và quy định về văn hóa ứng xử; nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, biết tận dụng lợi thế, uy tín của người nổi tiếng để tuyên truyền, quảng bá những giá trị tích cực, bài xích những biểu hiện sai trái, lệch lạc.
Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT là nhiệm vụ rất quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay. Để cuộc đấu tranh này thực sự hiệu quả, ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực VHNT, đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT cũng cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh, trách nhiệm trong việc xây dựng nền VHNT trong sáng, phù hợp định hướng của Đảng và thị hiếu lành mạnh của nhân dân, tránh để các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta./.
Huyền Linh