Tiếng Việt | English

24/02/2022 - 08:41

Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị có nhiều quan điểm sai trái, xuyên tạc lệch lạc về vấn đề này. Chúng cho rằng, phát triển KTTT thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), chủ trương gắn KTTT với định hướng XHCN là không có cơ sở. Đây là những quan điểm hoàn toàn sai trái, phiến diện và phi khoa học.

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng xác định, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh tư liệu minh họa: Phạm Ngân)

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng xác định, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh tư liệu minh họa: Phạm Ngân)

Chủ trương lớn được xác định xuyên suốt trong các kỳ đại hội Đảng

Xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, nhằm có mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Chủ trương phát triển KTTT định hướng XHCN được Đảng ta chính thức đưa ra tại Đại hội IX (năm 2001). Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng khách quan, khoa học, sáng tạo, đưa mô hình KTTT định hướng XHCN trở thành nền tảng tư tưởng phát triển của đất nước. Mục đích của nền KTTT định hướng XHCN là phát triển lực lượng sản xuất nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, nâng cao đời sống của nhân dân và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.

Đại hội X (năm 2006) của Đảng, thể hiện quan điểm mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta được phát triển cả về lý luận và thực tiễn với nhận định: Thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định: Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Đây là những tư tưởng, quan điểm mới.

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng đã có bước phát triển mới, nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam: Có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển,... Tiếp tục đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế làm mục tiêu hàng đầu để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục nêu: KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, nhấn mạnh: Cải cách nâng cao chất lượng KTTT định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả, là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Nền KTTT định hướng XHCN tiếp tục được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là cần thiết, tạo sự linh hoạt và vận dụng sáng tạo hiệu quả của Đảng ta trong chỉ đạo, điều hành thực tiễn đất nước nhằm phát triển KT-XH đất nước nhanh và bền vững.

Hướng đi đúng đắn và phù hợp trong định hướng phát triển kinh tế

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ra sức chống phá, xuyên tạc, vu cáo rằng, không có nền KTTT định hướng XHCN; chủ trương gắn KTTT với định hướng XHCN là không có cơ sở; KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; Việt Nam xây dựng một nền KTTT “méo mó, không giống ai”. Đây là những quan điểm sai trái, phiến diện, phi khoa học, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn. Và thực tiễn thấy rõ, nền KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam xây dựng mà họ phủ nhận lại đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng giúp chúng ta và bạn bè quốc tế nhận thức rõ hơn những điểm mới, nổi bật của nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam. Định hướng XHCN đã tiếp tục chứng minh tính đúng đắn và ưu việt thông qua đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã làm rất tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.

Đảng ta lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN là một hướng đi đúng đắn và phù hợp trong định hướng phát triển kinh tế, thể hiện sự khoa học và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển thời đại và yêu cầu phát triển đất nước đặt ra.

Trong bài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có...”. Đây là những luận giải nhằm xác định rõ hơn mục tiêu khi xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, chính là tạo cơ sở vật chất cho CNXH.

Để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải kiên định lập trường, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đường lối phát triển kinh tế; phát huy từ những lời nói, việc làm, hành động cao đẹp và bằng ý thức cảnh giác, trách nhiệm cao, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, khơi dậy khát vọng sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chúng ta lên án mạnh mẽ các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, những kẻ đang ra sức lợi dụng vướng mắc, bất cập trong thể chế KTTT định hướng XHCN để xuyên tạc, phủ nhận thành quả của đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước. Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch chính là nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

Minh Phương

Chia sẻ bài viết